Thứ bảy 27/04/2024 09:08

Cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP Hà Nội: Hiệu quả không chỉ từ con số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phát biểu tại một Hội nghị tập huấn về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) do Bộ Tư pháp tổ chức gần đây, TS Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp nói rằng: “Tuyên truyền, PBGDPL - nói không thì không hiểu, nghe thì dễ quên, nhìn thì mới dễ nhớ, làm thì mới dễ hiểu và có hiểu thì mới nắm sâu vấn đề”.

Cuộc vận động lớn đưa DVCTT đến gần với người dân Thủ đô

Liên tưởng câu nói đó đến Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP Hà Nội, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn Thủ đô, trong đó có các em học sinh qua việc trực tiếp tham gia làm bài dự thi đã có dịp biết đến và hiểu hơn về những ưu điểm của dịch vụ công TP cung cấp.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ, của cuộc cách mạng 4.0 với rất nhiều thành tựu, những sản phẩm, dịch vụ gần gũi và thiết thực đang từng ngày, từng giờ làm thay đổi cuộc sống của con người. Trong đó, việc triển khai DVCTT với sự hỗ trợ đắc lực của các ứng dụng công nghệ thông tin đã khiến việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) trở nên nhanh gọn, thuận tiện hơn. Thay vì phải đến trực tiếp cơ quan hành chính Nhà nước để giao dịch, người dân có thể thực hiện việc đăng ký mọi lúc, mọi nơi và nhận kết quả giải quyết luôn tại nhà mà không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi.

Tuy nhiên, thực tế sự tham gia của người dân, tổ chức đối với các DVCTT mức độ 3, 4 đặc biệt cấp xã còn hạn chế. Nhiều người vẫn chưa biết đến những lợi ích thiết thực của việc sử dụng DVCTT so với cách thức đăng ký truyền thống. Mặt khác do thói quen, do tâm lý hoặc do hạn chế về khả năng công nghệ thông tin nên tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT chưa nhiều.

Cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT” được TP Hà Nội tổ chức nhằm phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng DVCTT của TP; các dịch vụ thực hiện qua DVCTT; mức độ sử dụng, lệ phí, phí, thời hạn giải quyết, hồ sơ giải quyết....

Hơn 3 tháng triển khai, cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT” trên địa bàn TP Hà Nội đã nhận được 867.418 bài tham gia dự thi. Với con số này, đây là cuộc thi trực tuyến thu hút số lượng lượt người tham gia lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả quan trọng, tích cực nhất mà cuộc thi mang lại không chỉ dừng lại ở con số bao nhiều bài tham gia dự thi, mà qua đó cuộc thi đã tạo ra một cuộc vận động lớn để đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội biết đến khái niệm dịch vụ công, DVCTT, các mức độ DVCTT, cách thức sử dụng DVCTT của TP, các TTHC thực hiện qua DVCTT…

hieu qua khong chi tu con so
Nếu mỗi học sinh là một tình nguyện viên thì sẽ có hơn 1,1 triệu tình nguyện viên chung tay đưa DVCTT đến gần hơn với mọi người. Ảnh: T.Hải

Góp phần xây dựng công dân điện tử cho một TP thông minh

Theo Thể lệ cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT” của Hà Nội, đối tượng dự thi là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP. Trong đó TP đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các công dân từ đủ 12 tuổi trở lên. Quá trình diễn ra cuộc thi, cũng đã có ý kiến băn khoăn việc TP khuyến khích sự tham gia của các em học sinh cấp 2 liệu có phù hợp với các em hay không.

Thông tin về nội dung này, bà Hồ Xuân Hương – PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Khi đưa đối tượng học sinh THCS (từ đủ 12 tuổi trở lên), Ban tổ chức cuộc thi đã cân nhắc kỹ. Thực tế, học sinh THCS rất say mê, khám phá, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Các em cũng đã được tiếp cận với CNTT qua các bài giảng ứng dụng CNTT của thầy, cô giáo; nhiều môn học đã được tích hợp qua phần mềm; nhiều trường đã giao bài tập về nhà qua mạng cho học sinh và tương tác giữa giáo viên - học sinh (như vậy, các em đã được làm quen và sử dụng).

Bên cạnh đó, cuộc thi trực tuyến trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và kỹ năng cho các em trong cuộc sống sau này; các em có thể biết đến các DVC, hiểu quy trình DVCTT; khai thác, sử dụng DVCTT dù đạt ở mức độ nào, cũng là khởi đầu để các em trở thành công dân của TP thông minh trong tương lai gần”. “Khi chúng ta đang xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng TP thông minh thì không thể đợi đến khi trưởng thành, các em mới biết đến CNTT hay DCVTT trên địa bàn Thủ đô. Việc đưa đối tượng các em học sinh từ 12 tuổi tham gia dự thi cũng là để thông qua các em tuyên truyền đến phụ huynh và các thành viên trong gia đình hiểu biết, sử dụng về DVCTT của TP”, PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương nói.

Thực tế, với ưu thế về khả năng tiếp cận, sử dụng thiết bị công nghệ, các em học sinh là những tuyên truyền viên tích cực tới gia đình, bạn bè. Ông Đinh Văn Bản (Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) cho biết, từ quá trình tham gia làm bài dự thi của con em mình, ông bà, bố mẹ đã biết được cách thức sử dụng DVCTT của TP, các TTHC đã được TP thực hiện qua DVCTT… Về phần các em, trong những trường hợp khi các em không biết về TTHC đã hỏi lại và được thầy cô, ông bà, bố mẹ giải thích, hướng dẫn. Sự tương tác hai chiều đó là cách thức tuyên truyền tự nhiên, thiết thực để nhen nhóm trong trí nhớ của những người tham gia dự thi, nhất là các em học sinh cái tên DVCTT. Để dần dà khi đã tiếp xúc nhiều hơn, thao tác nhiều hơn, mọi người sẽ hiểu, sẽ nắm được vấn đề và khai thác hiệu quả thế mạnh của công nghệ thông tin cũng như DVCTT.

Trước đó, trong năm 2018, ngành giáo dục – đào tạo TP Hà Nội cũng đã tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu DVCTT mức độ 3,4 dành cho học sinh THPT”, trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về các DVCTT trong lĩnh vực tư pháp đang thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của TP và các DVCTT của ngành GĐ-ĐT Hà Nội. Chia sẻ từ cuộc thi này, các em cho biết với kiến thức không quá khó, chỉ xoay quanh các dịch vụ công được thực hiện qua internet, ví dụ như làm giấy khai sinh, khai tử, đăng kí kết hôn cùng các thao tác đơn giản, mỗi người dân có thể hoàn thành các giấy tờ TTHC một cách thuận lợi, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại.

Dĩ nhiên sẽ còn phải cần rất nhiều thời gian, quyết tâm, nỗ lực của chính quyền TP, các ban ngành liên quan cũng như sự chung tay góp sức của người dân để có thể tạo lập được thói quen thực hiện việc đăng ký các TTHC trực tuyến. Nhưng tin tưởng rằng với những khởi đầu từ hôm nay, nhất là với thế hệ công dân trẻ tuổi, việc xây dựng những công dân điện tử cho một TP thông minh trong tương lại sẽ là đích đến không còn xa.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động