Thứ hai 25/11/2024 23:21

Mất cảm giác bàn chân do biến chứng đái tháo đường, người phụ nữ phải cắt cụt chân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bị biến chứng đái tháo đường khiến mất cảm giác bàn chân nên quá trình đi biển, vô tình giẫm phải các dị vật gây tổn thương nhưng chị Q, 40 tuổi ở Quảng Ninh không hề hay biết. Mãi đến khi xuất hiện sốt thì chị mới phát hiện cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, chảy dịch kèm mùi hôi do hoại tử.
Mất cảm giác bàn chân do biến chứng đái tháo đường, người phụ nữ phải cắt cụt chân
Chỉ vì không chú ý đến bệnh nên chị Q, đã bị cắt cụt 1/3 chân trái (ảnh BVCC)

Mới đây, các bác sỹ khoa Điều trị tích cực-BV Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.T.Q. 40 tuổi, ở Quảng Ninh, làm nghề đánh bắt cá trên biển được chuyển tuyến trong tình trạng nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng thần kinh ngoại vi (đái tháo đường mất cảm giác bàn chân) và không được điều trị kịp thời. Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, dịch thấm băng nhiều kèm mùi hôi thối do hoại tử; sốt trên 38 độ C có những cơn rét run.

Sau khi nhập viện, tình trạng bệnh diễn biến nhanh và xấu, vết loét hoại tử lan rộng lên trên đùi và một phần bộ phận sinh dục; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, viêm phổi, suy tim, suy kiệt cơ thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, rối loạn chuyển hóa lipid. Người bệnh được hội chẩn theo dõi viêm cân mạc hoại tử chi dưới lan rộng và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cắt tháo chi trái để bảo toàn tính mạng.

ThS-BS. Nguyễn Ngọc Thiện, Phó khoa Chăm sóc bàn chân-BV Nội tiết Trung ương (bác sỹ điều trị và phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân) nhận định: Bệnh nhân Q. nằm trong trường hợp viêm hoại tử cân mạc cẳng chân lan rộng. Để cứu tính mạng, cần phải cắt bỏ chi của người bệnh.

Với tình trạng trên, phần lớn phải chỉ định cắt cụt đùi. Tuy nhiên do bệnh nhân còn trẻ, với mong muốn giữ tối đa chiều dài của chi cắt cụt để sau phẫu thuật có thể sử dụng chân giả cho bệnh nhân sinh hoạt, lao động và hòa nhập cộng đồng, kíp phẫu thuật đã thảo luận chi tiết trước khi tiến hành quyết định cắt cụt 1/3 giữa cẳng chân cho bệnh nhân.

Với chỉ định cắt cụt cẳng chân, việc chăm sóc mỏm cụt cẳng chân sau phẫu thuật sẽ khó khăn cho việc liền vết thương mỏm cụt. Đồng thời, tình trạng biến chứng nặng nguy cơ rủi ro cao trong và sau quá trình phẫu thuật có thể sẽ xảy ra. Do vậy, sau phẫu thuật cắt cụt cẳng chân, các bác sỹ vẫn phải tiến hành các thủ thuật như: rạch rộng, cắt lọc phần hoại tử ở đùi, khoeo và hầu hết phần mỏm cụt hàng ngày. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực (kháng sinh thích hợp, kiểm soát đường huyết, truyền máu, bổ sung dinh dưỡng,…).

Ngoài ra, bệnh nhân còn được xử trí bơm hút rửa phần hoại tử đùi và mỏm cụt thường xuyên. Khu vực viêm loét ở đùi, khoeo, mỏm cụt được đặt máy hút áp lực âm liên tục nhằm giúp loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, cải thiện cung cấp máu đến mô và thúc đẩy quá trình liền vết thương.

Sau gần 2 tháng theo dõi, điều trị tích cực, bệnh nhân Q. đã phục hồi thể trạng, vết thương tại khu vực phẫu thuật đã liền, ăn uống sinh hoạt bình thường và được xuất viện. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị để kiểm soát đường huyết và tiến hành tập phục hồi chức năng, lắp chân giả để tái hòa nhập cộng đồng.

Mất cảm giác bàn chân do biến chứng đái tháo đường, người phụ nữ phải cắt cụt chân
Khi nhập viện, toàn bộ cẳng chân của người bệnh đã lở loét, chảy dịch, bốc mùi và hoại tử lan rộng (ảnh BVCC)

Do hoàn cảnh bệnh nhân rất khó khăn, không có khả năng chi trả chi phí điều trị nên BV đã hỗ trợ toàn bộ suất ăn trong thời gian người bệnh điều trị tại đây. Ngoài ra, BV cũng đã kêu gọi các tổ chức từ thiện, cá nhân hỗ trợ toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị và phục hồi sau phẫu thuật nên bệnh nhân có thể yên tâm điều trị.

Qua ca bệnh này, BS. Thiện cảnh báo, ở các bệnh nhân đái tháo đường, mức đường huyết cao thường xuyên có thể gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến tình trạng mất cảm giác, đặc biệt là ở ngón và bàn chân. Khi đó, bệnh nhân có thể không biết bàn chân của mình bị chấn thương, dẫm phải dị vật hay bị bỏng… Từ đó dẫn đến các vết thương không được xử trí, chăm sóc, lâu dài khiến các vết thương hay vết loét lan rộng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm phải cắt cụt chi thậm chí dẫn tới tử vong.

Biến chứng bàn chân do đái tháo đường để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với người bệnh và xã hội. Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân mở rộng, nhằm đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần được kiểm soát tình trạng bệnh thường xuyên để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường.

Cụ bà đái tháo đường suy kiệt vì dùng thuốc mua trên mạng
Cụ ông suy hô hấp, tràn dịch màng phổi vì dùng sản phẩm kiểm soát đường huyết trôi nổi
Bỗng dưng gầy tọp, tưởng giảm cân thành công hóa ra mắc bệnh… mãn tính
Triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động