Thứ sáu 22/11/2024 11:17
Hàng loạt cán bộ, nhân viên y tế công lập nghỉ việc:

Kỳ 2: Cần thay đổi chính sách ngành y

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo phân tích của những người làm chính sách y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế khối công lập nghỉ việc, chuyển việc. Dịch Covid-19 chỉ là "giọt nước làm tràn ly" dẫn đến tình trạng xảy ra ồ ạt. Bởi vậy, muốn khắc phục cần tìm giải pháp, phải tạo sự hấp dẫn cho hệ thống y tế công.
Kỳ 2: Không thay đổi chính sách sẽ tiếp tục có 'làn sóng' nghỉ việc mới
Cán bộ y tế của BV Tuệ Tĩnh tụ tập, căng băng rôn yêu cầu BV trả lương, thực hiện đúng hợp đồng lao động hồi tháng 3/2022

"Làn sóng" nghỉ việc trong đại dịch Covid-19

Câu chuyện của ngành y tế Hà Nội chỉ là một trong số các địa phương đang diễn ra tình trạng cán bộ, nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua. Tại BV Đa khoa Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), từ tháng 1/2021 đến nay, toàn bệnh viện có 114 viên chức, người lao động (trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên) thôi việc, bỏ việc. Hiện tại có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết.

Ngoài ra, có 13 người khác đang xin nghỉ không lương; 6 người xin chuyển công tác. Nguyên nhân được xác định phần lớn do họ không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Tương tự tại BV Đa khoa Đồng Nai trong năm 2021 đã có hàng trăm nhân viên xin nghỉ việc, trong đó có khoảng 20 bác sĩ có kinh nghiệm. Mặc dù bệnh viện cũng tuyển dụng được 30 bác sĩ vào làm nhưng đây là những bác sĩ mới ra trường, để có được kinh nghiệm đòi hỏi phải mất một thời gian rất lâu.

Còn tại Gia Lai, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh, trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Trong đó riêng bác sĩ là 70 trường hợp. Cụ thể có 38 bác sĩ thôi việc, 12 bác sĩ nghỉ hưu. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ. Nguyên nhân bác sĩ, cán bộ y tế xin nghỉ việc chủ yếu là do áp lực công việc cao, trong khi đó chế độ đãi ngộ thấp.

Để khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế, cuối tháng 5/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam tập hợp các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức ngành y tế để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó có kiến nghị chính sách viện phi được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế.

Công đoàn ngành y tế Việt Nam cũng kiến nghị lương khởi điểm của bác sỹ tương đương bậc 2 là 2,67 do ngành y là một ngành, có cơ chế đào tạo đặc thù nhưng quy định hiện hành phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.

Ngoài ra, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã kiến nghị về chế độ thâm niên; nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Đặc biệt, kiến nghị chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù như Phong, Lao, Tâm thần, HIV/AIDS, Hồi sức cấp cứu, Giải phẫu bệnh...

"Đại dịch Covid-19 chỉ là giọt nước làm tràn ly"

Chia sẻ ý kiến về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho rằng, muốn biết được thực trạng của việc dịch chuyển nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân thì phải có đánh giá tổng thể xem họ chuyển từ BV nào: Đa khoa, chuyên khoa, trung ương, tỉnh hay địa phương, đâu là nơi chuyển nhiều nhất. Việc chuyển này ở chuyên khoa nào, có phải khoa "hot" như ngoại, giải phẫu thẩm mĩ, chuyên khoa sản...

Đồng thời, cần có đánh giá nữa là lứa tuổi của các y, bác sỹ, nhân viên y tế chuyển ra ngoài. "Nếu lứa 40 đã chững chạc về nghề nghiệp mà họ chuyển đi thì rất lo ngại". Hay cần xem xét xem có lãnh đạo chuyển không, từ cấp lãnh đạo khoa trở lên, chuyển đi đâu; Có những đối tượng đâu là bác sỹ, đâu là kỹ thuật viên, đâu là điều dưỡng... Phải phân tích, khảo sát kỹ.

Cùng đó, tìm hiểu xem khi chuyển ra ngoài thì họ làm thuê hay mở phòng mạch riêng, hay chuyển ra ngoài vì áp lực công việc mà bỏ ngành y đi tìm công việc khác. "Chỉ đến khi nắm được nội hàm thực trạng sâu sắc thì mới có thể đánh giá hết được mức độ của vấn đề này, từ đó mới dễ dàng tìm ra nguyên nhân", ông Nguyễn Huy Quang nói.

Kỳ 2: Không thay đổi chính sách sẽ tiếp tục có 'làn sóng' nghỉ việc mới
Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho rằng cần có giải pháp lâu dài để tăng sự hấp dẫn của hệ thống y tế công lập (ảnh P.C)

Tuy nhiên, phân tích từ các trường hợp cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian qua, theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế có khá nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do thu nhập thấp. Đây là điều đương nhiên, bởi nhiều người có mức lương 4-5 triệu đồng thì không bằng bà giúp việc 7-10 triệu đồng, không bằng ông thợ hồ. Trong khi đó 1 bác sỹ để có tay nghề ra trường làm việc thì ít nhất phải có chục năm học. Vào lứa tuổi ấy đã 30-35, họ phải có con cái, chăm lo cho gia đình, mức lương 5-7 triệu đồng không giải quyết được vấn đề để họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến.

