“Khát vọng cống hiến - lẽ sống thanh niên” của chàng sinh viên khuyết tật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLã Minh Trường cùng các thanh niên tiêu biểu đã mang tới những câu chuyện nhân văn, truyền cảm hứng |
Đây là dịp để tuổi trẻ Thủ đô nhìn lại chặng đường 15 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 25 và 2 năm thực hiện Kết luận 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05; ghi nhận, đánh giá, biểu dương những cách làm hay, mô hình mới, phần việc sáng tạo, câu chuyện lan tỏa trong cộng đồng.
Trong khuôn khổ Chương trình, Ban tổ chức đã khen thưởng 25 tập thể có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 25 và 25 tập thể có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Kết luận 01; tuyên dương 69 "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2023.
Các “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” tiêu biểu đã mang tới những câu chuyện nhân văn, truyền cảm hứng, mang lý tưởng và lẽ sống của tuổi trẻ Thủ đô thời đại mới cùng tinh thần xung kích, sáng tạo qua các mô hình, phần việc sáng tạo và ý nghĩa cho cộng đồng.
Đó là sinh viên Lã Minh Trường (Phó Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Công tác xã hội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội), thị lực chỉ 1/10, từng có khoảng thời gian muốn tạm biệt ước mơ học tập bởi những rào cản về đôi mắt kém. Nhưng bằng nghị lực, khát vọng mãnh liệt chiến thắng bản thân, Trường hiện là sinh viên năng động của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và sở hữu bảng thành tích đáng nể với hàng chục tấm huy chương danh giá quốc tế và trong nước.
Minh Trường hiện sở hữu 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng ở cuộc thi quốc tế “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu cho thanh thiếu niên khuyết tật; 13 Huy chương Quốc gia về Công nghệ thông tin, Thể thao Cờ Vua của người khuyết tật.
Trường cũng là 1 trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022; là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022.
Trường kể, bạn sinh ra với căn bệnh đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu, mắt của Trường chỉ còn lại một phần thị lực rất nhỏ. Thị lực của mắt rất kém nên Trường phải gắn liền với chiếc kính. Thời gian đầu Trường chưa làm quen được với việc đeo kính nên gặp rất nhiều khó khăn khi học tập. Không nhìn được chữ trên bảng nên phải chú tâm nghe thầy cô giảng hoặc nhờ bạn bè đọc để viết bài. Điều này đã từng khiến Trường tự ti, mặc cảm về bản thân.
Thậm chí, có lúc Trường cảm thấy mọi cánh cửa đã đóng lại. Tuy nhiên, với sự quan tâm, yêu thương của gia đình, sự hỗ trợ nhiệt của thầy cô, bạn bè cùng với những ưu đãi về chính sách giáo dục của địa phương chàng trai trẻ đã dần thay đổi suy nghĩ. Đặc biệt, khi được học chữ nổi (chữ Braille) có những trải nghiệm xa nhà, gặp các bạn khuyết tật cùng trang lứa, Trường nhận ra: “Mình không mất tất cả mà còn may mắn hơn nhiều người khác”.
Năm 11 tuổi, Trường được gia đình đưa lên Hà Nội theo học tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Suốt 10 năm học tập xa nhà, Lã Minh Trường từ một cậu học sinh khuyết tật đã tích cực học chữ Braille, học kiến thức, rèn luyện ý chí vươn lên và luôn là học sinh giỏi ở các cấp học.
Những khó khăn đã trở thành động lực giúp Trường nỗ lực vươn lên từ một người viết chậm, chữ rất xấu thành học sinh giỏi. Trong ba năm học tại trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), chàng trai trẻ vượt qua vòng sơ loại và được cử tham gia đội tuyển học sinh giỏi Lý, Hoá của trường. Lớp 12, Trường quyết định viết đơn tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2020 và đạt 25,25 điểm (9 Toán, 8.5 Lý, 7.75 Hoá) và trở thành sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Trong năm 2018 tại Ấn Độ và năm 2019 tại Hàn Quốc, Trường tham gia cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu cho thanh thiếu niên khuyết tật và đoạt 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Năm học 2021-2022, Trường gần đạt điểm tuyệt đối trong học tập với 3.96/4.00 điểm tại ĐH Sư phạm Hà Nội; đạt giải Nhì giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp trường, danh hiệu Sinh viên khoẻ cấp TP...
Vốn đam mê các môn học tự nhiên, từng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi cả 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học, nhưng do được tiếp xúc với bạn bè khuyết tật trong nước và quốc tế, cảm thấy người khuyết tật trong nước chưa được tiếp cận đầy đủ các quyền cơ bản, vì vậy, Trường từ bỏ ngành học yêu thích về kinh tế hoặc sư phạm toán để thực hiện ước mơ đem lại cơ hội phát triển bình đẳng cho người khuyết tật và theo học Khoa Công tác xã hội (trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Ngoài học tập, chàng trai trẻ tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, điều phối, tổ chức và tham gia gần 20 chiến dịch, dự án xã hội xoay quay các vấn đề về người khuyết tật, bình đẳng giới, môi trường…
Hiện tại, Trường đang là sinh viên năm thứ 4, là Phó Bí thư Liên chi đoàn; Chủ nhiệm CLB Sự kiện; Phó Chủ nhiệm CLB Học thuật và Nghiên cứu Khoa Công tác xã hội; Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội. Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Lã Minh Trường hào hứng cho biết, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục những công việc vì cộng đồng, Trường còn mong muốn trở thành một diễn giả truyền cảm hứng hoặc một nhà vận động về quyền và chính sách cho những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Ngoại hình dị biệt càng khiến chàng sinh viên có thêm nghị lực | |
Chàng sinh viên cảnh sát “ôm” cánh tay bị thương đi hiến máu | |
Chàng sinh viên được ví như “Lục Vân Tiên” thời hiện đại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại