Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động: cần thực hiện đúng quy định
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSự cố tại Công ty CP Xi măng Yên Bái đã khiến 7 công nhân tử vong. Ảnh: Mạnh Cường |
Vào khoảng 13h30 ngày 22/4, nhóm công nhân đang sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy nghiền tại Tổ máy nghiền xi măng số 3 Nhà máy xi măng Yên Bái (thuộc Công ty CP xi măng và khoáng sản Yên Bái) thì xảy ra sự cố khiến 7 người chết, 3 người bị thương.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn lao động, xảy ra tại Công ty CP xi măng và khoáng sản Yên Bái. Đồng thời, Công an tỉnh Yên Bái cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Mạnh Hùng (44 tuổi, trú phường Yên Thịnh, TP Yên Bái, Yên Bái) về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, quy định tại khoản 3, điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trách nhiệm về vụ tai nạn nghiêm trọng này sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian tới nhưng nỗi đau của gia đình các nạn nhân vẫn còn mãi. Vụ tai nạn lao động ở Yên Bái tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo về việc không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong quá trình lao động và sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh…
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Đức Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động cho biết tai nạn trong quá trình lao động, sản xuất là vấn đề không doanh nghiệp nào mong muốn. Mỗi vụ tai nạn lao động có nhiều nguyên nhân khác nhau đến từ sự chủ quan cũng như khách quan. Tuy nhiên, nếu người sử dụng lao động cũng như người lao động đảm bảo đúng được quy trình thì sẽ góp phần hạn chế những vụ tai nạn lao động thương tâm như thời gian qua.
Ông Lê Đức Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: NS |
Theo ông Thiện, quy trình đảm bảo ATVSLĐ đã được pháp luật quy định rõ. Tuy nhiên, từ quy định đến thực tiễn là một vấn đề hoàn toàn khác. Ông Thiện nhận định rằng việc các quy định về ATVSLĐ không được thực hiện một cách xuyên suốt và đồng bộ là do thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng và sự tự giác của người sử dụng lao động, người lao động
"Vấn đề giám sát quy trình đảm bảo ATVSLĐ tại các doanh nghiệp vẫn là một điểm hạn chế lớn khi việc giám sát hiện đang phụ thuộc chính và tính tự giác của người sử dụng lao động. Dù cơ quan chức năng có kiểm tra việc đảm bảo quy định ATVSLĐ nhưng theo tôi thì điều quan trọng vẫn là ý thức của người sử dụng lao động và người lao động" - ông Thiện nêu quan điểm.
Có thể điểm qua những vụ tai nạn lao động chết người tại các tỉnh trong những năm qua như: vụ bệnh bụi phổi silic tại Công ty Châu Tiến (Nghệ An) khiến 6 công nhân tử vong, nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổi silic thể nặng; vụ nổ lò hơi của Công ty Môi trường Việt Xuân Mới ở Thái Nguyên (2021) khiến 2 công nhân tử vong; vụ sập hầm lò than của Công ty cổ phần than Vàng Danh (Quảng Ninh) khiến 4 công nhân tử vong năm 2023… để thấy rằng vấn đề đảm bảo ATVSLĐ vẫn là một vấn đề nhức nhối ở nước ta.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra nhưng chủ yếu xảy ra tại nạn lao động do người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, không xây dựng các biện pháp an toàn, không cử người kiểm tra giám sát người lao động trong quá trình làm việc đảm bảo an toàn. Việc thực thi pháp luật còn kém như thiếu kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, dụng cụ, không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy, không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động đều thiếu hoặc không có vì lo sợ tốn kém… Cùng với đó, nhận thức của người lao động về ATVSLĐ chưa cao, vẫn còn chủ quan và thờ ơ với công tác bảo hộ lao động khi làm việc. Chế tài xử lý các vi phạm chưa đúng mức.
Về vấn đề này, ông Thiện cho rằng việc tuyên truyền ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động vẫn còn mang tính hình thức. Thậm chí còn có thực trạng doanh nghiệp, đơn vị “mua” giấy chứng nhận an toàn để đối phó với các cơ quan chức năng. Có những nơi người lao động được tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ nhưng cũng có những nơi chưa chú trọng hay thậm chí người lao động còn không có ý thức về ATVSLĐ. Việc huấn luyện có đảm bảo chất lượng hay không, việc thực hành các nội quy, quy định như thế nào để đảm bảo an toàn vẫn là những vấn đề chưa có lời giải cụ thể.
Khi PV đặt vấn đề có nên tăng chế tài xử phạt liên quan đến vấn đề ATVSLĐ hay không thì ông Thiện cho rằng "chế tài là cần thiết và đã được pháp luật quy định rõ. Việc tăng chế tài xử phạt chưa chắc đã làm giảm các vụ tai nạn lao động và có chăng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề".
"Điều cần thiết đó là phải đến từ ý thức của. Người sử dụng lao động phải đảm bảo thực hiện đúng và nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ. Trong khi đó, người lao động phải được trang bị kiến thức về ATVSLĐ, về các kỹ năng cũng như có quyền tố giác, từ chối làm việc trong các môi trường mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng…" - ông Thiện bày tỏ quan điểm.
Ông Thiện nhận định rằng việc thực hiện đủ và đúng các quy định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… vẫn là điều kiện tiên quyết giúp hạn chế rất nhiều các vụ tai nạn lao động thương tâm trong tương lai. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATVSLĐ đến người sử dụng lao động và người lao động.
Có thể thấy rằng ATVSLĐ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Công tác quản lý việc thực hiện các quy định ATVSLĐ phải xuyên suốt có hệ thống, không thể trông đợi ở sự tự giác của một cá nhân hay nhóm người nào khác. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất ATVSLĐ…. Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể hy vọng không còn lặp lại những vụ tai nạn lao động thương tâm như thời gian vừa qua.
Tội vi phạm quy định về an toàn lao động bị xử lý thế nào? | |
Vụ tai nạn khiến 7 người chết ở Yên Bái: khởi tố một nhân viên nhà máy xi măng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại