Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố: tổng hợp của các hình phạt tính thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: AIC |
Lần thứ 4 bị truy tố
Mới đây, Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 13 bị can bị đề nghị truy tố về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Đây là vụ án thứ 4 cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố.
Trước đó, năm 2023, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Trong phiên tòa này, bà Nhàn bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù về 2 tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo thay của bị cáo này, tuyên bản án sơ thẩm đã có hiệu lực. Tiếp đó, tháng 10/2023, trong vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, TAND TP Quảng Ninh đã tuyên phạt cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn 10 năm tù.
Ngoài ra, tháng 12/2023, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông.
Thực tế việc “án chồng án” như cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn không phải hiếm. Cần kể đến đó là cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty NSJ Hoàng Thị Thúy Nga hay như cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt…
Hình phạt chung không quá 30 năm với tù có thời hạn
Vậy việc một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở nhiều vụ án khác nhau thì mức án sẽ tính thế nào là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn. Về câu hỏi này, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thực tiễn xét xử cho thấy một người đang chấp hành một bản án vẫn có thể bị phát hiện hành vi phạm tội mà họ thực hiện trước đó không phải hiếm.
Theo đó, trong các vụ án khác nhau với các tội danh khác nhau, 1 bị cáo có thể nhận các án phạt như tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo các tội danh vi phạm. Theo Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015 về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau: với hình phạt chính, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn; nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân; nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình. Như vậy, nếu Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị kết tội trong vụ án mới được khởi tố, tổng hợp hình phạt các bản án không quá 30 năm tù.
Tuy nhiên theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. “Đối với hình phạt bổ sung cũng quy định: nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung; nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết.
Còn theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì có 3 trường hợp.
Trường hợp 1: trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
Trường hợp 2: khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Trường hợp 3: trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại