Thứ ba 30/04/2024 01:12

Biện pháp kéo giảm trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 4/4, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã khảo sát công tác về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ vị thành niên trên địa bàn huyện Thanh Oai.
Học sinh tham gia Chuyên đề: “Xây dựng văn hóa chào hỏi cho học sinh” tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội.   Ảnh: LQĐ
Học sinh tham gia Chuyên đề: “Xây dựng văn hóa chào hỏi cho học sinh” tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: LQĐ

Thực tiễn cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2023, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội trên địa bàn huyện xảy ra 33 vụ với 101 đối tượng, trong đó, cố ý gây thương tích 6 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 3 vụ, tàng trữ trái phép chất ma túy 2 vụ, hiếp dâm người dưới 16 tuổi 2 vụ… Đáng nói, vi phạm nổi lên chủ yếu là gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, cướp tài sản.

Thượng tá Nguyễn Văn Tiệp, Phó Trưởng CA huyện Thanh Oai, cho biết, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Đa số đối tượng phạm tội có trình độ học vấn thấp, là học sinh cá biệt, lười học, có nhiều cháu đã bỏ học, gia đình có hoàn cảnh éo le, bố mẹ không quan tâm giáo dục. Một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi gia đình có bố mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, bố mẹ không quan tâm, chăm sóc con cái; một số đối tượng có bố, mẹ chết hoặc đang thi hành án phạt tù, sống với ông bà, họ hàng. Quá trình sinh sống, học tập tiếp xúc, quan hệ với các đối tượng xấu nên bị lôi kéo, rủ rê dẫn đến việc thực hiện các hành vi vi phạm.

Qua thực tiễn và qua báo cáo, Đoàn khảo sát đề nghị CA huyện Thanh Oai tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ giữa các đội nghiệp vụ, CA xã, chính quyền địa phương, gia đình, các đoàn thể nhà trường, tổ chức rà soát lập danh sách số học sinh, thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi có các biểu hiện vi phạm pháp luật để cùng phối hợp giáo dục, răn đe, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chú trọng giáo dục đạo đức…

Từ những khảo sát trên, Hà Nội đề nghị: Mỗi trường học duy trì ít nhất 1 mô hình phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn TP Hà Nội.

TP đặt mục tiêu 100% nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường; 100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật…

Để làm tốt việc này, kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, TP sẽ ưu tiên cho công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động, học sinh, sinh viên trong nhà trường. Đặc biệt là tuyên truyền về hậu quả, ảnh hưởng; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với người học; kỹ năng phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.

TP cũng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu; các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hóa, vẽ tranh, áp phích, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.

Đồng thời tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình người học trong công tác quản lý, giáo dục không để người học phạm tội, vi phạm pháp luật và đặc biệt quan tâm đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - ban đại diện cha mẹ học sinh - CA địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nội dung phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh trên địa bàn và chịu trách nhiệm chính về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; môi trường văn hóa ngoài trường học, để không ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trong trường học.

Trẻ vị thành niên điều khiển xe gắn máy gây tai nạn: Trách nhiệm của người lớn
Bị truy tố vì giao xe cho con: khiếm khuyết về nhận thức pháp luật
Bạo lực giữa trẻ vị thành niên: dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là giải pháp
Dương Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động