Thứ năm 15/08/2024 01:10

Kỳ cuối: Những quyết sách của Luật Thủ đô trở thành động lực thúc đẩy phát triển làng nghề

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc để gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt tạo cơ chế chính sách về xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Thủ đô đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, trong đó có sự đóng góp tích cực của tuổi trẻ Thủ đô.
Kỳ cuối: Những quyết sách của Luật Thủ đô trở thành động lực thúc đẩy phát triển làng nghề
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội”. Ảnh: Trọng Tùng

Tạo đột phá chính sách, khai thác “mỏ vàng” kinh tế làng nghề

Ngày 5/7/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội”. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin: “2 năm qua, GRDP của Hà Nội luôn đạt trên 50 tỷ USD, trong đó, doanh thu của các làng nghề chiếm khoảng 1 tỷ USD (bằng 1/50 tổng giá trị sản xuất của Hà Nội), đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn”.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đó có giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm. Sự phát triển của làng nghề đã giúp văn hóa Hà Nội và Việt Nam vươn ra thế giới.

Kỳ cuối: Những quyết sách của Luật Thủ đô trở thành động lực thúc đẩy phát triển làng nghề
Sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Mộc Miên

Những năm qua, lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm đối với sự phát triển của các làng nghề. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua, đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực làng nghề.

Cụ thể, tại mục e, khoản 3, điều 21 quy định phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu là các khu vực, di tích, di sản công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa.

Tại khoản 8, điều 21 quy định: “TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, hiện nay, TP Hà Nội đang nghiên cứu các nội dung, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và gìn giữ, phát huy giá trị các làng nghề. Do đó, rất mong muốn nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thủ đô nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển, hướng đến xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Kỳ cuối: Những quyết sách của Luật Thủ đô trở thành động lực thúc đẩy phát triển làng nghề
Nón làng Chuông hấp dẫn du khách tại "Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc”. Ảnh: Mộc Miên

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng nêu rõ bất cập của làng nghề hiện nay, thực tế có nhiều sản phẩm làng nghề có chất lượng rất tốt, được chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng việc duy trì và phát triển thương hiệu lại chưa được quan tâm.

Trao đổi vấn đề này, anh Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, chủ cơ sở giày dép Huy Hoàng (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) cho rằng, đó là bất cập của làng nghề hiện nay, khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP chưa đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo anh Nguyễn Mạnh Hiếu, xã Phú Yên có 3 thôn được TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Toàn xã có 10 sản phẩm giày, dép da được chứng nhận OCOP 4 sao. Điều bất cập làng nghề hiện nay là người dân làng nghề giày da thôn Giẽ Hạ, thôn Giẽ Thượng thiếu mặn mà với việc hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương. “Thực tế, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có thời hạn 3 năm trong khi đặc thù của làng nghề sản xuất da giày chuyên về mẫu mã, thời trang luôn thay đổi không ngừng. Nghịch lý hiện hữu, để đăng ký hồ sơ cấp chứng nhận cần nhiều thủ tục đến khi được cấp giấy chứng nhận thì mẫu mã có thể đã phải thay đổi, thị trường không còn ưa chuộng. Trước đó, một số hộ kinh doanh đã đăng ký giấy chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng do còn nhiều bất cập nên giảm tỉ lệ đăng ký lại” - anh Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên cho hay.

Kỳ cuối: Những quyết sách của Luật Thủ đô trở thành động lực thúc đẩy phát triển làng nghề
Tuổi trẻ phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu những kinh nghiệm của nghệ nhân trong làng nghề quất cảnh Tứ Liên. Ảnh: M.T

Phát triển làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa của Hà Nội

Chung tay phát huy làng nghề truyền thống, cùng với các Sở, quận, huyện, ban, ngành…thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô đã tiên phong, xung kích trong các hoạt động công tác thanh niên. Bám sát vào chủ đề “Năm chuyển đổi số các hoạt động Đoàn”, các cấp Đoàn, Hội, cơ sở đã và đang tiếp tục thực hiện các hoạt động “phiên chợ điện tử” livestream bán hàng, hỗ trợ làng nghề, lan tỏa, kết nối khách hàng trên không gian trực tuyến.

