Làm gì để tăng độ an toàn cho giao thông đường thủy?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTàu QNa-1152 được lực lượng chức năng vớt vào bờ |
Bài học xương máu
Dù sự việc chìm ca nô trên biển Cửa Đại (Quảng Nam) đã trôi qua 4 ngày, nhưng dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót. Chuyến tàu du lịch “định mệnh” ấy đã bất ngờ gặp nạn trên biển Cửa Đại, cướp đi sinh mạng của nhiều hành khách khiến bao gia đình bỗng chốc tan nát, tang thương.
Theo đó, ngày 26-2, tàu du lịch số hiệu QNa-1152 của Cty TNHH MTV Du lịch Phương Đông (địa chỉ: phường Cửa Đại, TP Hội An) do thuyền trưởng là ông Lê Sen vận chuyển 39 người (36 hành khách và 3 thuyền viên) trên đường từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền, đến địa điểm cách Đồn Biên phòng Cửa Đại khoảng 1 hải lý về hướng Đông thì bị lật chìm khiến 17 người tử vong.
Lý giải về nguyên nhân, đại diện Cty TNHH MTV Du lịch Phương Đông giải thích, nguyên nhân gặp nạn là do sóng lớn. Tại khu vực gặp nạn có đường giao thoa giữa luồng nước nông và sâu nên thường xuất hiện 2 luồng sóng mạnh. Đúng vào thời điểm chiếc ca nô đi vào khu vực đó lại có cơn sóng ngang lớn ập đến đẩy lật ca nô.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cũng cho biết TP đang đề xuất với tỉnh, Bộ và Trung ương xem xét lại vấn đề thiết kế của tàu thuyền theo chuẩn mới SB (có hiệu lực từ 2016). Vì thực tế, hàng chục năm qua, TP tổ chức đi du lịch bằng cano SI, mui trống toàn bộ, không có khoang kín, nên nếu có việc lật tàu, chìm tàu cũng chưa bao giờ xảy ra chết người. Tất cả người đi tàu đều được yêu cầu mặc áo phao, nếu chìm tàu thì họ nổi lên, lực lượng chức năng sẽ vớt được. Tuy nhiên, với tàu này thì kín từ trước ra sau, chỉ có 2 cửa, khi lật rất nguy hiểm. Như vụ lật cano vừa qua, những người phía trong khi được đưa ra đã ngạt thở. Đây cũng là kinh nghiệm để điều chỉnh các tàu thuyền chở khách du lịch sắp đến.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là bài học xương máu trong công tác quản lý tàu, thuyền đi lại trên sông, biển. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu lực lượng CA khẩn trương điều tra, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Để tránh lặp lại sự cố tương tự
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động chở khách tham quan du lịch trên các tuyến thủy nội địa cần phải được kiểm tra một cách toàn diện, nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh ngay các vi phạm, thiếu sót của người điều khiển phương tiện cũng như DN vận tải.
Bởi vậy, nhiều người đặt câu hỏi rằng, sau hai năm du lịch “im ắng” vì dịch bệnh Covid-19, nay vừa mở cửa, du khách quay trở lại, du lịch biển đảo cũng bắt đầu vào mùa hút khách. Liệu các phương tiện sau thời gian dài “ngủ quên” do dịch bệnh có đảm bảo an toàn, có bị xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa rà soát kỹ? Liệu các đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh, CQCN có “lơ là”, chủ quan, chưa kiểm soát kỹ đã vội vàng cho đón khách lại hay không?
Không chỉ vụ lật ca nô trên biển Cửa Đại cũng là hồi chuông cảnh báo trong việc quản lý, cấp phép các phương tiện vận chuyển trên biển. Trước đó vào năm 2021, tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh cũng xảy ra 1 vụ chìm tàu du lịch gây hậu quả nghiêm trọng không kém. Theo đó, khoảng 5g sáng 17-2-2021, tàu du lịch mang BKS - QN 5198 của Cty TNHH Trường Hải, do ông Nguyễn Văn Minh làm thuyền trưởng, chở 21 khách du lịch nghỉ đêm tại khu vực Đảo Ti-Tốp, đã bị đắm. 9 hành khách và nhân viên tàu được cứu sống, 12 người khác tử vong. Sau đó, CA Quảng Ninh đã bắt giam thuyền trưởng và máy trưởng tàu Trường Hải để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình trạng nhiều địa phương cấp phép cho tàu, thuyền chạy với tốc độ "siêu tốc" trên biển. Các cấp, ngành liên quan tổng rà soát tất cả phương tiện canô, tàu du lịch, luồng lạch… để tránh lặp lại sự cố tương tự, nhất là đang bắt đầu vào mùa du lịch.
Để hạn chế tai nạn, chúng ta phải chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông về đường thủy và cần phải chặn nguyên nhân gây tai nạn từ “gốc” thì sẽ hạn chế được các vụ tai nạn giao thông đường thủy. Những lúc thời tiết biển động không nên tham gia giao thông đường thủy, chủ DN, người lái tàu, thuyền phải nghiêm tục thực hiện các quy định về vận tải hành khách trên tàu, thuyền.
CSGT đường thủy cũng cần tăng cường trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường phương tiện đường thủy vi phạm. Lực lượng thanh tra, cảng vụ đường thủy có trách nhiệm tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động của cảng, bến, an toàn kỹ thuật phương tiện và thuyền viên phương tiện vận tải khách.
Trường hợp phát hiện vi phạm cảng, bến, phương tiện hoạt động không phép, trái phép hoặc không đủ điều kiện kỹ thuật, tàu chở quá số người quy định, không đảm bảo các thiết bị an toàn thì phải kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử phạt thật nghiêm minh để ngăn chặn hậu họa ngay từ đầu.
Theo số liệu của Cục CSGT, chỉ tính riêng năm 2021 toàn quốc xảy ra 53 vụ TNGT đường thủy, làm chết 35 người và 1 người bị thương. Tháng 1-2022 xảy ra 3 vụ làm 2 người chết, tháng 2-2022 xảy ra 4 vụ 2 người chết (chưa tính vụ chìm ca nô ở Quảng Nam). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại