Thứ sáu 20/09/2024 04:47

Phở Hà Nội được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, “Phở Hà Nội” của TP Hà Nội chính thức được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia sau khi có cuộc kiểm kê di sản phở toàn diện tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Phở Hà Nội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Phở Thìn Bờ Hồ được giới thiệu tại "Không gian ẩm thực Hà Nội" trong khuôn khổ Festival Thu Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mộc Miên

Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL đưa “Phở Hà Nội” của TP Hà Nội vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian.

Phở Hà Nội đáp ứng các tiêu chí, vừa có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương, vừa phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người.

Đồng thời, “Phở Hà Nội” được trao truyền qua nhiều thế hệ. từ 2 thế hệ trở lên (tương đương với hơn 30 năm nấu phở bán) thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc làm nghề của gia đình, dòng họ và thương hiệu nhận diện di sản.

Theo hồ sơ “Phở Hà Nội” được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã kiểm kê di sản phở, có 17 chủ thể thực hành di sản là những cá nhân, gia đình nắm giữ, thực hành quy trình, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết và hiểu biết chế biến phở trên địa bàn Hà Nội.

Trong danh sách có các cá nhân, gia đình tiêu biểu gồm: ông Đinh Mạnh Cường, thế hệ thứ 2 của phở Mạnh Cường (22 Hàng Muối); bà Phạm Thị Bích Vân, phở Vân (6 Ô Quan Chưởng); bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, thế hệ thứ 3 của Phở Bản (172 Tôn Đức Thắng); bà Nguyễn Thị Ngà, Phở Sướng (24B Trung Yên); bà Lê Thị Minh Nguyệt, phở gà Nguyệt (5B Phủ Doãn); bà Lê Thu Hương, thế hệ thứ 3 của Phở gà 156 (Quán Thánh)…

Hồ sơ “Phở Hà Nội” nêu rõ mục tiêu xây dựng bản đồ du lịch “Phở Hà Nội” nhằm đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn cụ thể về những cửa hàng phở ngon trên địa bàn. Cùng với đó, đặt vấn đề hỗ trợ chủ thể thực hành di sản đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu theo quy định của pháp luật.

Theo Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể có tên trong danh mục trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở. Với việc được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, người dân được biết đến những thế hệ nghệ nhân, địa chỉ cửa hàng ngon, chất lượng, hướng đến việc lan tỏa ẩm thực Việt ra thế giới.

Ngoài phở Hà Nội, phở Nam Định và mì Quảng cũng nằm trong danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia công bố đợt này.

Tính đến nay, về ẩm thực, Việt Nam đang có tổng cộng 5 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm phở Nam Định, mì Quảng, phở Hà Nội, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Dấu ấn đặc sản Thu Hà Nội “chiêu đãi” du khách Dấu ấn đặc sản Thu Hà Nội “chiêu đãi” du khách
Hàng nghìn du khách thích thú với trải nghiệm “Không gian ẩm thực Hà Nội” Hàng nghìn du khách thích thú với trải nghiệm “Không gian ẩm thực Hà Nội”
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động