Công an thông tin về nguyên nhân vụ lật ca nô trên biển Cửa Đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThượng tá Võ Văn Minh, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Quảng Nam |
Đại diện lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An - thông tin chi tiết về vụ lật ca nô thảm khốc.
Theo đó, sáng 26-2, ca nô QNa 1152 của Công ty Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi) làm thuyền trưởng chở 38 người (35 hành khách và 3 lái ca nô) xuất phát từ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại đi tham quan đảo Cù Lao Chàm.
13h45 cùng ngày, ca nô QNa 1152 chở 39 người (36 hành khách và 3 lái ca nô) xuất bến thuỷ nội địa Cù Lao Chàm về Cửa Đại. Đến khu vực cách bờ khoảng 1,5 hải lý về hướng Đông, ca nô bị chìm.
Sau khi nhận được thông tin, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã điều động 6 ca nô/60 cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường để phối hợp với 5 ca nô chở khách đang chạy vào bờ và 10 ca nô doanh nghiệp trong bờ chạy ra cứu vớt các nạn nhân bị trôi dạt. Lúc này, ca nô bị chìm dưới nước với nhiều người còn mắc kẹt bên trong.
Do vị trí bị nạn gần bãi cát, sóng vỗ mạnh nên việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn. Tiếp cận trực tiếp hiện trường ban đầu có ca nô BP 43 0704 và 1 ca nô cao su của biên phòng, các ca nô của doanh nghiệp ở vòng ngoài vớt các nạn nhân trôi dạt khi vừa thoát ra từ ca nô bị chìm. Tiếp theo đó có các tàu cá nhỏ của ngư dân tham gia cứu nạn.
Đến khoảng 16h25 cùng ngày, các lực lượng cứu nạn đã cứu vớt và đưa vào bờ 35 nạn nhân, 4 người mất tích.
Trong 2 ngày 27, 28-2, thi thể 4 nạn nhân mất tích được tìm thấy.
Thông tin nguyên nhân ban đầu, Thượng tá Võ Văn Minh, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra.
Cơ quan điều tra đã tiếp cận hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, làm việc với thuyền trưởng, 2 thuyền viên, 12 du khách và các đơn vị điều hành tổ chức đưa phương tiện xuất bến.
Qua làm việc, kiểm tra giấy tờ liên quan đến việc điều hành tàu du lịch, tất cả đều đầy đủ, được cơ quan cấp phép.
“Làm việc với thuyền trưởng, du khách, họ khai báo rằng trước khi tàu xuất bến được các cơ quan kiểm tra chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thời gian di chuyển về thì sóng to gió lớn đã đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn vào lật úp ca nô dẫn đến tai nạn”, Thượng tá Võ Văn Minh thông tin.
Theo Thượng tá Minh, hiện nay CSĐT đang thu thập tất cả máy ra đa của tàu du lịch để làm rõ nguyên nhân vụ chìm tàu, xử lý các tổ chức cá nhân theo quy định pháp luật.
Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cũng cho biết, sau khi nhận được thông tin, các phương tiện của BĐBP từ đã tiếp cận hiện trường nơi xảy ra tai nạn từ sớm, đồng thời huy động tất cả các phương tiện tham gia ứng cứu.
Theo Đại tá Nam, trên tất cả các phương tiện đều có giám sát hành trình để giám sát.
Thanh tra toàn bộ hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa Thanh tra Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thanh tra các sở GTVT tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải trên đường bộ, đường thủy nội địa. Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thương lớn về người và tài sản. Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của phương tiện, thuyền viên, người lái tại cảng, bến thủy nội địa. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thanh tra các sở GTVT thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn đối với cảng, bến khách; kinh doanh nhà hàng, khách sạn nổi trên sông; vận chuyển khách ngang sông, dọc tuyến trên đường thủy nội địa; hoạt động vận chuyển khách tuyến từ bờ ra đảo; hoạt động điều tiết giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường thủy nội địa. Về đường bộ, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc hấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của phương tiện, lái xe tại bến xe, nơi dừng đỗ, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra các sở GTVT tập trung sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp đặt trên xe ô tô để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại