Thứ sáu 11/10/2024 09:33
Cần duy trì kỷ luật học đường đúng quy định pháp luật:

Kỳ 2: Nam sinh bị sang chấn tâm lý vì bạn đánh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của những nạn nhân của các vụ bạo lực, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục.
Hình ảnh nam sinh Trường THCS Đại Đồng bị bạn bạo lực. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh nam sinh Trường THCS Đại Đồng bị bạn bạo lực. Ảnh cắt từ clip

Cô giáo kéo lê học sinh

Tối 29/9, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip được quay tại hành lang lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kèm bài viết chia sẻ của một tài khoản. Cụ thể, để chuẩn bị tổ chức Trung thu và sinh nhật cho các bạn trong lớp, bà N.T.P - giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4 kiêm dạy môn Giáo dục công dân đã giao cho nữ sinh là Bí thư lớp (nạn nhân trong clip) đi mua bánh sinh nhật. Đến hôm tổ chức, bà P gọi điện cho cửa hàng bánh sinh nhật mà bà dự định đặt từ trước nhưng được cửa hàng cho biết không có đơn đặt bánh nào của lớp. Vì một lý do nào đó mà nữ sinh này đã đặt bánh sinh nhật ở cửa hàng khác.

Khi nữ sinh mang bánh đến lớp đã bị bà P mắng với lời lẽ nặng nề, thậm chí còn đe dọa hạ hạnh kiểm nữ sinh không cho thi tốt nghiệp khiến em này lo sợ. Em đã khóc rất nhiều khi bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang. Khi nữ sinh hoảng loạn ôm chân cô giáo và liên tục nói "Em xin lỗi cô, cô tha cho em", đồng thời quỳ dưới đất, không đứng dậy thì bà P đã túm áo nữ sinh kéo mạnh trên nền đất. Khi clip được tung lên mạng, cộng đồng mạng đã lên tiếng chỉ trích cách ứng xử của cô giáo trong clip.

Là người trong cuộc, cô giáo P cho biết: “Em học sinh đã nhiều lần không làm đúng kế hoạch của lớp nên khi thấy em quỳ rồi nằm trước cửa lớp rất phản cảm, vì sợ ảnh hưởng đến lớp, đến hình ảnh của trường và của ngành nên tôi đã quá nóng giận đi lại túm tay em nhưng bị trượt thành ra túm vào áo em chứ tôi không túm cổ áo… Tôi rất lấy làm tiếc vì sự việc đã xảy ra. Tôi chân thành xin lỗi em, gia đình em, đồng nghiệp và xã hội vì ứng xử của mình”.

Trường THPT Đa Phúc đã điều chuyển bà N.T.P sang giảng dạy lớp khác, thôi nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 12D4 cũng như không dạy môn Giáo dục công dân của lớp. Sở GD&ĐT cũng có công văn yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo P vì có hành vi không chuẩn mực đối với học sinh.

Nam sinh bị hoảng loạn tinh thần

Ngày 25/10, một clip dài khoảng 3 phút ghi lại cảnh một nam học sinh bị nhóm học sinh khác quây lại ép vào tường, đấm đá được tung lên mạng và gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc xảy ra tại Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thạch Thất, trong thời gian nghỉ hè năm học 2022-2023 đến tháng 9/2023, em V.V.T.K, học lớp 7C, Trường THCS Đại Đồng bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần ở trong trường và bên ngoài nhà trường. Tuy nhiên, vì lo sợ nên em K không thông báo sự việc với thầy cô và gia đình. Đến ngày 16/9/2023, gia đình và nhà trường mới biết sự việc.

Giáo viên chủ nhiệm đã tìm hiểu, xác định được nhóm học sinh tham gia đánh học sinh K khiến em bị sưng ở phần đầu và có vết bầm tím trên cơ thể. Ngày 20/9, Trường THCS Đại Đồng đã họp hội đồng kỷ luật, xử lý kỷ luật khiển trách với các học sinh đánh bạn. Học sinh và các gia đình của học sinh đánh bạn cũng đã nhận lỗi. Ngày 21/9, học sinh K có biểu hiện không bình thường về sức khỏe nên gia đình đưa em đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ điều trị. Ngày 22/9, em K được về nhà. Ngày 25/9, nam sinh này đi học nhưng bị một bạn trong nhóm học sinh đã đánh em đe dọa, khiến em có biểu hiện hoảng loạn. Gia đình đưa K đến BV Nhi Trung ương để điều trị. Kết quả khám, bác sĩ chẩn đoán em K bị rối loạn phân ly.

Sáng 26/9, Trường THCS Đại Đồng mời các gia đình cùng các học sinh vi phạm đến giải quyết. Nhà trường nhận trách nhiệm trước phụ huynh học sinh khi để xảy ra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, yêu cầu giáo viên quản lý thật tốt học sinh, không để xảy ra những vụ việc khác. Nhà trường yêu cầu các gia đình tập trung chữa bệnh cho em K. Việc xử lý kỷ luật với các học sinh vi phạm sẽ thực hiện nghiêm khắc khi em K đi học trở lại.

Ngày 12/10, em K được ra viện, các học sinh vi phạm tới thăm, xin lỗi K Các gia đình có học sinh vi phạm đã trao đổi, đề nghị hỗ trợ gia đình em K tiền điều trị. Sáng 16/10, em K trở lại trường học nhưng thể trạng em còn yếu. Sáng 17/10, nhà trường họp hội đồng kỷ luật, thống nhất tạm cho nghỉ học 4 ngày đối với các học sinh đánh em K. Tối cùng ngày, các gia đình họp tại nhà em K, thống nhất các nội dung khắc phục hậu quả. Gia đình em K và các gia đình học sinh vi phạm nhất trí chọn nơi điều trị cho em K là Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em - Cục Trẻ em do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối giới thiệu. Các gia đình nhất trí hỗ trợ gia đình em K chi phí 35 buổi đưa em đi điều trị và hỗ trợ chi phí bồi dưỡng sức khỏe. Nhà trường cũng hỗ trợ một phần kinh phí.

Ngày 26/10, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất yêu cầu nhà trường phối hợp với các đơn vị và cá nhân liên quan khẩn trương xác minh, giải quyết dứt điểm vụ việc. Đồng thời, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu triển khai các giải pháp hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe cho nam sinh này.

Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất cũng yêu cầu nhà trường tiếp tục phối hợp với cơ quan công an và các gia đình học sinh giải quyết dứt điểm sự việc; thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ em K. ổn định sức khỏe, tâm lý để em sớm trở lại học tập. Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất cũng yêu cầu nhà trường họp tập thể hội đồng sư phạm rút kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục học sinh; xử lý kỷ luật học sinh đúng theo quy định.

Cuối tháng 10, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban giám hiệu Trường THCS Đại Đồng và lãnh đạo UBND xã Đại Đồng trong công tác quản lý trật tự trên địa bàn, nhà trường, học sinh khi để xảy ra sự việc nam sinh K bị bạo hành dẫn đến sang chấn tâm lý.

Về phía em K, hơn một tháng kể từ khi em bị đánh, tâm lý của em vẫn chưa ổn định trở lại. Gia đình em cho biết có những lúc tinh thần của em không được tỉnh táo, thậm chí còn gọi người thân là “côn đồ”. Gia đình cũng xác định tinh thần con trai bị tâm thần vĩnh viễn.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Học sinh “bạo lực” giáo viên - hành vi phản cảm Kỳ 1: Học sinh “bạo lực” giáo viên - hành vi phản cảm
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động