Kỳ cuối: Chủ động trong công tác quản lý
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChương trình tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường, xây dựng tình bạn đẹp tại Trường THCS Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà |
Tập huấn về bạo lực học đường cần thực hiện linh hoạt
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, kết quả của một số nghiên cứu về hành vi bạo lực học đường tại Việt Nam cho thấy, hành vi này trong học sinh chưa được chú ý và chưa được giải quyết có hiệu quả, thể hiện ở việc giáo viên là người tiếp xúc trực tiếp với học sinh nhưng cũng chưa nhận thức đầy đủ về nguyên nhân và bản chất của hành vi bạo lực học đường.
Nhiều người vẫn nghĩ chuyện học sinh va chạm, đe doạ lẫn nhau là “chuyện trẻ con”, không cần quan tâm nên để mặc các em tự xử lý. Tuy nhiên, nhiều xích mích, cãi cọ nhỏ của các em không được giải quyết, tích luỹ lại thành mâu thuẫn lớn và các em đã giải quyết với nhau bằng bạo lực.
Nguyên nhân nữa là các trường chưa chủ động, sáng tạo và quyết tâm trong công tác quản lý phòng chống bạo lực học đường. Đa phần các trường hợp, biện pháp xử lý nhà trưởng sử dụng là các hình thức kỷ luật theo các mức độ khác nhau nhưng biện pháp tác động tâm lý sư phạm mang tính tích cực để hòa giải lại ít được nhà trường sử dụng. Vì vậy, mâu thuẫn giữa học sinh chưa được giải quyết triệt để dẫn đến khi có cơ hội, các em vẫn thực hiện hành vi bạo lực.
Tại nhiều trường học vẫn thiếu chuyên viên tâm lý học đường xử lý, hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân cũng như học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường khi tình huống bạo lực học đường xảy ra. Ngoài ra, nhiều chương trình tập huấn phòng tránh bạo lực học đường mới chỉ được triển khai tại các địa phương, do các bên liên quan khác nhau tổ chức tập huấn.
Nói về giải pháp hạn chế bạo lực học đường, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng ở nhiều nước trên thế giới, chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn về bạo lực học đường và các vấn đề liên quan đều được xây dựng và thực hiện linh hoạt bởi trường ĐH, các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp và được quản lý chặt chẽ, phải qua xét duyệt và chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo các nước trước khi chương trình đào tạo, tập huấn diễn ra.
Đây là điểm mà các chuyên gia Việt Nam có thể học hỏi khi xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn về bạo lực học đường. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo về giáo dục, sư phạm, tâm lý, công tác xã hội,... cũng cần bổ sung học phần hoặc nội dung về phòng chống bạo lực học đường, nhằm trang bị cho người học nâng cao hiểu biết, có thêm kỹ năng, sẵn sàng xử lý khi bạo lực học đường xảy ra.
PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh thêm, để đảm bảo chương trình đào tạo, tập huấn có hiệu quả, phù hợp với bối cảnh của từng khu vực trường học, cần có đánh giá trước, sau tập huấn, đánh giá hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, sự tự tin, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bạo lực học đường,... để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, để tránh những thông tin sai lệch, biến thể gây hoang mang dư luận, cần có bộ phận quản lý và công bố thông tin rõ ràng.
Cần kết nối các bên gia đình, nhà trường và xã hội
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, vụ việc cô giáo Tuyên Quang bị học sinh “bạo lực ngược” cho thấy cần chú trọng hơn nữa đến việc giáo dục văn hóa, đạo đức trong nhà trường, với sự vào cuộc của cả học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhân viên, cán bộ quản lý, đặc biệt, cần ưu tiên rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Việc các trường học có chuyên viên tư vấn tâm lí và công tác xã hội để hỗ trợ các vấn đề mà học sinh có thể gặp phải là rất cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh cần kết nối các bên gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, văn minh, từ đó phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, so với các hình thức kỷ luật học sinh trước đây thì các hình thức xử lý kỷ luật học sinh hiện nay nhân văn hơn, hướng đến mục tiêu giáo dục cao hơn, tôn trọng học sinh hơn các hình thức xử lý kỷ luật trước đây hướng đến mục tiêu giáo dục văn minh, lành mạnh.
Cụ thể theo Khoản 2, Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên, pháp luật không cho phép giáo viên, cán bộ giáo dục hoặc cơ sở giáo dục được phép thực hiện các hình thức kỷ luật nào khác, đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng bạo lực để thay cho các hình thức xử lý kỷ luật.
“Bởi vậy, nếu trong quá trình giảng dạy mà có học sinh vi phạm kỷ luật thì giáo viên có thể áp dụng từng hình thức xử lý kỷ luật theo quy định nêu trên. Quá trình áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật này thì gia đình và ban giám hiệu nhà trường cũng sẽ đều biết, có tham gia vào quá trình xem xét xử lý kỷ luật học sinh. Nếu vận dụng triệt để các biện pháp này là có thể tác động kịp thời với tới nhận thức và hành vi của học sinh, thể hiện sự răn đe cũng như tác dụng giáo dục đạo đức nhân cách, ý thức chấp hành kỷ luật của học sinh” - TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, bạo lực học đường bao gồm: Bạo lực về mặt thể chất, bao gồm cả trừng phạt thân thể (là các hành vi sử dụng vũ lực hay áp lực gây ra đau đớn về thể chất cho một người nào đó nhưng không nhằm gây thương tích); Bạo lực tinh thần, trong đó có lạm dụng bằng lời nói; Bạo lực tình dục, trong đó có cưỡng hiếp và quấy rối; Bắt nạt, bao gồm cả bắt nạt truyền thống và bắt nạt trực tuyến. |
Kỳ 1: Học sinh “bạo lực” giáo viên - hành vi phản cảm | |
Kỳ 2: Nam sinh bị sang chấn tâm lý vì bạn đánh | |
Kỳ 3: Ranh giới giữa trò đùa và bạo lực rất mong manh |
Kỳ 4: Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại