Cách tính số ngày điều trị và giá giường bệnh theo quy định mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tư số 39/2024/TT-BYT bổ sung hướng dẫn xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: Ngọc Tú |
Theo quy định mới, cách tính số ngày điều trị nội trú được chia thành hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, số ngày điều trị bằng ngày ra viện trừ ngày vào viện cộng thêm 1 ngày, áp dụng cho người bệnh tử vong trong quá trình điều trị nội trú, người bệnh diễn biến nặng và gia đình xin về hoặc chuyển viện, và người bệnh được chuyển viện sau giai đoạn cấp cứu. Trường hợp thứ hai, số ngày điều trị bằng ngày ra viện trừ ngày vào viện, áp dụng cho các trường hợp còn lại.
Đối với người bệnh vào và ra viện trong cùng ngày hoặc vào viện hôm trước ra viện hôm sau, nếu thời gian điều trị trên 4 giờ đến dưới 24 giờ sẽ được tính một ngày điều trị. Trường hợp vào khoa cấp cứu không qua khoa khám bệnh và có thời gian cấp cứu, điều trị từ 4 giờ trở xuống sẽ chỉ được thanh toán tiền khám bệnh, thuốc, thiết bị y tế và dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền giường bệnh hồi sức cấp cứu.
Về chuyển khoa điều trị, nếu người bệnh chuyển 2 khoa trong cùng ngày, mỗi khoa được tính 1/2 ngày. Khi chuyển từ 3 khoa trở lên trong một ngày, giá dịch vụ ngày giường được tính bằng trung bình cộng của khoa có mức giá cao nhất và thấp nhất trong số các khoa có thời gian nằm trên 4 giờ.
Thông tư quy định giá dịch vụ giường bệnh ngoại khoa và bỏng được áp dụng tối đa 10 ngày sau phẫu thuật, sau đó sẽ chuyển sang mức giá giường nội khoa. Khi người bệnh chuyển viện trong thời gian 10 ngày sau phẫu thuật, cơ sở tiếp nhận được áp dụng giá giường ngoại khoa, bỏng theo loại phẫu thuật đã thực hiện, với số ngày thanh toán bằng 10 ngày trừ số ngày đã điều trị tại nơi chuyển đi.
Về cách tính giá dịch vụ giường bệnh, nguyên tắc là một người một giường. Khi phải nằm ghép hai người một giường, mỗi người được thanh toán 1/2 mức giá. Nếu nằm ghép từ ba người trở lên, mỗi người được thanh toán 1/3 mức giá. Người bệnh nằm băng ca hoặc giường gấp được thanh toán 50% giá dịch vụ giường bệnh theo chuyên khoa.
Đối với các khoa điều trị lâm sàng có giường hồi sức cấp cứu như khoa Nhi có giường hồi sức cấp cứu nhi hoặc khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh thiếu tháng, giá dịch vụ ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu được áp dụng theo mức giá do cấp có thẩm quyền quy định. Trong trường hợp một phẫu thuật được phân loại khác nhau theo các chuyên khoa (trừ chuyên khoa Nhi), mức giá dịch vụ ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng sẽ được áp dụng theo phân loại phẫu thuật thấp nhất.
Thông tư cũng quy định về việc thay đổi quy mô giường bệnh theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP, theo đó bệnh viện được phép thay đổi quy mô giường bệnh của các khoa, phòng nếu mức thay đổi dưới 10% tổng số giường bệnh trong giấy phép hoạt động và không vượt quá 30 giường, đồng thời phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý trực tiếp.
6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/11/2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại