Kỳ 2: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững bức tranh được hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng sáng tạo từ nhựa. Ảnh: A.N |
Nâng cao trách nhiệm phân rác tại nguồn của các hộ gia đình
Ngoài việc vận động, khuyến khích hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện mô hình, các cấp Hội còn tổ chức các lớp dạy cách tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu dụng cho cuộc sống hàng ngày, các hội thi trưng bày sản phẩm tái chế... qua đó, nâng cao ý thức chống rác thải nhựa của hội viên, phụ nữ và tạo thói quen tốt trong việc phân loại, tái chế rác thải nhựa nhằm chung tay góp phần bảo vệ môi trường.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” của Chính phủ, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và TP Hà Nội phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp, ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong hệ thống Hội, đưa nội dung vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa vào nội dung thi đua của cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và gắn với các tiêu chí thi đua hàng năm.
Đồng thời, Thành Hội cũng chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi nilon, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi và lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ và nhân dân bằng những việc làm thiết thực.
Một trong những điểm sáng về mô hình tái chế rác thải nhựa tại Hà Nội là câu lạc bộ “Tình nguyện viên tuyên truyền vệ sinh môi trường thứ bảy, chủ nhật xanh” trên địa bàn xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Bà Tạ Thị Kim Chung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng cho biết, câu lạc bộ được thành lập 4 năm với sự tham gia thường xuyên của 60 hội viên.
Với công tác bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng thực hiện rất nhiều mô hình, như: Phân loại rác thải tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa, nhà sạch - vườn đẹp; đường hoa phụ nữ, đoạn đường xanh… Mô hình nào cũng thu hút đông hội viên tham gia.
Về mô hình Phân loại rác tại nguồn, thời gian đầu hoạt động, câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn nhưng các hội viên đều nỗ lực tuyên truyền cho người dân hiểu tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn để họ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Chương trình thu gom rác thải pin của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng. Ảnh: A.N |
“Thời gian đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi tâm lý của nhiều người dân vẫn nghĩ rác nào cũng là rác, cứ cho vào túi, vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định là được. Chúng tôi phải tuyên truyền cho họ hiểu phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Có những rác thải tồn lại rất lâu, gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống nếu không được xử lý đúng cách. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.
Để làm được điều đó, chúng tôi phân công 1-2 hội viên lòng cốt của mỗi xóm đến tận nhà người dân tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại và giám sát chặt chẽ. Nếu gia đình nào vi phạm, chúng tôi sẽ mang túi rác của họ đến tận nhà và giải thích họ đã phân loại sai và hướng dẫn lại. Những tháng đầu, công việc rất vất vả, nhiều người dân không hưởng ứng. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tuyên truyền với tinh thần trách nhiệm cao. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân sau đó cũng nhận thấy hội viên phụ nữ nhiệt tình, việc phân loại rác tại nguồn là cần thiết nên cũng hưởng ứng, việc phân loại rác tại nguồn của các gia đình cũng đi vào nề nếp” - bà Tạ Thị Kim Chung nhấn mạnh.
Chia sẻ về mô hình “Sức sống từ sản phẩm tái chế”, bà Tạ Thị Kim Chung cho biết mô hình thu hút 4/4 chi hội trên địa bàn tham gia. Các hội viên tích cực cắt tỉa hơn 200 sản phẩm nghệ thuật từ rác thải tái chế. Năm 2023, Hội tổ chức cuộc thi “Tranh sáng tạo từ rác thải tái chế”. Kết quả, Hội đã lựa chọn 18 bức tranh được sử dụng để tô điểm cho con đường bích họa tại thôn Thống Nhất.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng đã tổ chức xã hội hóa được hàng chục thùng phân loại rác; “nhà pin” để các chi hội thu gom rác thải từ pin, tổng trị giá hơn 50 triệu đồng. Hội viên phụ nữ cũng triển khai thu gom rác thải tái chế để gây quỹ từ thiện với số tiền thu được hơn 9,2 triệu đồng…
Là chi hội có số lượng hội viên ít nhất xã Song Phượng nhưng Chi hội Phụ nữ thôn Thống Nhất luôn là điểm sáng trong phong trào bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Chi hội có nhiều chị em làm thợ may, giáo viên mầm non nên rất khéo tay. Chi hội đã huy động những nguồn lực này tham gia mô hình tái chế. Những tác phẩm từ tranh vẽ, chậu trông hoa treo tường,… được sáng tạo đẹp mắt, mang lại cảnh quan đẹp cho đường làng ngõ xóm, đặc biệt là lan tỏa được thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người dân.
Những sản phẩm đẹp mắt được làm từ nhựa của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Song Phượng. Ảnh: A.N |
Nói không với rác thải nhựa
Mô hình “Tổ ngành hàng nói không với túi nilon” và Mô hình “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ” là hai mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội chỉ đạo triển khai thí điểm từ năm 2020. Hai mô hình đã thực hiện tốt các quy chế đề ra, các chị em tổ ngành hàng khô tại chợ Ngọc Hà đã thực hiện mô hình bán hàng bao gói bằng túi giấy, túi thân thiện với môi trường và tích cực vận động những người nội trợ hạn chế dùng túi nilon khi đi chợ và 95% cán bộ, hội viên chi hội phụ nữ số 2 phường Xuân La đã sử dụng làn đan bằng dây buộc hàng đi chợ hàng ngày. Đến nay, hai mô hình đã được nhân rộng triển khai tại 100% các chi hội phụ nữ dưới nhiều hình mới, tên gọi mới.
Trong những năm qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” được chị em phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì tích cực thực hiện. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì Đỗ Thị Thúy Hằng cho biết, nếu như trước đây, mỗi tháng Hội mua hàng trăm chai nước bằng nhựa thì nay, các hội viên thực hiện dùng chai thủy tinh chắt nước từ bình 20 lít, rồi rót vào cốc uống. Sau khi dùng, các chai thủy tinh được vệ sinh sạch sẽ để dùng cho những lần sau.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hằng, hoạt động này góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ và người dân về bảo vệ môi trường, đồng thời tiết kiệm được kinh phí, đặc biệt là đối với những xã, thị trấn có kinh phí hoạt động phong trào Hội còn khó khăn. Để triển khai đồng loạt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì đã trao tặng hàng nghìn bình nước thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần cho các cơ sở Hội và hội viên phụ nữ.
Bên cạnh Ba Vì, nhiều Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện của Hà Nội như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Thanh Trì,… cũng tích cực thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng việc dùng bình thủy tinh, bình xứ, bình inox đựng nước uống.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ nhiều quận, huyện trên địa bàn TP cũng tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa như quận Bắc Từ Liêm chung tay phòng, chống rác thải nhựa; quận Long Biên tổ chức hội thi “Tái chế rác thải nhựa”; quận Thanh Xuân tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”;… Các cấp hội phụ nữ cũng tổ chức các chương trình trưng bày gian hàng với những sáng kiến, sản phẩm xanh thay thế các sản phẩm nhựa, nilon... góp phần lan tỏa phong trào “Chống rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường.
Phụ nữ Thủ đô truyền thông pháp luật về an toàn giao thông | |
Kỳ 1: Phát huy vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền an toàn giao thông |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại