Chủ nhật 28/04/2024 02:51

Từ sai phạm của Công ty AIC: "Lỗi" trong công tác đấu thầu vì doanh nghiệp thân quen

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 23/10 tới đây, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa Tổng Giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị cáo khác ra xét xử trong vụ án sai phạm tại Sở Y tế Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Từ sai phạm của Công ty AIC:
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC. Ảnh: Nhật Nam

Chiêu thức quen thuộc của Công ty AIC trong đấu thầu

Đây là vụ án thứ 4 cựu Tổng Giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị điều tra. Trước đó, cuối năm 2022, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt cựu Chủ tịch AIC 30 năm tù trong vụ sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tháng 4/2023, vị này tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ học TP Hồ Chí Minh.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 9/2023, CQĐT đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.

Trong các vụ án sai phạm của Công ty AIC dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, các nhân viên dưới quyền của AIC đều trúng thầu bằng các chiêu trò thông thầu, móc ngoặc, điều chỉnh số liệu, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính nhằm gian lận trong đấu thầu. Đồng thời, cựu Chủ tịch AIC còn chỉ đạo thuộc cấp sử dụng các công ty trong hệ sinh thái của AIC làm "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu.

Tại vụ án sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, với mối quen biết từ trước với các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, năm 2007, bà Nhàn đã lợi dụng quan hệ này để nhờ tác động đến các sở, ngành nhằm tạo điều kiện cho AIC tham gia các dự án của tỉnh, trong đó có dự án xây dựng bệnh viện.

Từ sự giới thiệu của Bí thư tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn lần lượt quen với với Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở KH&ĐT, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Những cá nhân này sau đó thực hiện hàng loạt các ưu ái cho Công ty AIC triển khai các gói thầu.

Để thuận lợi cho việc trúng thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin gian dối về năng lực công ty; thông đồng với chủ đầu tư, công ty tư vấn khi xây dựng hồ sơ thầu; thiết lập hồ sơ cho các “quân xanh, quân đỏ”…

Bằng các chiêu trò này, cộng với sự ưu ái từ dàn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC đã liên tiếp trúng 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại ngân sách khoảng 150 tỉ đồng.

Ngoài ra, cáo trạng còn xác định, bà Nhàn không chỉ vi phạm đấu thầu mà còn nhiều lần chi hối lộ cho nhiều bị cáo với tổng số tiền 43,8 tỉ đồng.

Tương tự, trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đưa ra xét xử vắng mặt với cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, trong quá trình tham gia dự thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị thuộc dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, cựu Chủ tịch AIC đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi thông thầu với chủ đầu tư; hỉ đạo cấp dưới điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính các năm 2010 - 2013 để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực tham gia dự thầu, lập hồ sơ “quân đỏ”, “quân xanh”…, để Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng 6/6 gói thầu, với tổng giá trị hơn 232 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, số tiền quyết toán các gói thầu cho nhóm công ty của bị can Nhàn có giá trị cao hơn so với thực tế. Đến nay, các tài liệu và chứng cứ thu thập được đủ căn cứ chứng minh thiệt hại gây ra là hơn 50 tỉ đồng.

Từ sai phạm của Công ty AIC:
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: AIC

"Cơ chế ngầm" hay chi trả “hoa hồng” là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu

Tại sao nhiều những sai phạm về công tác đấu thầu ở các tỉnh thành khắp Bắc, Trung, Nam lại đều xuất hiện “gương mặt thân quen” AIC đến thế đã từng là câu hỏi của nhiều người. Lý giải câu hỏi này, ít nhiều trong các phiên xét xử vụ án sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã hé lộ.

Trong phần tranh luận với các luật sư của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đã cho rằng, bị cáo Nhàn đã chi tiền hối lộ cho các bị cáo nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành, bệnh viện… là mặc định theo “cơ chế ngầm”.

Tại phiên tòa, đối đáp với luật sư của bị cáo Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai về đề nghị không xét xử bị cáo này về tội Nhận hối lộ, đại diện Viện kiểm sát cho biết việc truy tố bị cáo Phan Huy Anh Vũ về hai tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” là đúng, có đủ cơ sở chứng minh.

Bởi lẽ, theo Viện kiểm sát, bị cáo Vũ đã có nhiều lời khai thể hiện tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của bị cáo Trần Đình Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Cụ thể, trong cột thứ tư của bảng kê về việc chi tiền cho các quan chức do nhân viên AIC giao nộp có ghi dòng chữ "Co Che," nên đây được hiểu là "cơ chế." Bởi vậy, đại diện Viện kiểm sát đánh giá việc hứa hẹn của bị cáo Vũ với bị cáo Nhàn là mặc định theo "cơ chế ngầm."

Điều này cũng được thể hiện qua Báo cáo đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp của VCCI năm 2022. Qua những khảo sát từ những doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động đấu thầu, mua sắm công ở địa phương khác nhau, VCCI đã có những con số thực tế.

Theo đó, các khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải khi tham gia đấu thầu các gói đấu thầu mua sắm công là thời gian chuẩn bị nộp hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó…

Một vấn đề lớn thường xảy ra trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là các gói thầu sử dụng ngân sách Nhà nước, là hiện tượng chi trả chi phí ngoài quy định nhằm thông đồng, cấu kết, dàn xếp hoạt động đấu thầu để tạo điều kiện cho một bên thắng thầu.

Báo cáo này của VCCI cũng chỉ ra rằng, 34,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý với nhận định “Chi trả “hoa hồng” là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu”. Nói cách khác, cứ khoảng 3 doanh nghiệp tham gia đấu thầu thì có 1 doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Doanh nghiệp tư nhân dường như sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng cơ hội trúng thầu.

“Doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí này để các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu được trơn tru hơn. Có những trường hợp doanh nghiệp từ chối không chi trả các khoản chi phí này khiến cho tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, không nộp được hồ sơ dự thầu gây tổn thất lớn hơn khoản chi trả này. Không chỉ vậy, tình trạng “hoạnh họe” của cơ quan liên quan cũng gây ảnh hưởng tới dự án, không chi không được”, chia sẻ của một doanh nghiệp tham gia đấu thầu đã trả lời khảo sát.

Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp có động cơ chi trả “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu đều khá cao ở các nhóm doanh nghiệp, dao động từ 29% đến 49%. Trong đó, các cơ quan chức năng sẽ cần chú ý nhiều hơn đến nhóm dịch vụ phi tư vấn hoặc dịch vụ tư vấn và các gói thầu của các cơ sở y tế công lập hoặc trường học công lập

Như vậy, để tiếp tục không xảy ra những sai phạm bởi những nhà thầu quen mặt như AIC, việc không phân biệt đối xử là một trong những nguyên tắc cơ bản trong đấu thầu mua sắm công. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, điều này càng quan trọng hơn khi các hiệp định thương mại và đầu tư mà Việt Nam ký kết thông thường đều có điều khoản về không phân biệt đối xử trong đấu thầu, mua sắm công.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật Đấu thầu cần chú trọng tới việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm công, và quan trọng hơn là tăng cường công tác giám sát thực hiện. Đồng thời, các cơ quan chức năng ở địa phương cần chú trọng tới việc giải quyết một cách công bằng, thoả đáng các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tham gia đấu thầu – theo VCCI.

Khởi tố, bắt tạm giam các bị can trong vụ thông thầu của AIC tại Sở Y tế Bắc Ninh Khởi tố, bắt tạm giam các bị can trong vụ thông thầu của AIC tại Sở Y tế Bắc Ninh
Bộ Công an kêu gọi các cá nhân có liên quan đến vụ án tại Công ty AIC đầu thú Bộ Công an kêu gọi các cá nhân có liên quan đến vụ án tại Công ty AIC đầu thú
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động