Thứ ba 30/04/2024 06:23
Xử phạt học sinh vi phạm thế nào cho đúng?

Kỳ 2: giáo viên cứng nhắc khiến học sinh bị tổn thương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua, không ít sự việc liên quan đến vi phạm của học sinh, giáo viên đã ứng xử thiếu khéo léo dẫn đến những lùm xùm không đáng có, ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo cũng như ngành giáo dục, tâm lý của học sinh, phụ huynh.
Kỳ 2: Giáo viên cứng nhắc khi xử phạt học sinh
Cô giáo Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) kéo áo học sinh khiến dư luận bức xúc. Ảnh chụp màn hình

Cô giáo hành động thiếu chuẩn mực chỉ vì chiếc bánh

Tháng 9/2023, trên mạng xã hội lan truyền lip một nữ sinh lớp 12D4 Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) quỳ khóc trước cửa lớp khiến dư luận xôn xao.

Theo tường trình của cô N.T.P - giáo viên chủ nhiệm của lớp, em N.T.K.C là Bí thư Đoàn thanh niên lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng lại đặt khác với thống nhất từ trước. Sau khi trao đổi, cô P bảo em C ra đứng ở cửa lớp, không cho vào để em tự giải quyết chiếc bánh đó.

Sau khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật cho các bạn trong tháng, giáo viên chủ nhiệm đi ra cửa thì em C quỳ xuống ở cửa lớp. Cô P bảo học sinh đứng lên nhưng nữ sinh này không đứng lên. Do sức khỏe không tốt, học sinh nằm ra cửa lớp, cô giáo có kéo áo học sinh chưa được chuẩn mực. Cô P xác nhận việc mình xử lý là nóng vội, gây hiểu lầm.

Theo báo cáo của nhà trường gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, em C xác nhận em mắc nhiều lỗi, bố học sinh C cũng xác nhận lỗi do con mình. Một học sinh trong lớp xác nhận có quay clip và gửi cho bạn cùng lớp.

Ngày 30/9/2023, Công an huyện Sóc Sơn đã làm việc với các bên liên quan để tìm hiểu sự việc. Chiều tối 30/9, tại hội nghị cán bộ lãnh đạo mở rộng của Trường THPT Đa Phúc, nhà trường đã thống nhất điều chuyển công tác cô P. Theo đó, cô P sẽ không được cử làm công tác tư vấn học đường, đồng thời chuyển công tác giảng dạy môn Giáo dục công dân và công tác chủ nhiệm lớp 12D4 sang giáo viên khác. Cô P cũng đã nhận thức được vấn đề nghiêm trọng và đồng ý với điều chỉnh phân công nhiệm vụ của nhà trường.

Trong báo cáo, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra đã nhắc nhở giáo viên có hành vi kéo học sinh chưa chuẩn mực, hành động chưa đúng với vị trí của một giáo viên chủ nhiệm, đồng thời yêu cầu giáo viên về viết tường trình chi tiết sự việc. Hiệu trưởng đã gọi điện hỏi thăm tình hình của học sinh C, mong em thông cảm về hành động kéo học sinh lên chưa chuẩn mực của giáo viên chủ nhiệm.

Ngày 2/10, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu nhà trường tạm đình chỉ công tác với cô P.

Học sinh bị giáo viên bêu tên, cho nghỉ học vì vi phạm nội quy

Tháng 11/2023, trên mạng xã hội đăng tải thông tin về việc một cô giáo chủ nhiệm đã bêu tên học sinh đi học muộn, không đeo khăn quàng, không đội mũ bảo hiểm trong nhóm chát của phụ huynh. Đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm còn thông báo các em học sinh vi phạm nội quy nhà trường sẽ bị phạt nghỉ học 1 ngày và nhắc phụ huynh quản lý con ở nhà.

Kỳ 2: Giáo viên cứng nhắc khi xử phạt học sinh
Cô giáo bêu tên học sinh trong nhóm lớp, thậm chí yêu cầu học sinh vi phạm phải nghỉ học. Ảnh: phụ huynh cung cấp

Sau khi những thông tin được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc đối với cách xử lý cứng nhắc và không đúng quy định của cô giáo.

Sau đó, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã xác nhận, nội dung những thông tin trên là do giáo viên chủ nhiệm lớp 7C của trường nhắn vào nhóm phụ huynh. Tuy nhiên, Hiệu trưởng cho biết nhà trường có đội cờ đỏ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy đối với học sinh, trường hợp nào vi phạm nội quy sẽ bị nhắc nhở, không trừ điểm hay có hình thức xử phạt nào khác.

Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận giáo viên đã đưa ra thông tin về nội quy, quy định của nhà trường như vậy là chưa đúng. Sau khi nắm được thông tin, nhà trường đã yêu cầu cô giáo chủ nhiệm làm bản tường trình, tiến hành rút kinh nghiệm.

Tháng 11/2023, bà Đ.T.C (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) đã làm đơn tố cáo cô giáo P.Q.A - giáo viên Trường TH&THCS Lê Lai (trước đó từng dạy tại Trường THCS Lê Lợi) đã xúc phạm con gái bà khiến em này lâm vào tình trạng stress nặng, bị sụt hơn 10kg và phải điều trị tâm lý tại bệnh viện.

Theo bà C, năm học 2022-2023, con gái bà là cháu T.T.N - học lớp 8A, Trường THCS Lê Lợi do cô A chủ nhiệm và dạy môn Toán. Vào đầu năm học, em N có tham gia lớp học thêm của cô A nhưng học được 3 tháng, em xin nghỉ. Kể từ đó, cô giáo A luôn để ý đến N một cách bất thường. Ở lớp, cô để ý em có vi phạm gì không. Nếu em N vi phạm, cô giáo sẽ mắng nhiều và không cho ngồi mà bắt vừa đứng, vừa học.

Em N bị cô phân biệt đối xử dẫn đến bị ám ảnh, thường xuyên đóng cửa ở một mình, suy nghĩ về lời cô nói cũng như rất lo sợ mỗi khi đến tiết học của cô giáo chủ nhiệm.

Vì quá bức xúc trước việc cô giáo đối xử phân biệt với con mình, khiến cháu bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần, bà C đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Sau đó, cô A gọi điện xin lỗi và mong gia đình bỏ qua nhưng thời điểm đó đã không đến nhà xin lỗi, hỏi thăm con gái bà.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea H'leo, phía nhà trường có trách nhiệm thăm hỏi, động viên em N và mời các bên đến đối thoại, tìm hiểu rõ ràng sự việc, từ đó có hướng giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý cho các bên.

(Còn nữa...)

Kỳ 1: dùng hành động phản cảm để xử phạt lỗi của học sinh Kỳ 1: dùng hành động phản cảm để xử phạt lỗi của học sinh
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động