Cận cảnh bức tranh Panorama khổng lồ về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Điện Biên. Ảnh: An Nhiên |
Bảo tàng được khởi công từ năm 2012 trên diện tích 22.000m2 và chính thức khánh thành, mở cửa đón khách tham quan vào đầu tháng 5/2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: An Nhiên |
Điểm nhấn của bảo tàng là bức tranh Panorama khắc họa toàn cảnh chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với 4.500 nhân vật, có chiều dài 132m, chiều cao 20,5m, đường kính 42m và tổng diện tích 3.225m2. Ảnh: An Nhiên |
Đây là bức tranh tường lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong top 3 bức tranh tường lớn nhất thế giới. Để sáng tạo nên tác phẩm khổng lồ này, hơn 200 họa sĩ đã tham gia vẽ bức tranh trong gần 2 năm. Bức tranh được trao giải nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022, giải Đặc biệt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023…Ảnh: An Nhiên |
Bức tranh được chia thành 4 trường đoạn gồm: “Toàn dân ra trận,” “Khúc dạo đầu hùng tráng", “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”. Tất cả hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động nhất. Ảnh: An Nhiên |
Trường đoạn 1 tái hiện hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch. Ảnh: An Nhiên |
Hình ảnh các chiến sĩ của ta kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: An Nhiên |
Các chiến sĩ ra mặt trận với khí thế sôi nổi vượt đèo, băng suối, thi đua lập thành tích cao nhất cho chiến dịch. Ảnh: An Nhiên |
Trường đoạn 2 là “Khúc dạo đầu hùng tráng, với điểm nhấn là trận đánh Him Lam ngày 13/3/1954, thể hiện quyết tâm giành thắng lợi ngay trận đánh mở màn chiến dịch của quân và dân ta, khẳng định sức mạnh của pháo binh ta. Sau khi tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam, các lực lượng quân ta tiến đánh cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và tiến vào Phân khu trung tâm Mường Thanh đánh chiếm các đồi phía Đông, trong đó có cứ điểm quan trọng đồi A1. Ảnh: An Nhiên |
Các chiến sĩ bộ đội của ta vững chắc tay súng chiến đấu vởi kẻ thù. Ảnh: An Nhiên |
Hình ảnh tái hiện một đơn vị cứu thương trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: An Nhiên |
Trường đoạn 3 - "Cuộc đối đầu lịch sử" tái hiện sự khốc liệt của chiến trường với hầm hào, dây thép gai, đánh giáp la cà, đặc biệt tại cứ điểm đồi A1. Đêm 6/5/1954, giữa trận địa là cột khói bốc cao, một ánh chớp lửa lóe sáng, kèm theo tiếng nổ lớn rung chuyển đồi A1, đó là tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg mà quân đội và Nhân dân Việt Nam đã nhiều ngày đêm khoét núi, tính toán tọa độ đặt trọn quyết tâm tiêu diệt cứ điểm trọng yếu đồi A1 của quân Pháp. Ảnh: An Nhiên |
Trường đoạn 4 - "Khúc khải hoàn ca chiến thắng" tái hiện hình ảnh đối lập những đoàn tù binh Pháp cùng lính đánh thuê đầu hàng với khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries báo hiệu giờ chiến thắng sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta. Ảnh: An Nhiên |
Hình ảnh De Castries bị bắt sống. Ảnh: An Nhiên |
Những đoàn tù binh Pháp cùng lính đánh thuê đầu hàng trước bộ đội ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Ảnh: An Nhiên |
Bức tranh thu hút nhiều du khách, đặc biệt là dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: An Nhiên |
Nhiều em nhỏ được gia đình đưa đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiêm ngưỡng bức tranh Panorama khổng lồ. Ảnh: An Nhiên |
Các em nhỏ hào hứng khi xem tranh, càng hiểu và trân trọng hơn những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: An Nhiên |
Để sáng tạo nên bức tranh Panorama (dạng tranh toàn cảnh) khắc họa toàn cảnh Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ê-kíp thực hiện tranh đã mất thời gian 9 năm. Quá trình này chia làm 3 giai đoạn chính: phác thảo bước 1 (từ 2014-2016), phác thảo bước 2 (từ 2016-2019) và giai đoạn hoàn thiện (từ 2019-2022). Trong suốt 9 năm, các thành viên của ê-kíp vẽ tranh liên tục về Điện Biên đi điền dã để nắm được toàn bộ phong cảnh và không gian cần thể hiện. Họ cũng sưu tầm rất nhiều tranh, ảnh, tư liệu, sách, xem những bộ phim về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ tìm gặp những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã từng tham gia Chiến dịch để cảm nhận được tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Bên cạnh đó, ê-kíp cũng xin ý kiến tư vấn từ rất nhiều chuyên gia về lịch sử, quân sự, mỹ thuật, các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà điêu khắc,… Tình yêu nước và tự hào dân tộc đã dẫn lối, chỉ đường để nét vẽ của các họa sĩ thêm thăng hoa, chân thực và cảm xúc hơn. Đại diện Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết, từ khi bức tranh được trưng bày, lượt khách tới thăm bảo tàng tăng gấp đôi. Nếu như trước đây bảo tàng đón khoảng 100.000 lượt khách du lịch thì trong năm 2022, bảo tàng đã đón gần 230.000 lượt khách. Năm 2023, sân bay Mường Thanh phải đóng cửa để nâng cấp một thời gian nên lượt khách đã giảm đi nhưng vẫn đạt con số ấn tượng hơn 135.000 lượt. Quý 1 năm 2024, bảo tàng đã đón hơn 50.000 lượt khách và lượng khách sẽ còn tăng cao trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 này. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại