Thứ hai 25/11/2024 21:08

Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong vòng 1 năm rưỡi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.
Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong vòng 1 năm rưỡi
Trong dịch Covid-19 nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã làm việc với áp lực, cường độ cao gấp nhiều lần bình thường (ảnh minh hoạ)

Tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6; 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3-Quốc hội khoá XV diễn ra ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; Chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu;

Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay. Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng. Đồng thời môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...

Trước tình hình này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40%-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Trước đó, cuối tháng 5/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam tập hợp các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức ngành y tế để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó có kiến nghị chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế.

Công đoàn ngành y tế Việt Nam cũng kiến nghị lương khởi điểm của bác sỹ tương đương bậc 2 là 2,67 do ngành y là một ngành, có cơ chế đào tạo đặc thù nhưng quy định hiện hành phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.

Ngoài ra, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã kiến nghị về chế độ thâm niên; nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Đặc biệt, kiến nghị chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù như Phong, Lao, Tâm thần, HIV/AIDS, Hồi sức cấp cứu, Giải phẫu bệnh...

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc Bộ Y tế yêu cầu báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc
Kỳ 1: Xin nghỉ vì sợ không Kỳ 1: Xin nghỉ vì sợ không "trụ" được khi đại dịch kéo dài
Kỳ 2: Cần thay đổi chính sách ngành y Kỳ 2: Cần thay đổi chính sách ngành y
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động