Kỳ 1: Xin nghỉ vì sợ không "trụ" được khi đại dịch kéo dài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng cán bộ y tế cơ sở thời gian qua đã chịu nhiều áp lực trong công việc do dịch Covid-19 (ảnh P.C) |
Trên 850 nhân viên y tế, bác sĩ tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển việc
Chị H, chia sẻ: Lúc ấy chứng kiến tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phức tạp với số ca mắc tăng cao, ca tử vong cũng nhiều, chúng em làm trong ngành y cũng rất lo lắng. Sự lo lắng càng cao khi đồng nghiệp của em bắt đầu nhiễm phải đi cơ sở thu dung, điều trị, em trở thành F1.
"Bây giờ thì F1 hay F0 là bình thường nhưng lúc ấy do chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin, lại chứng kiến nhiều ca tử vong nên gia đình em lo sợ em sẽ nhiễm và mang mầm bệnh về nhà cho bố mẹ già, con nhỏ. Sau đợt cách ly đấy em quyết định xin nghỉ việc bởi đi làm quá vất vả, mệt mỏi trong thời gian dài mà lại nguy hiểm", chị H, nói.
Cùng với chị H, cũng tại chính Trung tâm Y tế này có thêm 4 nhân viên y tế nữa đã xin nghỉ việc bởi quá tải công việc trong thời gian đại dịch, lại thêm có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chính họ và người thân.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, ngành y tế Thủ đô vừa phải tập trung mọi nguồn lực đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ. Do số lượng nhân viên y tế còn thiếu, các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm.
Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành. Điều này dẫn đến nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
Báo cáo sơ bộ của các đơn vị trong ngành y tế Hà Nội cho thấy: Năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1/2022 đến 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Liên quan tới vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP, báo cáo Thường trực HĐND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế của thành phố Hà Nội theo trình tự, thủ tục rút gọn.
UBND TP Hà Nội cho rằng, chế độ đãi ngộ thỏa đáng kịp thời là rất cần thiết cũng là việc cần sớm giải quyết để tri ân, ghi nhận, khích lệ, động viên đối với những đóng góp to lớn của lực lượng y tế. Đây là một giải pháp cơ bản, lâu dài, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân kể cả trong điều kiện không có dịch bệnh.
Nhiều nhân viên y tế tuyến cơ sở nghỉ việc dấy lên lo ngại khi bùng phát đợt dịch mới sẽ thiếu trầm trọng về nhân lực (ảnh P.C) |
Lực lượng cán bộ y tế cơ sở đã mỏng lại càng thiếu thốn
Chia sẻ về "làn sóng" nghỉ việc trong cán bộ, nhân viên y tế tại cơ sở, Trưởng phòng Y tế của một quận trên địa bàn Hà Nội thông tin: Đầu năm 2020 trên địa bàn quận có 5 người nghỉ việc. Năm 2021 có 7 người nghỉ. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 5 người nghỉ. Số lượng cán bộ, nhân viên nghỉ việc chiếm khoảng 10% trên tổng số cán bộ nhân viên y tế trên địa bàn. Chưa kể có 10 trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc nhưng được vận động, phân tích, động viên... nên họ đã đã rút lại đơn để cố bám trụ công việc, bám trụ cơ quan. Lực lượng này chủ yếu là bộ phận làm tại trung tâm y tế và trạm y tế.
Theo vị Trưởng phòng y tế này, nguyên nhân do họ bị stress, khủng hoảng. Trong thời gian đại dịch họ phải làm việc quá nhiều, sức khoẻ giảm sút, họ lo lắng không trụ lại được nếu dịch tiếp tục kéo dài. Bên cạnh đó là do chế độ đãi ngộ với tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. "Từ 2 lý do trên, họ lo lắng không đảm bảo sức khoẻ cũng như thu nhập cho gia đình. Trong điều kiện như vậy họ đã xin chuyển sang cơ sở y tế tư nhân để làm việc đảm bảo thu nhập, lương cao hơn và thoải mái hơn".
Lượng nhân viên y tế nghỉ việc nói trên khiến cho lực lượng cán bộ y tế tuyến cơ sở bị hao hụt, vốn đã mỏng nay càng trở nên thiếu thốn, ảnh hưởng đến đội ngũ nhân lực ở trạm y tế. Thêm điều bất hợp lý mà Trưởng phòng Y tế này chỉ ra là tịnh biên cán bộ được Bộ Y tế quy định ở xã phường trung bình từ 7-10 người. Quy định này chưa thật phù hợp mà nên theo quy mô dân số. Ví dụ quy mô dân số chỉ có 2 nghìn dân/1 cán bộ y tế, nếu phường có 30 nghìn dân thì phải 15 cán bộ y tế; 40 nghìn dân phải 20 cán bộ y tế ở trạm. Thực tế hiện nay có những phường 40-50 nghìn dân, thậm chí quận Hoàng Mai có những phường 80 nghìn dân, 100 nghìn dân mà cũng chỉ có 8-10 cán bộ y tế. Như vậy là không phù hợp. Vì vậy tối thiểu phải có 10 cán bộ y tế/trạm y tế và mức tăng theo số dân đảm bảo 2 nghìn dân/1 cán bộ y tế thì mới quản lý sức khoẻ người dân được.
"Lực lượng cán bộ y tế tuyến cơ sở vốn đã mỏng nay cán bộ y tế nghỉ thì lại càng trở nên thiếu thốn hơn. Nếu bây giờ dịch bùng phát như thời gian trước thì thiếu trầm trọng cán bộ y tế"-vị này bày tỏ lo ngại.
Được biết, Sở Y tế đã có tờ trình HĐND TP về việc hỗ trợ chế độ phụ cấp thêm cho cán bộ y tế cơ sở. "Theo tờ trình của SYT đề nghị HĐND TP nhanh chóng biểu quyết, thông qua Nghị quyết này để có hỗ trợ riêng cho cán bộ y tế ở cơ sở. Điều này cần làm ngay nhưng tôi cho rằng Nghị quyết cũng chỉ trong thời gian ngắn, muốn thay đổi lớn phải cấp vĩ mô, cấp Chính phủ. Cần có những quy định rất cụ thể đối với người làm việc tại y tế cơ sở phải được hưởng những chế độ như thế nào để phù hợp, thoả đáng để yên tâm công tác, làm việc lâu dài ở y tế cơ sở".
Còn nữa
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại