Trẻ vị thành niên điều khiển xe gắn máy gây tai nạn: Trách nhiệm của người lớn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ tai nạn tại Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: B.T.G |
Trẻ vị thành niên điều khiển xe gắn máy gây tai nạn
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, hồi 10h05 ngày 23/11, tại Km 209+300 trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 2 ô tô và 1 xe máy. Trong vụ tai nạn, có sự xuất hiện bóng dáng của trẻ em điều khiển xe gắn máy.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, xe khách BKS 18F- 001.XX do anh N.V.V điều khiển, chạy hướng Hà Nội - Hà Nam va chạm với với xe tuần tra giao thông (của Công ty BOT) BKS 29C- 553.XX do anh Đ.V.K (SN 1990, trú tại Thái Bình) điều khiển và xe máy không gắn biển kiểm soát do anh L.T.N (SN 2009, trú tại Nghệ An) điều khiển, trên xe chở theo chị T.T.T.V.
Hậu quả, vụ tai nạn khiến anh L.T.N bị thương, chị V tử vong tại hiện trường. Ngoài ra, cả 3 phương tiện bị hư hỏng nặng.
Theo clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn đăng tải trên mạng xã hội, hai người đi xe máy phóng nhanh, lạng lách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Cả hai không đội mũ bảo hiểm, liên tục tạt đầu xe tuần tra giao thông. Ít phút sau, xe máy và xe tuần tra giao thông xảy ra va chạm, đúng lúc đó xe khách từ phía sau đi tới gây ra vụ tai nạn liên hoàn.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ liên quan đến việc giao phương tiện cho người chưa đủ 18 tuổi điều khiển, gây tai nạn đã bị khởi tố. Liên quan đến vụ giao xe máy cho con trai chưa đủ 16 tuổi, trước đó, ngày 10/8, Công an huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Văn T. về hành vi "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ". Theo hồ sơ, ông T. giao xe máy cho con là L.N.H (15 tuổi) điều khiển. Thiếu niên này đã gây tai nạn làm em H.Đ.N tử vong.
Mới đây, ngày 22/11, TAND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với 1 nam thanh niên giao xe cho học sinh lớp 11 điều khiển dẫn tới tai nạn, khiến một nữ sinh thương tật 97%. Phiên tòa xét xử vụ việc diễn ra trong sự đau buồn của 3 người làm mẹ.
Theo đó, Trần Hoàng Việt (SN 2005, ngụ xã Cư Êbua, TP Buôn Ma Thuột) được xác định là người biết rõ N.A.T. (SN 2006, học sinh lớp 11 trường THPT Chu Văn An) chưa có bằng lái, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy trên 100cc nhưng vẫn giao xe cho T. lái, chở một bạn nữ đến trường.
Xe máy do T. cầm lái tông vào xe đạp điện do P. điều khiển, chở theo em Phạm Trần Nhã Uyên (SN 2009). Vụ va chạm khiến Uyên bị thương tật lên tới 97%.
Trách nhiệm của người lớn?
Thực tế, rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người, tàn tật suốt đời, mà người cầm lái chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, song tình trạng này vẫn diễn ra.
Theo các chuyên gia, việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường, nhất là đối với trẻ vị thành niên, học sinh.
Các chuyên gia lý giải, ở lứa tuổi này thể chất, nhân cách của các em chưa phát triển đầy đủ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động nên dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông như: Lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bốc đầu, nẹt pô, đua, kéo xe… khi xảy ra tình huống sẽ không xử lý kịp thời dẫn đến tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.
Lý giải về “vấn nạn” này, nhiều người cho rằng, mặc dù luật pháp đã quy định trách nhiệm hình sự, dân sự đối với người giao xe cho người chưa đủ tuổi, nhưng có thể do mức chế tài xử lý hiện nay còn chưa đủ sức răn đe nên nhiều người có tâm lý coi thường…
Bên cạnh đó, còn là sự coi thường hoặc thiếu hiểu biết pháp luật của người lớn. Như tại phiên tòa xét xử bị cáo Trần Hoàng Việt kể trên, khi được khi HĐXX hỏi về việc vì sao lại giao xe cho T. điều khiển khi biết người này chưa đủ tuổi, Việt trả lời do là bạn bè với nhau nên khi T. hỏi mượn xe, Việt đã không suy nghĩ nhiều mà giao luôn chiếc xe máy của mình cho T. chở bạn đi học. Sau khi cho mượn xe được một lúc, Việt nhận được tin T. xảy ra va chạm giao thông nghiêm trọng.
Hoặc thực tế, những hình ảnh phụ huynh đưa con, cháu đi học vi phạm trật tự ATGT xuất hiện khá phổ biến. Dễ dàng nhìn thấy cảnh phụ huynh chở 2, 3 cháu trên 1 xe, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách hoặc đi ngược chiều để đưa các bé đến trường là hình ảnh không hiếm gặp…
Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng dù là lý do gì thì cũng đều là ngụy biện cho hành vi vi phạm của chính các phụ huynh. Lý do chính là các bậc phụ huynh đã coi nhẹ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhận thức chưa đầy đủ về tác động của hành vi vi phạm trật tự ATGT với con trẻ.
Trẻ em là tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó thế nào thì trang giấy ấy sẽ như vậy. Phần lớn trẻ em tiểu học được phụ huynh đưa đến trường. Phụ huynh không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ sẽ khiến trẻ nhận thức lệch lạc, từ đó rất khó tạo nên ý thức chấp hành nghiêm quy định về ATGT sau này.
Không chỉ chấp hành chưa nghiêm túc, nhiều phụ huynh còn có tâm lý nuông chiều, “thương con”, sợ con đi xe đạp vất vả nên đã giao xe máy cho trẻ điều khiển trong khi trẻ mới ở bậc học THCS. Trẻ em ở lứa tuổi này chưa có nhận thức đầy đủ, cộng thêm tâm lý “ẩm ương” của tuổi mới lớn nên rất dễ xảy ra nguy cơ TNGT khó có thể lường trước được.
Cho dù là bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng là hành vi gây nguy hiểm cho không chỉ người điều khiển, mà với cả những người tham gia giao thông khác. Tai nạn giao thông do trẻ vị thành niên gây ra, suy cho cùng, đó hoàn toàn là trách nhiệm của người lớn.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi lái xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên. Đồng thời, hành vi giao xe mô tô 2 bánh, 3 bánh cho người chưa đủ tuổi điều khiển cũng là hành vi phạm luật. Tuy nhiên, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy trên 50 phân khối hiện nay rất phổ biến. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt cảnh cáo đối với người từ 14 – 16 tuổi, và phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, người giao xe máy trên 50 cm3 cho người chưa đủ tuổi điều khiển sẽ bị xử phạt nặng, với mức phạt tối đa lên tới 4 triệu đồng. Trong trường hợp người chưa đủ tuổi lái xe máy trên 50 cm3 gây ra tai nạn chết người, thì người giao xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và sẽ có thể đối diện với án phạt tù tùy theo mức độ thiệt hại. |
Tìm nhân chứng vụ người đàn ông tử vong sau va chạm xe đầu kéo ở Hải Phòng | |
Gặp tai nạn ở Hải Phòng lúc sáng sớm, nam thanh niên tử vong thương tâm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại