Thứ sáu 22/11/2024 00:51
Cần duy trì kỷ luật học đường đúng quy định pháp luật:

Kỳ 4: Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội), Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, với các học sinh vi phạm kỷ luật thì cần phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp với quy định của pháp luật, không bênh vực những học sinh hư.
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC

Rất nguy hiểm nếu học sinh coi thường thầy cô giáo

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc học sinh ở Tuyên Quang có hành vi không chuẩn mực với cô giáo, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hoạt động dạy và học của cơ sở giáo dục này được thực hiện như thế nào, đặc biệt là đối với môn học mà giáo viên này đang đảm nhận để xem xét tổng thể sự việc, đánh giá sự việc một cách khách quan để có hướng giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

“Qua các đoạn clip cho thấy rõ ràng mối quan hệ ứng xử giữa cô và trò, không khác gì "ngoài đường, ngoài chợ" chứ không phải là môi trường học đường có sự tôn sư trọng đạo. Clip này cho thấy giáo viên gần như bất lực trước sự hỗn hào của rất nhiều học sinh trong lớp”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, sẽ rất nguy hiểm nếu như học sinh coi thường thầy cô giáo, tấn công lại giáo viên ngay tại lớp học. Khi để xảy ra "bạo lực ngược" (học sinh bạo hành giáo viên) thì hậu quả sẽ rất khôn lường, giáo viên trở thành nạn nhân trước mắt, còn học sinh sẽ trở thành nạn nhân lâu dài. Hành vi đó sẽ tác động tiêu cực đến nhân cách, đạo đức của học sinh và biến những đứa trẻ thành những con người hư hỏng. Nếu hiện tượng này diễn ra liên tục, kéo dài thì sẽ hình thành nên ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự, nhân phẩm của người khác, của bất kỳ ai và có thể trở thành tội phạm bất kỳ khi nào. Bởi vậy, cần đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực xảy ra giữa thầy cô giáo và học sinh.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, clip quay lại cảnh giáo viên đuổi các học sinh chạy quanh lớp và ném dép vào học sinh cũng là hành động khó hiểu, không phù hợp với kỷ luật trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như đối với hoạt động giáo dục nói chung, có thể ảnh hưởng đến tâm lý sức khỏe của giáo viên cũng như vấn đề phát triển hình thành nhân cách của học sinh là trẻ em trong môi trường này.

Xử lý nghiêm những hành vi sai phạm

TS Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Để xảy ra sự việc lộn xộn như vậy có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh học sinh. Đầu đuôi câu chuyện thế nào nhiều người chưa rõ, những thông tin qua các clip cũng như trên không gian mạng chỉ là một phần sự việc. Để có cái nhìn toàn thể, đánh giá toàn diện sự việc thì cơ quan chức năng cần vào cuộc phải có kết luận chính thức và có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, có hình thức giáo dục phù hợp để “thầy ra thầy, trò ra trò”, đảm bảo hiệu quả trong công tác giáo dục và không ảnh hưởng đến quá trình phát triển hình thành nhân cách của học sinh.

Về nguyên tắc là bên nào có lỗi thì phải xử lý bên đó, lỗi của giáo viên đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó. Còn về phía học sinh có thái độ, hành động xúc phạm, vô lễ với giáo viên cũng cần xem xét xử lý kỷ luật thật nghiêm”.

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, học sinh đang trong độ tuổi phát triển, hình thành nhân cách, rất cần có một môi trường lành mạnh, an toàn, có văn hóa để nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng những chuẩn mực trong suy nghĩ và hành động. Thực tiễn cho thấy những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực, chứng kiến cảnh bạo lực, thường xuyên chứng kiến cảnh người khác bị coi thường, bị đánh đập hành hạ hoặc tiếp xúc với các game bạo lực thì sẽ có suy nghĩ, nhận thức thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến sự phát triển hình thành nhân cách và rất dễ thực hiện các hành vi lệch chuẩn, xâm phạm đến thân thể của người khác.

Bên cạnh đó, thái độ ứng xử, kỹ năng sư phạm, năng lực giảng dạy và khả năng quản lý lớp, xử lý tình huống trên lớp là vấn đề rất quan trọng đối với từng giáo viên. Nếu trong lớp có một vài học sinh cá biệt, thường xuyên bị kỷ luật mà vẫn hỗn hào với thầy cô thì có thể là lý do môi trường gia đình, vấn đề về nhân cách, tính cách cá biệt của học sinh. Nhưng nếu một nhóm nhiều học sinh hoặc đa phần học sinh trong lớp coi thường giáo viên, tẩy chay giáo viên, vô lễ, hành hung, xúc phạm giáo viên như trong clip thì giáo viên cũng cần xem lại cách thức ứng xử và khả năng nghiệp vụ sư phạm của mình.

Với học sinh PTCS là giai đoạn đang thay đổi rất lớn về tâm sinh lý, ở độ tuổi này thì việc giáo dục cần phải rất kiên trì, nhẫn lại và cần có phương pháp phù hợp thì mới có thể tiếp cận, truyền tải kiến thức, kỹ năng cho các em, mới đạt hiệu quả trong công tác giáo dục. Với độ tuổi học sinh này mà giáo viên "cứng" quá hoặc "mềm" quá trong quá trình giao tiếp với học sinh trên lớp thì đều không mang lại hiệu quả tích cực.

Khi học sinh có thái độ vô lễ với giáo viên mà giáo viên, nhà trường không có phản ứng phù hợp thì sẽ có nhiều hành vi tiếp theo của nhiều học sinh khác và có thể trở nên hỗn loạn. Vì vậy, nếu học sinh có hành vi không đúng, giáo viên, nhà trường cần quán triệt ngay, có những lời nói, thái độ phù hợp, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp thì sẽ ngăn chặn được hành vi vi phạm, giảm bớt được những hậu quả xấu có thể xảy ra tiếp theo.

“Với các học sinh vi phạm kỷ luật thì cần phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp với quy định của pháp luật, không bênh vực những học sinh hư. Tuy nhiên, giáo viên và nhà trường nên áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật mà pháp luật cho phép, không sử dụng bạo lực để đáp lại hành vi vô lễ để tránh ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, chất lượng giáo dục và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh” - TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường: Không chỉ phía nhà trường mà phụ huynh cũng cần vào cuộc để định hướng cho con em mình. Có như vậy mới lập lại trật tự kỷ cương trong môi trường học đường, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, đảm bảo nơi làm việc thuận lợi, có văn hoá cho giáo viên và môi trường học tập văn minh, hướng thiện đối với học sinh

(Còn nữa)

Kỳ 1: Học sinh “bạo lực” giáo viên - hành vi phản cảm
Kỳ 2: Nam sinh bị sang chấn tâm lý vì bạn đánh
Kỳ 3: Ranh giới giữa trò đùa và bạo lực rất mong manh
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động