Chủ nhật 08/09/2024 12:40

Bạo lực giữa trẻ vị thành niên: dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là giải pháp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên tiếp những sự việc bạo lực của trẻ vị thành niên xảy ra. Đau xót hơn, nhiều những vụ việc tưởng chừng như chỉ đơn giản là “trẻ em đánh nhau ấy” bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ, nhưng cái kết của nó lại là những bị kịch lớn. Vấn đề này đã từng được bàn thảo, được đưa ra Nghị trường, thế nhưng làm thế nào để giải quyết dứt điểm lại không phải câu chuyện một sớm một chiều.
Bạo lực giữa trẻ vị thành niên: dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là giải pháp
Hình ảnh nữ sinh lớp 9 ở Gia Lai bị đánh hội đồng vừa qua. Ảnh cắt từ clip

Môi trường sống với nhiều yếu tố bất lợi

Nhận định về “vấn nạn" bạo lực giữa trẻ vị thành niên, tiến sĩ, thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an cho rằng, thời gian qua, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng ngăn chặn, kiềm chế vấn nạn bạo lực học đường bằng nhiều giải pháp, tuy nhiên những vụ việc bạo lực, bạo hành trong nhà trường hoặc bên ngoài khuôn viên trường học… vẫn xảy ra. Có những vụ rất nghiêm trọng, gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần đối với nạn nhân, tác động xấu đến chất lượng công tác giáo dục, môi trường sư phạm, gây lo lắng, bất an, bức xúc trong dư luận xã hội.

Phân tích nguyên nhân của hiện tượng này, theo thượng tá Đào Trung Hiếu, ngoài nguyên nhân về tâm lý, các em đang ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lại đang khao khát thể hiện mình, thì nguyên nhân xã hội là vấn đề đáng báo động.

Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, hiện nay môi trường sống với nhiều yếu tố bất lợi đang tác động lên quá trình “xã hội hóa cá nhân” của trẻ.

Ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực, đồi trụy, các trò chơi game online bạo lực, cùng với lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, đề cao giá trị đồng tiền, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân… mà trẻ chứng kiến trong gia đình, nhà trường hay ở cộng đồng dân cư, là những tác nhân nguy hại đến quá trình hình thành nhân cách tiến bộ của trẻ.

Khi đã bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu, lại thiếu đi sự quan tâm bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ, bị lôi kéo bởi các nhóm xã hội xấu, trẻ rất dễ trượt dốc, thực hiện những hành vi do ngược lại các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

“Ở những người trong nhân cách đã chứa đựng các đặc điểm tiêu cực, lệch lạc, khi gặp phải các tình huống bất như ý, trẻ có xu hướng sẽ bảo vệ lợi ích, cái tôi của mình bằng mọi giá, ưu tiên dùng vũ lực, theo cách mà chúng thường nhìn thấy trên trò chơi, phim ảnh bạo lực. Đây chính là nguyên nhân tâm lý xã hội của tình trạng trẻ hóa tội phạm.” – thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Lý giải việc tại sao trẻ em hay đánh nhau, bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Chúng ta đều biết rằng trẻ dưới 14 tuổi không có sự hiểu biết về pháp luật, không có kiến thức vì không thích học nên không phân biệt được đúng sai, không có đức hạnh vì cha mẹ không dạy, không có sự kiên nhẫn bởi đây là điều khó rèn luyện nhất. Thứ mà trẻ có chỉ là sức lực. Ở lứa tuổi này trẻ rất hung dữ khi cha mẹ không quan tâm.”

Trẻ có tâm lí so sánh, thấy thành tích học tập của bạn tốt hơn, bạn nhận được sự tôn trọng nhiều hơn, trong khi mình chỉ có nắm đấm là giỏi nhất. Và trẻ sẽ dùng nắm đấm ấy đánh bạn để thể hiện sức mạnh.

Từ 16 tuổi trở lên, hầu hết trẻ cư xử tốt hơn, nhiều đứa ngừng đánh người. Lúc này, theo bác sĩ Trần Văn Phúc, cha mẹ nên dạy con kĩ năng xử lí tình huống khi bị đánh.

Tuy nhiên, anh cũng xác nhận, dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là một giải pháp tối ưu.

Dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là giải pháp

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology, việc dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là giải pháp hợp lý. Những vụ việc đã xảy ra một lần nữa nhắc nhở chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn trong công tác giáo dục trẻ em về nhân cách, thái độ sống chứ không chỉ dừng lại ở việc chú trọng con học giỏi.

Nói về nguyên nhân học sinh thường dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho biết, gốc gác của bạo lực luôn xuất phát từ bạo lực. Nếu một đứa trẻ chưa từng được tiếp xúc với bạo lực thì sẽ không thể có trải nghiệm rằng: dùng bạo lực có thể giải quyết vấn đề. Với những đứa trẻ phải tiếp xúc với bạo lực thì có trải nghiệm này rõ ràng hơn, khắc sâu vào tiềm thức hơn để rồi khi gặp tình huống cụ thể, trẻ sẽ sử dụng như một cách thức có sẵn trong đầu.

“Trẻ con có một cơ chế học rất hay, đó là “nhìn thấy cái gì, nó sẽ bắt chước và làm theo”. Vì thế, ngày hôm nay, khi các bạn trẻ chứng kiến quá nhiều các hành vi bạo lực ngoài xã hội, cộng đồng thì các bạn vô thức coi cách thức “dùng bạo lực để giải quyết vấn đề” là chuẩn mực” – chuyên gia Mạnh Linh phân tích.

Hai là, trẻ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thường thiếu kỹ năng. Nhiều đứa trẻ không biết sử dụng bạo lực là không đúng và không biết cách làm cho đúng. Khi bạo lực đến, trẻ không xử lý được cảm xúc tức giận trong lòng. “Cảm xúc là thứ thúc đẩy trực tiếp hành vi. Mỗi cảm xúc đều có chức năng riêng của nó, cảm xúc tức giận có chức năng thúc đẩy hành vi phòng vệ bằng cách chống trả, đánh lại” – chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho biết. Hơn nữa, bạo lực cũng có thể đến từ niềm tin sai lệch: khi trẻ tin mình sẽ thắng hoặc người kia không thể rời xa mình thì là lúc trẻ tức giận và hung hăng…

Lấy ví dụ câu chuyện đau lòng mới xảy ra với nam sinh lớp 8 bị đánh do mâu thuẫn với bạn tại Lệ Mật (quận Long Biên, Hà Nội), chuyên gia Mạnh Linh cho rằng, hành vi người bố đưa con trở lại hiện trường mà không đứng ra giải quyết thay cho con, để các cháu chưa có đầy đủ hành vi trước pháp luật tự giải quyết với nhau là điều hết sức đáng trách. Bởi khi người thân không định hướng hành vi đúng cho con, con sẽ giải quyết theo cảm tính. Do vậy, vai trò giáo dục trong gia đình rất quan trọng.

Theo chuyên gia Mạnh Linh, khi con em mình bị bạo lực, cha mẹ cần bình tĩnh để giúp con mình bình tĩnh lại. Sau đó, thu thập đầy đủ thông tin bằng cách lắng nghe con và đối phương; hiểu và gọi tên cảm xúc của con để giáo dục con, giúp con kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Cha mẹ liên lạc với phụ huynh của bạn để trao đổi, tiến hành hoà giải khi người lớn trao đổi thấu đáo và tìm được mắt xích mâu thuẫn. Trong trường hợp bố mẹ hai bên chưa thảo luận để đi đến thống nhất được thì nhờ sự phối hợp của nhà trường và lực lượng an ninh khu vực giúp đỡ. Nếu con có vấn đề tâm lý thì cần đưa con đi tham vấn tâm lý, tránh hoảng loạn, sang chấn tâm lý.

Cũng theo các chuyên gia tâm lý và pháp luật, cha mẹ cần dạy con “kỹ năng làm chủ bản thân”: làm chủ cảm xúc, làm chủ hành vi; học kỹ năng giao tiếp và xử lý khủng hoảng trong các mối quan hệ. Theo đó, cần đề cao việc đưa các kỹ năng về quản lý bản thân, quản lý cảm xúc vào trong trường học. Điều này cần trở thành tiết học bắt buộc để bản thân học sinh, thầy cô giáo nhận thức rõ ràng về trách nhiệm, thái độ của mình đối với tác động của bên ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần phải có nhiều chương trình hơn nữa cho thanh thiếu niên, cần có nhiều diễn đàn, có nhiều chuyên gia giải đáp, tư vấn, xây dựng tình huống cụ thể để có thể hướng dẫn cho trẻ em. Nhà trường cần lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật vào hoạt động của nhà trường cũng như môn học để trẻ em hiểu rõ hơn mà không vi phạm, đánh mất tương lai của mình…

Bắt đối tượng kích động bạo lực trên mạng xã hội để được nổi tiếng
Kỳ cuối: Chủ động trong công tác quản lý
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động