Anh Đinh Ngọc Thanh - Phó Bí thư phụ trách Quận đoàn Tây Hồ cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc để bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả các quy định của Luật đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của tuổi trẻ.

“Để góp một phần giúp các làng nghề chuyển hướng, phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch, thời gian qua tuổi trẻ Thủ đô nói chung và tuổi trẻ quận Tây Hồ nói riêng đã nỗ lực, tích cực trong việc đề xuất một số giải pháp, kiến nghị chính sách nhằm huy động, thu hút sự tham gia tích cực, chủ động hơn nữa của thanh niên trong phát triển du lịch tại các làng nghề, thành lập các câu lạc bộ “Đại sứ du lịch Tây Hồ” để tham gia giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan các sản phẩm làng nghề, góp phần quảng bá đưa hình ảnh du lịch đặc biệt là du lịch trải nghiệm tại các làng nghề trên địa bàn quận đến với du khách trong nước và quốc tế” - anh Đinh Ngọc Thanh chia sẻ.

Kỳ cuối: Những quyết sách của Luật Thủ đô trở thành động lực thúc đẩy phát triển làng nghề
Tuổi trẻ quận Tây Hồ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đến tham quan làng nghề quất cảnh Tứ Liên. Ảnh: M.T

Thể hiện vai trò thanh niên thời đại 4.0, Đoàn thanh niên quận Tây Hồ thành lập CLB sáng tạo nội dung số, trong đó đẩy mạnh xây dựng các video tuyên truyền trên nền tảng facebook, tiktok với những nội dung gắn với chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi quận trong năm 2024; các hoạt động hỗ trợ làng nghề như sáng tạo những bài hát với câu từ nhằm làm nổi bật những giá trị, vẻ đẹp về văn hóa, lịch sử của làng nghề Tây Hồ.

Anh Phạm Minh Thành - Bí thư Đoàn thanh niên phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cho biết, bám sát vào chủ đề “Năm chuyển đổi số các hoạt động Đoàn”, bước đầu xây dựng website, fanpage quảng bá làng nghề trên không gian mạng, kết nối với khách hàng tiềm năng. Cùng với đó, Đoàn thanh niên phường Tứ Liên tiếp tục hỗ trợ Hội làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên bán sản phẩm quất cảnh Tứ Liên trong dịp Tết Nguyên đán, phối hợp với Ban giám hiệu các nhà trường trên địa bàn phường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đến tham quan làng nghề quất cảnh Tứ Liên

Trên tinh thần đồng hành, ủng hộ TP Hà Nội trong quá trình chỉ đạo, nghiên cứu các nội dung, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và gìn giữ, phát huy giá trị các làng nghề, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát (SN 1983, trú tại tổ 1, Ái Mỗ, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ: “Việc bảo tồn và phát triển sản phẩm làng nghề vô cùng quan trọng. Với tư cách một nghệ nhân trẻ, tôi rất mong muốn TP Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa với các nghệ nhân họa sĩ thực sự có sức sáng tạo, cống hiến với nghề truyền thống. TP Hà Nội cần mở cơ chế về việc tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội nghị trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề cho du khách; đồng thời là cơ hội để các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề có điều kiện giao lưu, hợp tác và phát triển”.

“Khi chúng tôi sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị, được vinh danh trong các cuộc thi, Hội đồng thẩm định Nhà nước tạo điều kiện để chúng tôi có thể sản xuất số lượng nhiều, ví dụ như làm quà tặng, điều này vô cùng thực tế, giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển và hội nhập quốc tế”, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát kiến nghị.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP Hà Nội cùng tinh thần cống hiến sức trẻ của tuổi trẻ Thủ đô, phát triển làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, trong đó thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… TP Hà Nội cũng tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.
Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long” Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”
Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Kỳ 3: Phát triển làng nghề số từ mô hình “phiên chợ điện tử” Kỳ 3: Phát triển làng nghề số từ mô hình “phiên chợ điện tử”
Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động