Thứ hai 07/10/2024 08:34
Xử phạt học sinh vi phạm thế nào cho đúng?

Kỳ 3: đánh đập, xúc phạm học sinh bằng ngôn từ "chợ búa"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm gần đây, ngành giáo dục xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc về hành xử không chuẩn mực của giáo viên đối với học sinh như đánh đập, xúc phạm học sinh bằng những ngôn từ "chợ búa".
Kỳ 3: đánh đập, xúc phạm học sinh bằng ngôn từ
Clip ghi lại cảnh thầy giáo Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt học sinh và mắng với ngôn từ phản cảm. Ảnh chụp màn hình

Giáo viên dùng tay, roi đánh học sinh

Ngày 19/4, bà N.T.X (42 tuổi, trú huyện Tân Thạnh, Long An) đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc về việc cháu N.M.H - con trai bà, học lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Tân Bình (điểm Cây Sao) nghi bị cô giáo đánh. Cháu có nhiều vết bầm ở mặt, tay, xây xát da nhiều nơi.

Khi bà H hỏi thì cháu kể bị cô giáo dùng tay đánh. Cô còn dặn không được kể cho cha mẹ. Từ hôm bị cô giáo đánh, cháu H tỏ ra lo lắng, không muốn đi học.

Bà H đã dẫn cháu đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Tân Thạnh, giám định thương tích. Cháu H được bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương phần mềm và rối loạn tiêu hóa. Lúc kiểm tra, bác sĩ phát hiện cháu H bị xây xát vùng da vai trái, bàn tay trái, cẳng tay bệnh nhân có nhiều vết bầm, hàm trái sưng đỏ. Sau đó, cháu H được bác sĩ kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú.

Do bức xúc với hành vi của cô giáo, bà X đã đến Trường Tiểu học Trung học Cây Sao yêu cầu nhà trường làm rõ vụ việc. Ngày 17/4, trường đã mời bà X đến làm việc, có sự tham dự của đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Thạnh, lãnh đạo xã Tân Bình. Nhà trường nhận khuyết điểm và cho biết sẽ điều chuyển công tác cô giáo gây ra vụ việc.

Tháng 10/2023, tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa xảy ra sự việc cô giáo ở Trường Tiểu học Hải Hòa dùng roi tre, đánh vào lưng học sinh gây bầm tím vì học sinh không làm bài tập. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hòa xác nhận, ngày 30/9, tại trường có sự việc một học sinh nam lớp 4 của trường bị cô giáo dùng roi tre đánh vào lưng. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường đã cùng cô H đến nhà học sinh để xin lỗi. Tuy nhiên, do còn bức xúc nên phụ huynh của học sinh đã đăng tải sự việc lên mạng xã hội facebook.

Giáo viên xưng "bố mày", mắng học sinh "mất dạy",...

Cũng trong tháng 10/2023, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 20 giây ghi lại cảnh một thầy giáo đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt một học sinh nam và mắng với ngôn từ không chuẩn mực, thậm chí xưng "bố mày" và nói "bây giờ làm đúng rồi, gạch đi, viết lại thì mới sai. Mày có hiểu không con chó này?". Sau đó, thầy vung sách, rồi đưa cho học sinh, quát "về".

Ông Phùng Đức Ánh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội), xác nhận sự việc diễn ra vào sáng 29/9, môn tiếng Anh tại lớp 10A9 của trường. Thầy giáo trong clip là giáo viên về trường công tác được 2 năm. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã tạm thời đình chỉ công tác thầy giáo này.

Liên quan tới clip này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đã kiểm tra và xác nhận sự việc xảy ra tại Trường THPT Phan Huy Chú. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo nhà trường phối hợp với cơ quan công an để xác minh sự việc. Tinh thần chỉ đạo của Sở là nghiêm khắc với sai phạm, tuyệt đối không bao che, nể nang với các hành vi không chuẩn mực của nghề.

Liên quan đến sự việc, đại diện nhà trường cho biết thầy T- giáo viên trong clip đã thừa nhận bản thân nóng tính nên đã hành xử không đúng với học sinh. Nam giáo viên cũng đã rút kinh nghiệm và xin lỗi học sinh cùng phụ huynh.

Sự việc giáo viên ngữ văn mắng học sinh "mất dạy", "khốn nạn", "mặt trơ trơ như chó" và đuổi ra khỏi lớp vì học sinh không tập trung trong giờ học xảy ra tại Trường THCS Trần Phú (Tuyên Quang) cũng khiến dư luận phẫn nộ. Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường đã có nhiều buổi làm việc với giáo viên, yêu cầu cô tường trình, kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Hiệu trưởng nhà trường nhận định hành vi của cô là sai và đã kiểm điểm giáo viên.

Tháng 7/2023, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin một đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại hình ảnh một thầy giáo đang ngồi ở bàn giáo viên thì bất ngờ đập mạnh tay xuống bàn, chỉ xuống lớp học và nói: "Học dốt, viết đoạn văn 150 chữ, thi làm không được, giờ tôi hướng dẫn không nghe. Đầu trâu, đầu chó gì đó, không phải đầu người...". Sự việc xảy ra trong giờ ôn tập môn Ngữ văn năm 2022 của một lớp 10 Trường THPT Võ Thị Hồng (Cà Mau).

Sau khi những sự việc trên được đưa lên mạng xã hội, cơ quan chức năng đều đã vào cuộc xử lý. Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, dù học sinh có vi phạm quy định ra sao thì giáo viên cũng không nên ứng xử thiếu chuẩn mực bằng việc đánh đập, chửi bới, xúc phạm học sinh bởi những hành động đó không chỉ xâm hại đến thân thể, sức khỏe tinh thần cho học sinh, khiến các em bị ám ảnh lâu dài mà còn khiến chính các em dễ học theo hành động của các thầy cô, là dùng bạo lực thân thể, bạo lực ngôn từ để xử lý việc người khác làm sai với mình.

Căn cứ vào Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT Quy tắc ứng xử trong trường mầm non, giáo dục phổ thông, ứng xử của giáo viên với người học như sau:

Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương;

Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện;

Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

(Còn nữa...

Kỳ 1: dùng hành động phản cảm để xử phạt lỗi của học sinh Kỳ 1: dùng hành động phản cảm để xử phạt lỗi của học sinh
Kỳ 2: giáo viên cứng nhắc khiến học sinh bị tổn thương Kỳ 2: giáo viên cứng nhắc khiến học sinh bị tổn thương
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động