Chủ nhật 05/05/2024 11:19

Nhiều chính sách tín dụng đã hỗ trợ cho người khuyết tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ở Việt Nam có khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Cùng với đó, nhu cầu có vốn để phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật là rất lớn, làm thế nào để giải cơn khát vốn cho người khuyết tật là vấn đề đặt ra.
Nhiều người khuyết tật có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh vươn lên trong cuộc sống nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều người khuyết tật có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh vươn lên trong cuộc sống nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến nay có 60% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động và 75% trong số này tham gia hoạt động kinh tế, trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc lao động hộ gia đình; khoảng 15% là lao động làm công ăn lương.

Như vậy, nhu cầu nguồn vốn để phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật là rất lớn. Ông Đinh Văn Mí ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bị liệt, teo nửa người bẩm sinh. Học hết cấp II, ông phải nghỉ học để chuyển sang học nghề thêu. Những năm đầu làm nghề, cuộc sống tuy khó khăn nhưng tạm ổn, bởi hợp tác xã của ông có hợp đồng xuất khẩu sản phẩm tranh thêu. Nhưng rồi thị trường có nhiều biến động, hợp đồng xuất khẩu đột nhiên bị cắt đứt, hai vợ chồng cùng thất nghiệp.

Năm 2012, ông Mí tham gia Hội Người khuyết tật của xã Tuy Lai và được giới thiệu về nguồn vốn ưu đãi dành cho những người kém may mắn như vợ chồng ông. Khoản vay đầu tiên 30 triệu đồng đã giúp ông tổ chức sản xuất, mua dụng cụ, nguyên vật liệu. Tiếp đó, ông vay được 100 triệu đồng từ Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hành Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này, ông đã mở một xưởng thêu nhỏ, với 9 lao động thường xuyên, tập trung vào những mặt hàng cao cấp.

Được biết, Hội Người khuyết tật xã Tuy Lai có 135 hội viên thì đã có 56 lượt hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Các hội viên dùng vốn để mua bò, nuôi lợn, đạt hiệu quả kinh tế rất tốt và thực hiện trả nợ đúng hạn. Tương tự như ông Mí, là trường hợp của anh Trần Mạnh Huy, với kiến thức được đào tạo tại Trường đại học Bách Khoa TP.HCM, anh đã tìm được công việc phù hợp với chuyên môn, làm lập trình viên trong một doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, anh luôn trăn trở tìm câu trả lời cho vấn đề năng suất lao động, đặc biệt là việc tạo môi trường làm việc cho những người khuyết tật như mình. Tới năm 2010, anh Huy thành lập Công ty cổ phần VBPO.

Những năm đầu tiên, doanh thu của Công ty rất hạn chế, bởi còn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Năm 2014, Công ty rơi vào khó khăn khi cạn kiệt nguồn vốn. Các ngân hàng thương mại không cho Công ty vay bởi không có tài sản bảo đảm. Đúng lúc này, anh tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi. Khoản tiền 500 triệu đồng từ Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” thực sự là chiếc phao để giúp Công ty VBPO hoàn thiện giai đoạn nghiên cứu cuối cùng, mua sắm thiết bị và đưa sản phẩm ra thị trường. Sau 3 năm, VBPO đã có một văn phòng ở Nhật Bản, năm 2017 đạt doanh thu hơn 1 triệu USD.

Còn rất nhiều trường hợp người khuyết tật có cơ hội vươn lên nhờ nguồn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Được biết Ngân hàng Chích sách xã hội đang thực hiện trên 20 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ dành cho các đối tượng khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm..., trong đó có người khuyết tật. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho người khuyết tật rất thuận lợi. Ngân hàng Chính sách xã hội nắm nhu cầu, cho vay và giải ngân ngay tại địa phương nơi người khuyết tật sinh sống. Ngân hàng cũng phối hợp 4 tổ chức xã hội cùng với xã, phường hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm vay vốn giúp người khuyết tật vay vốn một cách thuận lợi nhất.

Bản Sa
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động