Thứ hai 25/11/2024 12:56

“Giữ lửa” hương vị cháo se Hạ Mỗ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhắc đến ẩm thực Đan Phượng sẽ khó bỏ qua món cháo se truyền thống. Món ăn dân dã đồng quê nay đã trở thành thức quà trên phố, níu chân du khách xa, gần.
“Giữ lửa” hương vị cháo se Hạ Mỗ
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh quảng bá ẩm thực cháo se truyền thống Đan Phượng tại Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2024

Lần thứ hai trở lại trong mùa lễ hội du lịch Hà Nội, cháo se Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đón du khách bằng hương vị đồng quê thanh tao, xua tan những cơn nắng hè oi ả. Có dịp thưởng thức mới nhận ra đặc trưng riêng của cháo se khác biệt so với nhiều loại cháo thông thường. Từng con se tròn trịa, béo ngậy, cùng độ giòn tơi, đặc sánh trong nồi cháo thơm mùi thịt bằm xay nhuyễn. Khi ăn phải dùng đũa thay bằng thìa. Đó cũng là nét độc đáo riêng có của món cháo se truyền thống của người dân Hạ Mỗ.

Tương truyền, cháo se gắn với sự tích khao quân. Theo lịch sử ghi chép, làng Hạ Mỗ xưa là đất Ô Diên, tục gọi Kẻ Ó có thành Ô Diên lịch sử với tư cách là kinh đô Nhà nước Vạn Xuân dưới triều Hậu Lý Nam Đế ở thế kỷ thứ VI. Trong những lần đánh trận chiến thắng trở về, Hoàng tử Lý Bát Lang tổ chức mổ lợn khao quân. Món cháo se được chế biến cầu kỳ từ món gạo tẻ, xương lợn và các thực phẩm có sẵn để khao quân. Thứ gạo tẻ nghiền thành bột mịn, nhào với nước ấm để tạo ra nắm bột vừa độ dẻo, dùng hai bàn tay se bột thành sợi nhỏ cho vào nồi nước ninh xương đang sôi trên bếp. Người nấu vừa khéo léo se những sợi bột thành những con chạch nhỏ, vừa canh lửa sao cho đủ độ để nồi cháo giữ trọn được hương của gạo, của thịt, vừa tạo độ sánh mịn.

Món cháo khao quân có lịch sử hàng trăm năm vẫn được người dân làng Hạ Mỗ giữ gìn, đến nay là món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết, hội làng, đám cưới… Năm 2023, món cháo se lần đầu tiên được giới thiệu tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội đã thu hút đông đảo người dân và du khách thưởng thức. Nhớ lại hình ảnh người dân xếp hàng chờ đợi, ai nấy đều khen ngon, lạ miệng là những cảm xúc khó quên đối với bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - trưởng nhóm bếp gian hàng ẩm thực Đan Phượng.

Nồi cháo nghi ngút khói, thơm lừng vị gạo, vị xương “đánh thức” giác quan của mỗi người trong mùa lễ hội đầu Đông. Chỉ chốc lát, nồi cháo to oạch đã hết veo, có người dân còn mang cặp lồng đến mua cháo về nhà, nhiều người xin địa chỉ để đặt cháo cho sự kiện của họ dịp cuối năm.

Đợt này, Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2024 tổ chức dịp hè, nhóm bếp nấu của bà Hồng Hạnh thay phiên nhau túc trực tại các gian hàng để đón khách. Giữa các gian hàng ẩm thực xưa và nay ở Hà Nội, món cháo se vẫn mang đến nét đặc trưng riêng có tạo dư vị không trộn lẫn và cách thưởng thức bằng đũa khác biệt.

Có dịp được quảng bá thức quà quê trên phố qua các mùa lễ hội Hà Nội tạo động lực lớn người dân làng Hạ Mỗ. Từ sự đón nhận của người dân và du khách, món cháo se vượt qua món ăn truyền thống của làng, trở thành ẩm thực đặc sản của huyện Đan Phượng.

Nhiều năm nay, nhóm bếp nấu cháo se của bà Hồng Hạnh đỏ lửa để phục vụ nhu cầu của người dân Hạ Mỗ và du khách xa, gần. Mỗi sự kiện văn hóa của làng, hội họp, đình đám, liên hoan của các cấp trường trên địa bàn đều đặt hàng cháo se. Món ăn cũng được các bà, các chị bày bán ở khu chợ quê như là cách giữ nếp xưa truyền thống.

Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2024 giới thiệu ẩm thực 36 phố phường Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2024 giới thiệu ẩm thực 36 phố phường
Vi Giáng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động