Thứ năm 16/05/2024 06:53
Cần duy trì kỷ luật học đường đúng quy định pháp luật:

Kỳ 3: Ranh giới giữa trò đùa và bạo lực rất mong manh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 28/11, mạng xã hội lan truyền clip một nam sinh lớp 8 ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội bị bạn bạo hành vào vùng kín khiến dư luận bức xúc. Điều đáng nói là những học sinh thực hiện hành vi bạo hành bạn nghĩ đơn giản hành động của mình chỉ là trò đùa nhưng thực tế lại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của nạn nhân.
Tiểu phẩm nói về vấn nạn bạo lực học đường của các em học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Trường THCS Thái Thịnh
Tiểu phẩm nói về vấn nạn bạo lực học đường của các em học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Trường THCS Thái Thịnh

Trò đùa tai hại trở thành hành vi bạo lực

Theo diễn biến trong clip được nhắc đến ở trên, nhóm học sinh có hành vi xâm phạm thân thể bạn. Cụ thể, 5 học sinh túm tay chân nam sinh và "đóng" vào cột cờ. Mặc cho nam sinh này gồng người, nhăn nhó và la lên nhưng nhóm bạn vẫn có hành vi bạo hành vào vùng kín của bạn. Chứng kiến sự việc có một số học sinh khác nhưng không ai vào can ngăn mà đứng reo hò, cổ vũ. Sau khi clip bị lan truyền trên mạng xã hội, ai cũng cảm thấy bức xúc trước hành vi bạo hành bạn của nhóm học sinh này.

Trao đổi với PL&XH về vụ việc này, ông Đoàn Vũ Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) xác nhận, clip lan truyền trên mạng là sự việc xảy ra ở trường mình. Nạn nhân bị bạo hành là em học sinh đang học lớp 8 của trường.

“Vụ việc xảy ra vào ngày 8/11. Theo tường trình của nhóm học sinh liên quan, các em không có mâu thuẫn với nhau trước đó. 5 em đã tự “bế” nam sinh lớp 8 và “dứ” vào cột cờ. Một em lớp 7 đã quay clip lại, một số em đứng xem mà không vào can ngăn các bạn. Ngày 24/11, mẹ em nam sinh lớp 8 đã phát hiện ra clip trong điện thoại và thông báo với nhà trường.

Tôi nhận thấy đây là sự việc nghiêm trọng, nhóm học sinh đã có hành vi xâm phạm thân thể bạn nên đã liên hệ bên CA xã để điều tra. Căn cứ vào nội dung làm việc của công an đối với nhóm học sinh, ngày 25/11, nhà trường mở hội đồng kỷ luật các em học sinh có hành vi bạo hành bạn. Nhà trường đã công bố biện pháp kỷ luật đình chỉ học 1 - 2 tuần với 5 học sinh trực tiếp tác động bạn và 1 học sinh quay clip. Quyết định này của trường dựa theo Điều 38, Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về hành vi xâm phạm thân thể bạn” - ông Đoàn Vũ Hải cho biết.

Về phần nạn nhân, em cũng đã được đưa đi khám, rất may sức khỏe bình thường. Bản thân em và gia đình cũng đồng tình về hình thức xử phạt của nhà trường đối với nhóm bạn, đồng thời yêu cầu nhà trường, gia đình nhóm học sinh kia có biện pháp giáo dục các em để tránh những hành vi tương tự xảy ra trong môi trường học đường. Em nam sinh lớp 8 và nhóm bạn cũng đã bắt tay hòa giải, 6 em học sinh cũng hứa không tái phạm.

Cũng theo ông Đoàn Vũ Hải, nhà trường rất lưu tâm đến vấn đề bạo lực học đường bởi lứa tuổi của các em đang có sự khủng hoảng trong phát triển tâm sinh lý. Các năm học, nhà trường cũng đã có những buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực học đường, ma túy, tai nạn giao thông,… cho các em học sinh. Thời gian tới, nhà trường sẽ chú trọng hơn nữa công tác quản lý, giám sát, giáo dục các em để tránh xảy ra những sự việc không hay.

Ngay khi nắm được thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa xác minh, làm rõ sự việc. Theo tường trình của các học sinh liên quan, đây chỉ là hành động nghịch ngợm, trêu đùa giữa các em trong giờ ra chơi, không có mâu thuẫn cá nhân hay cố tình làm bạn bị thương. Tuy sự việc không ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, song Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các nội dung về đảm bảo an toàn trong trường học.

Tài khoản Facebook là phụ huynh của nam sinh bị bạn bạo lực cũng chia sẻ: “Sự việc con nhà tôi là Đ.V.S học sinh lớp… Trường THCS Hòa Nam bị các cháu học sinh cùng trường trêu đùa đã xảy ra từ lâu, mong mọi người gỡ bài, xóa clip để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Gia đình tôi đã phối hợp cùng nhà trường, Công an xã cùng các phụ huynh giáo dục, nhắc nhở các cháu thêm. Đến nay gia đình chỉ muốn bình yên để cháu tập trung vào việc học”.

Hơn 2 năm có khoảng 700 vụ bạo lực

Theo báo cáo của UNESCO và WHO năm 2019, trên toàn cầu, cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt. Tỷ lệ học sinh tham gia đánh nhau cũng gần với con số này. Tại Việt Nam, một nghiên cứu trên 1.040 học sinh THCS và THPT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2019 cho thấy, 75,7% học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống và 32,5% học sinh tham gia vào bắt nạt trực tuyến ở các mức độ khác nhau, từ 1 - 2 lần trong năm học cho đến hàng ngày, với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân hoặc là cả hai.

Số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022 (số liệu tổng hợp từ báo cáo của 49/63 tỉnh, TP) cho thấy, trong 5 năm (từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 - 2022), tổng số vụ việc bạo lực học đường xảy ra là 2.624 vụ, với 7.209 đối tượng có liên quan. Trong đó, năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 có số vụ bạo lực học đường cao nhất. Năm học 2021 - 2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan, số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực GD&ĐT ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/9/2021 cho đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ.

“Có thể nói, các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Nếu tính tỷ lệ với con số đó thì bình quân cứ khoảng 50 cơ sở giáo dục xảy ra một việc bạo lực học đường và số các vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong trường học lẫn ngoài trường học” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, các vụ bạo lực có số học sinh nữ tham gia nhiều hơn. “Đây là một điều khiến cho ngành giáo dục chúng tôi rất quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để cùng cả nước, cùng các địa phương xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Học sinh “bạo lực” giáo viên - hành vi phản cảm
Kỳ 2: Nam sinh bị sang chấn tâm lý vì bạn đánh
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động