Kỳ cuối: muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCô, trò Trường Tiểu học Lĩnh Nam vui tươi trong ngày khai giảng. Ảnh: Trường Tiểu học Lĩnh Nam |
Đào tạo cho giáo viên kỹ năng giải quyết tình huống tâm lý trong nhà trường
Theo các chuyên gia tâm lý học đường, để xử phạt hiệu quả học sinh vi phạm, giáo viên không nên cứng nhắc mà phải tạo cho trẻ tính tự giác sửa sai thì mới đạt mục tiêu giáo dục.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tâm lý cho rằng, lý thuyết về kỷ luật tích cực hầu như không còn xa lạ với giáo viên. Để áp dụng kỷ luật tích cực với học sinh, việc đầu tiên giáo viên cần làm là tìm hiểu nguyên nhân tại sao học sinh ứng xử sai. Áp dụng kỷ luật tích cực phải có điều kiện tiên quyết là kiến tạo mối quan hệ gần gũi và thân thiết với học trò. Khi giáo viên đã thực sự trở thành “người mẹ hiền” thì những hình thức kỷ luật tích cực cô đưa ra mới được học trò tự nguyện thi hành. Giáo viên cũng phải có kỹ năng nhận diện và kiểm soát cảm xúc của mình, từ đó nhận ra “điểm tới hạn” cảm xúc để có thể làm dịu đúng lúc.
Giáo sư, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, hiện tại, rất nhiều trường học có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại đang mặc định chỉ giải quyết các vấn đề của học sinh, mà hầu như bỏ quên thầy cô. Trong khi để tạo lập môi trường sư phạm văn minh, hạnh phúc thì không thể thiếu vai trò của người thầy.
Theo giáo sư, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng dễ gặp áp lực tinh thần từ công việc và cần được chia sẻ. Theo nghiên cứu mới nhất của Học viện Quản lý Giáo dục, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress (căng thẳng) trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc và một tỉ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Công việc tăng, áp lực căng thẳng nên việc được chia sẻ chính là nhu cầu cần thiết của mỗi giáo viên hiện nay.
Giáo sư, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm, ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nhu cầu đào tạo cho giáo viên kỹ năng giải quyết tình huống tâm lý trong nhà trường là rất cần thiết. Đây là vấn đề cần được các trường nhìn nhận cấp thiết bởi trường học hạnh phúc chỉ được tạo lập khi cả thầy và trò thực sự được yêu thương, chia sẻ.
Văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy
Theo Bộ GD&ĐT, để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo cần thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp. Về phía các cơ sở giáo dục, cần rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng có thời lượng, nội dung nhất định cho đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, các nhà giáo cần tự rèn luyện, tự tu dưỡng, trau dồi chứ không chỉ trông chờ vào việc lồng ghép vào một vài chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, các trường phổ thông trong toàn quốc đều có bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Tuy nhiên, thời điểm này, cần rà soát, làm mới để phù hợp với tình hình, bối cảnh của trường học đang đổi mới căn bản, toàn diện.
Chia sẻ về xây dựng trường học hạnh phúc, đẩy mạnh văn hóa học đường trong năm học 2023-2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy, coi trọng phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất, tinh thần của người học. Đặc biệt, văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo.
"Muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Tại đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nêu ra 3 yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Theo đó, yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung. Tiêu chí an toàn: trường học phải đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên và học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần, để mỗi khi đến trường như là về nhà. Tiêu chí tôn trọng: cần tôn trọng sự khác biệt vì chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân áp đặt cho cái chung. |
Kỳ 1: dùng hành động phản cảm để xử phạt lỗi của học sinh | |
Kỳ 2: giáo viên cứng nhắc khiến học sinh bị tổn thương | |
Kỳ 3: đánh đập, xúc phạm học sinh bằng ngôn từ "chợ búa" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại