Triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTriệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu
Tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Ở giai đoạn đầu, bệnh tiểu đường có các triệu chứng như sau:
Triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu
-
Đi tiểu thường xuyên
Khi lượng đường trong máu tăng cao, chúng không được hấp thu hết vào tế bào, cho nên cơ thể phải đào thải qua đường tiểu. Cho nên một trong những triệu chứng của tiền tiểu đường chính là đi tiểu nhiều lần, thường khoảng 4 – 7 lần trong vòng 24 giờ. Mặc dù trước khi đi ngủ đã đi tiểu nhưng nửa đêm họ vẫn phải thức dậy đi tiểu nhiều lần.
-
Khát nước liên tục
Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường là khát nước liên tục. Do đi tiểu nhiều lần nên cơ thể bị mất nước và phải bù nước liên tục. Do đó, dù đã uống nước, họ vẫn liên tục cảm thấy khát. Thậm chí người mắc tiền tiểu đường có thể uống tới 4 lít nước/ ngày, trong khi mức trung bình ở người bình thường chỉ có 2 lít.
-
Cảm giác vô cùng đói
Dù mới vừa ăn xong, người bệnh tiểu đường vẫn cảm thấy thèm ăn và rất đói. Đó là do đường hấp thu vào cơ thể không được chuyển thành năng lượng cung cấp cho tế bào, đặc biệt là tế bào não. Cho nên, não liên tục gửi tín hiệu đói xuống dạ dày để cơ thể tiếp tục bổ sung thực phẩm.
-
Giảm cân đột ngột
Mặc dù vẫn ăn uống đầy đủ, người mắc bệnh tiểu đường vẫn bị sút cân nhanh và không rõ lý do. Đó là bởi vì lượng đường có trong máu tuy cao nhưng cơ thể không thể hấp thụ. Do đó, để có năng lượng cung cấp cho tế bào hoạt động, cơ thể buộc phải đốt mỡ từ mô, phá hủy protein trong cơ bắp, gây ra tình trạng sụt cân nhanh chóng. Người bệnh có thể giảm từ 5 đến 10kg chỉ trong vòng 1 đến 2 tuần.
-
Cơ thể luôn ở trong tình trạng mệt mỏi
Bởi vì sụt cân đột ngột, cơ thể thiếu năng lượng nuôi tế bào và tiểu đêm nhiều dẫn đến mất ngủ, người bệnh tiểu đường sẽ luôn trong trạng thái yếu đuối, mệt mỏi. Nếu lâm vào tình trạng nghiêm trọng thì ngay cả thực hiện những công việc hằng ngày hay chăm sóc cho mình cũng là một điều không dễ làm.
-
Tê bì hoặc ngứa ran ở bàn chân, bàn tay
Vào buổi sáng sau khi thức dậy, lượng đường huyết cao sẽ gây tổn thương các dây thần kinh cảm giác đặc biệt là thần kinh ngoại biên, gây nên cảm giác tê bì hoặc ngứa ran ở bàn chân, bàn tay.
-
Mờ mắt
Lượng đường trong máu cao có thể gây đau mỏi hốc mắt, hình ảnh nhìn thấy bị méo, mờ mắt hoặc hiện tượng ruồi bay (những hạt mờ mờ trôi lơ lửng trong tầm nhìn). Nếu người bệnh phát hiện sớm và điều trị ổn định đường huyết, hiện tượng này có thể được điều trị khỏi.
-
Da bị khô, ngứa, thâm
Bệnh tiểu đường khiến mạch máu dưới da bị tổn thương gây nên hiện tượng ngứa ran. Đi tiểu nhiều lần làm cơ thể bị mất nước cho nên làn da sẽ bị khô. Cơ thể kháng insulin do tụy tiết ra gây ra tình trạng thay đổi nội tiết tố khiến da bị thâm ở vùng cổ, vùng nách.
-
Vết thương trên da lâu lành
Những vết cắt, vết trầy nhỏ trên da ở người bệnh tiểu đường sẽ lâu lành hơn bình thường, đặc biệt là rất dễ bị nhiễm trùng, hoại tử. Đó là bởi vì biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường khiến người bệnh không cảm nhận được khi mình bị thương, do đó dễ làm vết thương nghiêm trọng hơn, đặc biệt là vết thương ở bàn chân. Ngoài ra, biến chứng mạch máu ngoại vi do tiểu đường cũng làm giảm lượng máu đến các mô bị thương, khiến các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn dễ tấn công gây nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh tiểu đường
Không thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, có kế hoạch tập luyện thể chất đều đặn, hợp lý.
-
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh.
Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn bệnh tiểu đường: đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý.
Thiết kế bữa ăn đơn giản, không quá đắt tiền và phù hợp với tập quán địa phương.
Cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo; bổ sung những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo và calo như rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt; theo dõi đường huyết sau bữa ăn… Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống thích hợp.
-
Vận động
Việc vận động không chỉ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch…Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường tập thể dục thể thao ít nhất 5 ngày mỗi tuần với thời gian tập 30 phút mỗi ngày, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bài tập phù hợp.
Hi vọng các triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu được đề cập cũng như cách phòng tránh bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn đọc hiểu và tránh được bệnh tốt hơn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại