Thứ hai 07/10/2024 03:34

Cụ bà đái tháo đường suy kiệt vì dùng thuốc mua trên mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghe theo quảng cáo trên mạng nên cụ bà 75 tuổi có tiền sử điều trị bệnh đái tháo đường 15 năm đã chuyển sang mua và dùng thuốc dạng viên hoàn. Hậu quả khiến bà suy kiệt, cơ thể mệt mỏi, sụt cân, rối loạn toan máu phải lọc máu cấp cứu.
Người bệnh đái tháo đường suy kiệt vì dùng thuốc mua trên mạng dùng chất cấm
Loại thuốc dạng viên hoàn cụ bà 75 tuổi sử dụng có chứa chất cấm gây ngộ độc (ảnh BSCC)

Theo PGS-TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội, mới đây khoa đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 75 tuổi, tiền sử Đái tháo đường 15 năm. Suốt thời gian qua bệnh nhân vẫn dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và đi khám đều đặn.

Gần đây, nghe quảng cáo trên mạng về một loại thuốc Nam dạng viên hoàn của các lang y rằng "điều trị được tận gốc đái tháo đường". Tin tưởng và hi vọng dùng thuốc Nam sẽ khỏi bệnh triệt để lại đỡ hại gan, thận nên cụ đã đặt mua.

Sau một thời gian dùng thuốc, khoảng 1 tháng trở lại đây cụ cảm thấy mệt mỏi hơn kèm theo sụt cân nên đã đi khám. Tại BV Đại học Y, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị toan máu nên đã tiến hành làm ngay khí máu. Kết quả cho thấy pH: 6,791 và HCO3 chỉ 3,4 (mức hiếm khi thấy người còn sống). Ngay lập tức người bệnh được chỉ định lọc máu cấp cứu.

Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nghi ngờ người bệnh bị ngộ độc Phenformin. Đây là thứ thuốc đái tháo đường cũ đã bị cấm cách đây 30 năm.

Theo TS. Hoàng Bùi Hải, kết quả xét nghiệm viên thuốc hoàn có thành phần phenformin, đã được các thầy lang không có tâm trộn vào trong viên thuốc. Rất may mắn là sau 2 ngày lọc máu, bệnh nhân đã hết toan và bình phục.

TS. Hoàng Bùi Hải cảnh báo tới người thân của người bệnh đái tháo đường: Hiện nay có một số kẻ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin nên móc tiền hưu của các cụ bằng chiêu trò giao thuốc bổ béo, bệnh tại nhà. Con cháu đừng tin là các cụ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Về chất phenformin, TS-BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết: phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và những biến chứng khôn lường nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978.

Đây không phải trường hợp đầu tiên bị ngộ độc Phenformin. Trước đó vào năm 2020, Bệnh viện Xanh Pôn cũng tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhân nam 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc chất cấm Phenformin trong thuốc Nam không rõ nguồn gốc. May mắn, nam bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và đáp ứng điều trị tốt.

Cụ bà đái tháo đường suy kiệt vì dùng thuốc mua trên mạng chứa chất cấm
Người bệnh cần đái tháo đường đi khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ chuyên khoa tránh biến chứng đáng tiếc (ảnh T.Q)

Những trường hợp "tiền mất tật mang" do tự ý bỏ thuốc của bác sỹ để dùng thuốc Nam của những thầy lang trên mạng không phải hiếm gặp. Tại khoa Cấp cứu, BV Nội tiết Trung ương nămm 2021 cũng tiếp nhận bệnh nhân N.V.T 58 tuổi ở Kiến Thụy, Hải Phòng trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm.

Lý do bệnh nhân này nhập viện cũng do tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sỹ và dùng thuốc Nam cùng viên sủi không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng xã hội với cam kết "khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường". Liệu trình này có giá gần 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong khi tình trạng đường huyết lại tăng lên. Người bệnh thấy cơ thể và mặt phù nặng lên kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm. Tình trạng trên có dấu hiệu nặng dần.

Tại BV Nội tiết Trung ương, sau khi tiến hành cấp cứu bệnh nhân được ghi nhận các chỉ số đường huyết 17,6mmol/L và huyết áp 190/110mmhg. Kết quả siêu âm cho thấy tràn dịch màng phổi hai bên.

Bệnh nhân T. không phải trường hợp duy nhất nhập viện cấp cứu do tự ý ngừng thuốc điều trị. Trước đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ 68 tuổi trú tại Thanh Xuân, Hà Nội với những triệu chứng tương tự khi dùng viên thuốc dạng sủi để trị đái tháo đường.

BS. Chuyên khoa 1 Nguyễn Công Bình, khoa Cấp cứu, BV Nội tiết Trung ương cho biết, khoa đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường tăng huyết áp với nguyên nhân tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội không chính thức. Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng.

Đối với những bệnh nhân đái tháo đường đã được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc thì khi vào cấp cứu thường đã rất nặng nề như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Trong quá trình điều trị, kíp trực thường phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ chức năng gan, thận, bù điện giải, đặc biệt có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng-BS. Bình thông tin.

Các bác sỹ cho biết, bệnh đái tháo đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Đánh vào tâm lý lo lắng của người bệnh, một số cơ sở hứa hẹn việc dùng các loại thuốc khác nhau sẽ giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh hoàn toàn khiến nhiều người tin tưởng và làm theo dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do đó, người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sỹ điều trị để được tư vấn cũng như cho lời khuyên phù hợp, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép.

Người bệnh đái tháo đường cần đi khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường. Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để kiểm tra.

Lưu ý với người bệnh đái tháo đường khi sử dụng thuốc:

Người bệnh cần sử dụng thuốc theo tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa;

Không tự ý ngưng sử dụng thuốc;

Nên thường xuyên kiểm tra đường huyết;

Tái khám khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường;

Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động