Chủ nhật 08/09/2024 23:26
Tuổi trẻ Thủ đô giúp làng nghề chuyển hướng

Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong câu ca dao ca ngợi sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội nhắc tới “The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng, lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”, đến nay ngoài sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn tạo chỗ đứng trên thị trường thì những sản phẩm truyền thống trong câu ca dao xưa gần như chỉ còn vang bóng. Không lặp lại quá khứ, làng nghề Hà Nội hôm nay có một lớp trẻ kế cận, nhờ sức trẻ, tại nhiều làng nghề Hà Nội, sản phẩm thủ công được hồi sinh trở lại.
Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội
Anh Nguyễn Mạnh Hiếu (đứng thứ 2 từ trái qua) tại gian hàng giới thiệu sản phẩm giày da truyền thống trong một sự kiện. Ảnh: M.H

Tạo đột phá “thắp lửa” nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên vùng quê Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), mảnh đất có truyền thống làm nghề giày da lâu đời. Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hiếu (SN 1991) vốn là con cháu của cụ Nguyễn Mạc - cụ Tổ của nghề giày da thôn Giẽ Hạ, người thành lập cơ sở sản xuất giày da Nguyễn Mạc lớn nhất miền Bắc những năm 1930. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thương mại, Khoa Thương mại điện tử và học xong bằng Thạc sĩ cùng trường, anh Nguyễn Mạnh Hiếu lựa chọn lập nghiệp trên thành phố (TP) Hà Nội.

Công việc văn phòng với mức lương ổn định, đúng chuyên ngành nhưng với khát vọng khởi nghiệp từ quê hương, anh Nguyễn Mạnh Hiếu quyết định “bỏ phố về quê”. Khai thác lợi thế sẵn có nghề thủ công giày da truyền thống, anh Nguyễn Mạnh Hiếu bắt tay vào việc mở rộng cơ sở sản xuất, tập hợp lực lượng lao động địa phương, gia công sản xuất, mạnh dạn tìm tòi các công nghệ hiện đại của thế giới đem về áp dụng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) bằng việc đầu tư dây chuyền sản xuất của châu Âu.

Từ thương hiệu da giày Phú Yên của cụ tổ nghề Nguyễn Mạc, doanh nhân 9X Nguyễn Mạnh Hiếu đã phát triển DN giày dép Huy Hoàng thành một trong những DN hàng đầu trong lĩnh vực giày dép nước nhà. Cơ sở sản xuất đã sáng tạo sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp đáp ứng đa dạng phân khúc thị trường từ thu nhập cao, trung bình, giá rẻ, đặc biệt sản phẩm dòng hàng giày công sở “đắt” khách nhất tại làng nghề Phú Yên.

Trước xu thế bán hàng trực tuyến “lên ngôi”, anh Nguyễn Mạnh Hiếu kết nối, bày bán trên các sàn thương mại điện tử trực tuyến, giới thiệu sản phẩm trên sàn điện tử của huyện Phú Xuyên, tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn DN trong nước và quốc tế… Vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làng nghề đưa sản phẩm lên “chợ phiên điện tử” tiếp cận tệp khách hàng trực tuyến.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết, sản phẩm giày da Phú Yên đảm bảo quy trình kỹ thuật, mẫu mã đa dạng nhưng phải đáp ứng tiêu chí môi trường. Trước đây, xã Phú Yên nhiều năm không đạt tiêu chí nông thôn mới vì đặc thù làng nghề, tồn đọng nhiều rác thải. Quyết tâm làm “sống dậy” làng nghề truyền thống, anh Nguyễn Mạnh Hiếu vận động người dân trong xã, quyên góp bằng nguồn xã hội hóa thuê đơn vị thu gom rác thải đến nơi xử lý, giải quyết tốt về vấn đề môi trường rác thải làng nghề. Nhờ đảm bảo tốt các tiêu chí về môi trường, năm 2023 xã Phú Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là tiền đề để xã Phú Yên quyết tâm thực hiện xây dựng xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội
Anh Nguyễn Mạnh Hiếu (đứng ngoài cùng bên phải) nhận Giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tại cơ sở. Ảnh: M.H

Điều tự hào của làng nghề Hà Nội, xã Phú Yên có 4 thôn thì có 3 làng nghề TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống gồm: nghề giày da các thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ và nghề may thôn Thượng Yên. Toàn xã có 10 sản phẩm giày, dép da được chứng nhận OCOP 4 sao. Giữ vững thương hiệu làng nghề, từ khi xã Phú Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, người dân được thụ hưởng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, chợ… ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Diện mạo mới của làng nghề Phú Yên hôm nay nhờ chính sách hỗ trợ phát triển của TP Hà Nội. Ngày 15/6/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2952/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên ở thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Thời điểm đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề có quỹ đất mở rộng sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong các khu dân cư. Quyết định thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên là chính sách “đột phá” tạo cơ chế hoạt động, phát triển làng nghề địa phương, lấy nghề da giày làm mũi nhọn.

Nhiều năm qua, thương hiệu giày da xã Phú Yên được tặng thưởng nhiều giải thưởng uy tín. Trong đó, làng nghề giày da Giẽ Thượng - Giẽ Hạ được Hiệp hội làng nghề Việt Nam tặng danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Sản phẩm giầy Phú Yên đã phủ sóng thị trường phía Bắc, có mặt một số thị trường quốc tế như Lào và Campuchia.

Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội
Anh Ngô Quý Đức gìn giữ và phát triển các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống cho trẻ em Việt. Ảnh: Q.Đ

Đưa sản phẩm làng nghề gắn với hoạt động du lịch

Giữ lửa nghề truyền thống, cùng quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục mở rộng thị trường, thế hệ trẻ như Nguyễn Mạnh Hiếu luôn có ý thức gìn giữ, tiếp bước thế hệ cha ông, tiếp tục phát triển làng nghề quê hương.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu chia sẻ, mục tiêu sắp tới tiếp tục mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, định hướng tới đưa công ty thành một DN tầm cỡ quốc gia, doanh thu mỗi năm tăng từ 10 - 15%. Thu nhập bình quân cho người lao động đạt xấp xỉ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Xây dựng thêm nhà xưởng mới và nâng số công nhân từ hơn 20 người thành cơ cấu tổ chức chuyên môn 50 người.

Năm 2023, UBND TP Hà Nội công nhận điểm du lịch Làng nghề giày da Phú Yên. Nắm bắt lợi thế đó, người dân và DN địa phương sẽ phát triển thêm mảng du lịch làng nghề, gia tăng trải nghiệm và mua sắm cho du khách. Hiện nay, cơ sở giầy dép Huy Hoàng do anh Nguyễn Mạnh Hiếu thành lập cũng là địa chỉ tham quan của nhiều đoàn khách, du khách. Ngoài chuyên môn sản xuất, anh Nguyễn Mạnh Hiếu có kế hoạch tổ chức các điểm du lịch trải nghiệm tại làng nghề đón khách tham quan, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống tới đông đảo du khách gần, xa.

Khác với anh Nguyễn Mạnh Hiếu là người con sinh ra và khởi nghiệp từ làng nghề thì đối với anh Ngô Quý Đức (SN 1985) là trường hợp đặc biệt. Sinh ra ở vùng ngoại ô Hà Nội, tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin nhưng anh Ngô Quý Đức có tình yêu cháy bỏng với sản phẩm thủ công truyền thống. Tên tuổi anh Ngô Quý Đức nổi tiếng với hành trình 18 năm rong ruổi khắp các làng nghề trong Nam ngoài Bắc với mục đích “hồi sinh” sản phẩm thủ công truyền thống đang có nguy cơ thất truyền.

Từ dự án đầu tay “My Hanoi” - thư viện trực tuyến về văn hóa, lịch sử Hà Nội, anh Ngô Quý Đức là người tiên phong đưa trò chơi dân gian xuống phố đi bộ Hồ Gươm vào những ngày cuối tuần. Những trò chơi ô ăn quan, nhảy dây, chơi chuyền… tạo không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách quốc tế. Những chuyến đi thực tế tại các làng nghề, tìm hiểu nguồn tư liệu cho thư viện trực tuyến về văn hóa Hà Nội, anh Ngô Quý Đức nhận thấy rõ thực trạng bất cập của nhiều làng nghề, sản phẩm nghề thủ công “ế” khách, thiếu đội ngũ trẻ kế cận… Luôn đau đáu với nghề truyền thống, anh Ngô Quý Đức đặt mục tiêu mình không thể đứng cuộc chơi này. Anh cũng là người khởi xướng chương trình du khảo làng nghề, khởi nguồn cho du lịch làng nghề được nhiều đơn vị lữ hành triển khai sau này. Năm 2017, anh Ngô Quý Đức vinh dự được TP Hà Nội trao danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô vì những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.

Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội
Các bạn trẻ tại tham gia workshop: "Cải tiến đồ chơi Trung thu với tư duy thiết kế mới" tại mô hình Phường Bách Nghệ. Ảnh: Q.Đ

Đón nhận danh hiệu cao quý càng tạo động lực cho hành trình say mê giữ lửa nghề truyền thống. Được trang bị kiến thức về công nghệ thông tin là hành trang giúp anh Ngô Quý Đức kết nối làng nghề với thị trường số, lan tỏa giá trị truyền thống. Năm 2020, dự án “Về làng” được thành lập sau nhiều năm ấp ủ.

Anh Ngô Quý Đức chia sẻ: “Dự án “Về làng” nhằm gìn giữ lại những giá trị văn hóa dân gian, văn hóa làng nghề, gìn giữ những nghề thủ công truyền thống của Việt Nam trong đời sống hiện đại ngày nay. Không chỉ vậy, dự án sẽ cùng với những người nghệ nhân, những người thợ thủ công có những hoạt động để lan tỏa, làm sống lại những sản phẩm tưởng chừng đã bị mai một. Các hoạt động hướng tới với đối tượng chính là trẻ em để giúp các em được tiếp cận, được hiểu về những giá trị truyền thống ngay từ bé. Điểm khác biệt, dự án “Về làng” sẽ tổ chức các chuyến đi trải nghiệm ở các làng nghề, tổ chức các buổi workshop ở các trường học, và sẽ dần có định hướng đưa các hoạt động dân gian, truyền thống vào trong các nhà trường”.

Kỳ 4: Mỗi người trẻ là “đại sứ” làng nghề Hà Nội
Các bạn nhỏ ở CLB vẽ sáng tạo Đất Bắc đến thăm quan triển lãm về nghề sơn ở mô hình Phường Bách Nghệ do anh Ngô Quý Đức khởi xướng. Ảnh: Q.Đ

“Đánh thức” làng nghề Hà Nội, anh Ngô Quý Đức và các cộng sự tiếp tục triển khai mô hình “Phường Bách Nghệ” năm 2024. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề qua các chuyên đề với mục đích tạo không gian kết nối giữa nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế, chuyên gia nghiên cứu, cùng chung tay phát triển các sản phẩm thủ công Việt đến cộng đồng.

Thời gian qua, mô hình “Phường Bách Nghệ” triển khai chuỗi hoạt động “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” trải nghiệm về quy trình, kỹ thuật khắc và in mộc bản của nghệ nhân làng Thanh Liễu; tham gia xưởng sáng tác tại phường: Dã liên gồm các hoạt động tương tác trưng bày nghề sơn, tìm hiểu về gốm, sơn mài, cắm hoa. Trong tháng 8/2024, workshop “Cải tiến đồ chơi Trung thu với tư duy thiết kế mới” nhận được sự tham gia hưởng ứng của rất nhiều bạn trẻ.

Trải qua quá trình đô thị hóa, nhiều làng nghề Hà Nội thiếu đội ngũ trẻ kế cận. Những tấm gương điển hình anh Nguyễn Mạnh Hiếu và anh Ngô Quý Đức được gọi tên là “đại sứ” làng nghề Hà Nội. Với tinh thần sức trẻ, dám nghĩ, dám làm đã “thắp sáng” làng nghề Hà Nội phát triển và hội nhập.

(còn nữa)

Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long” Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long”
Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ
Kỳ 3: Phát triển làng nghề số từ mô hình “phiên chợ điện tử” Kỳ 3: Phát triển làng nghề số từ mô hình “phiên chợ điện tử”

.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động