Thứ sáu 26/04/2024 16:32

Người điều khiển xe ô tô không có Giấy phép lái xe

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Tôi đã tham gia thi sát hạch lái xe ô tô, đã đạt điểm đỗ và có có giấy hẹn lấy giấy phép lái xe của cơ quan chức năng. Xin hỏi trong thời gian đợi lấy giấy phép lái xe tôi có được lái xe ô tô tham gia giao thông không? Nếu không được thì tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?  

(Nguyễn Hương Giang, trú tại Tây Hồ, Hà Nội)

nguoi dieu khien xe o to khong co giay phep lai xe
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:

”1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

Theo quy định trên, người điều khiển xe phải có và phải mang theo giấy phép lái xe khi khi tham gia giao thông. Giấy hẹn cấp giấy phép lái xe đơn thuần là xác nhận thời gian cá nhân có thể nhận được giấy phép lái xe, không có giá trị thay thế giấy phép lái xe .Nếu bạn mới chỉ có giấy hẹn mà chưa có giấy phép lái xe, khi tham gia giao thông bạn vẫn được coi là người chưa có giấy phép lái xe. Hành vi đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:

“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 tháng trở lên;

b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;

c) Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;

d) Sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe).”

Người điều khiển xe ô tô không có Giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với người điều khiển xe ô tô không có Giấy phép lái xe là 5.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Thu Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động