Nguyên nhân thứ 2 là liên quan đến áp lực công việc và an toàn nghề nghiệp. Làm ở khu vực y tế công áp lực công việc lớn nhưng khe khẽ tí là bị đánh, chửi, xúc phạm thậm chí đe doạ tính mạng, sức khoẻ. Tuy vậy cơ chế bảo vệ họ như thế nào thì tôi nghĩ không có điều kiện bảo đảm.

Thứ 3 là đáng ra họ phải được làm nghề nhưng do thiếu thuốc, trang thiết bị nên họ bất lực. Vì không có điều kiện tối thiểu đó nên dẫn tới tình trạng họ không có khả năng để cống hiến cho nghề nghiệp của mình. Yêu ngành, yêu nghề phải có điều kiện sẵn, trong khi đó chuyển ra tư nhân thì họ cần cái là được cung cấp ngay thiết bị máy móc, đáp ứng đầy đủ nên cũng thuận lợi hơn.

Thứ 4 là điều kiện và môi trường làm việc. Họ làm việc trong môi trường có áp lực lớn như thế nhưng lại không được động viên, đánh giá đúng mức, kịp thời thì rõ ràng người ta chuyển ra ngoài vì được đánh giá đúng năng lực. Mà khi đánh giá đúng năng lực thì được lương, các chế độ khác cao hơn. Điều kiện làm việc cũng tốt hơn.

Thứ 5 là điều kiện học tập. Khi làm ở khu vực công họ muốn đi học phải chờ lần lượt, phải đáp ứng các yêu cầu mà bản thân họ bao giờ cũng muốn nâng cao kỹ năng thực hành y khoa. Trong khi đó, ở hệ thống tư nhân nếu muốn đi học sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, miễn là sau này anh về phục vụ cho chính nghề nghiệp của anh.

Nguyên nhân tiếp theo là liên quan đến khả năng thăng tiến, ở bệnh viện công muốn làm trưởng phó khoa phải đi học chuyên viên cao cấp, lý luận chính trị, ngoại ngữ, trong diện quy hoạch... mới được lên chức. Trong khi đó ở bệnh viện tư nhân chỉ cần có tay nghề, kỹ năng y khoa, có người bệnh, có uy tín là được bổ nhiệm.

Nguyên nhân nữa là cơ chế bệnh viện tự chủ, tiền giá tính cả vào tiền lương, nếu bệnh viện không tự chủ được thì tiền lương giảm đi, thua nhập tăng thêm cũng giảm thì hệ thống y tế công không có sức hấp dẫn nữa.

"Có nhiều nguyên nhân chứ không phải nguyên nhân về tiền lương. Và áp lực lớn nữa là qua đại dịch vừa rồi bao nhiêu công việc vất vả nhưng chế độ phụ cấp đến giờ nhiều nơi chưa được thanh toán nên họ thấy không an toàn, không có động lực để làm việc nên bỏ ra ngoài thôi. Có nhiều nguyên nhân, dịch Covid là giọt nước làm tràn ly", ông Nguyễn Huy Quang nhận định.

Theo ông Huy Quang, muốn giải quyết tình trạng này thì phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhưng giải pháp gì thì đi nữa mà không thay đổi hệ thống tổ chức này, không tăng sức hấp dẫn của hệ thống quản trị công thì không giữ chân được đội ngũ cán bộ nhân viên y tế.

Theo Trưởng phòng Y tế của một quận trên địa bàn Hà Nội, nếu cơ chế chính sách không thay đổi thì sẽ tiếp tục có làn sóng nghỉ việc của cán bộ nhân viên y tế trong hệ thống công lập. Lý do vì thấy người ra trước tham gia y tế tư nhân có thu nhập cao, lương cao thì người ở lại cũng dao động và muốn ra ngoài.

Vì vậy, ông nhấn mạnh: "kiến nghị khẩn thiết bây giờ là cần có chế độ chính sách đãi ngộ xứng tầm để níu chân cán bộ y tế lại để họ làm cho y tế cơ sở. Chính phủ cần có những quy định cụ thể đối với người làm việc tại y tế cơ sở. Họ phải được hưởng những chế độ như thế nào để phù hợp, thoả đáng để yên tâm công tác, làm việc lâu dài ở y tế cơ sở.

Cùng đó, để tiếp tục thu hút cán bộ y tế về cơ sở thì chính thay đổi này sẽ thu hút được đội ngũ sinh viên mới ra trường. Đa số sinh viên mới ra trường không muốn về y tế cơ sở mà muốn làm ở bệnh viện lớn, ở thành phố chứ không muốn về trạm y tế phường hay trung tâm y tế để làm việc. Chính thay đổi này vừa giữ chân người cũ vừa hướng tới thu hút người mới, hấp dẫn người mới".

Kỳ 1: Xin nghỉ vì sợ không Kỳ 1: Xin nghỉ vì sợ không "trụ" được khi đại dịch kéo dài
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động