Người phụ nữ với khát vọng cống hiến từ mô hình “nông nghiệp 4.0”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChân dung bà Đặng Thị Cuối trong buổi lễ vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022. Ảnh Vi Giáng |
16 năm khởi nghiệp
Từng có gia cảnh khó khăn, vợ chồng bà Đặng Thị Cuối và ông Nguyễn Đăng Quý phải lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) để thoát nghèo. Những năm tháng làm công nhân ở trang trại rau sạch, tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, bà Cuối nảy ý tưởng khởi nghiệp, ấp ủ ước mơ phát triển trồng rau sạch hữu cơ tại quê hương Đan Phượng (Hà Nội).
Sau khi kết thúc khóa tự học nghề trồng sau sạch, trở về nước với số vốn khởi nghiệp 500 triệu đồng, vợ chồng bà Cuối đã đầu tư xây dựng một khu nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.360m2 của gia đình. Kể về ngày đầu khởi nghiệp, bà Cuối cho biết, những lứa rau thu hái đầu tiên mang ra chợ đều phải mang về vì nhìn mớ rau non, xanh mướt, nhiều người nghi ngại sợ bị phun thuốc kích thích. Thay vì bán, bà Cuối đem tặng cho bà con ăn thử. Nhận thấy chất lượng rau sạch, ngon, người dân tin tưởng đã tìm đến tận vườn để mua.
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn ám ảnh bữa cơm gia đình, vợ chồng bà Cuối đã mạnh dạn thuê thêm đất canh tác, thành lập HTX sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) với 9 thành viên, trên tổng diện tích canh tác 5ha. Bên cạnh mở rộng diện tích canh tác, đồng thời đầu tư xây dựng hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động. Đến nay, trang trại HTX Cuối Quý phát triển với tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ.
Từ kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đi xuất khẩu lao động, bà Cuối chia sẻ cho các hội viên HTX trồng rau theo phương pháp hữu cơ. Hình thức canh tác độc đáo “5 không”: Không phun thuốc diệt cỏ; Không phân bón hóa học; Không thuốc bảo vệ thực vật; Không kích thích tăng trưởng; Không giống biến đổi gen.
Ngoài canh tác các loại rau theo mùa, HTX còn trồng đa dạng các loại rau củ trái mùa, có giá trị kinh tế cao như su hào, măng tây, bông hẹ, cải bắp tí hon…
Nhờ áp dụng công nghệ 4.0, sản lượng rau bình quân 1 tháng thu 5 - 6 tấn rau sạch, giá bán bình quân 40.000-50.000 đồng/kg, doanh thu đạt 150 triệu đồng/sào. Trung bình sản lượng hằng năm đạt từ 50-80 tấn rau quả các loại, cho doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm. Nhiều sản phẩm của HTX đã được TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Chất lượng rau sạch được người dân tin tưởng, có thời điểm nguồn cung không đủ cầu.
Viết câu chuyện người “nông dân mới”
Việc phát triển mô hình trang trại rau sạch hữu cơ, vợ chồng bà Cuối không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên, thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng và 40-60 lao động thời vụ có thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, bà Cuối còn tích cực phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho 100 lao động gồm các hộ trong xã và ngoài địa phương đến tham quan học tập, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ ở các tỉnh có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ.
Thời gian qua, bà Cuối hỗ trợ giúp đỡ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Đến nay một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định phát triển đời sống.
Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bà Cuối đã tham gia kết nối hỗ trợ nông sản, tiêu thụ giúp hội viên 8 tấn đu đủ, 7 tấn rau củ quả và ủng hộ 2 tạ rau củ các loại cho bếp ăn hỗ trợ lực lượng trực chốt.
Sau 16 năm khởi nghiệp, thương hiệu rau sạch hữu cơ Cuối Quý đã có mặt tại chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm, 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, 6 chợ đầu mối trong vùng và nhiều cơ sở thực phẩm rau an toàn khác tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình,…
Định hướng thời gian tới, bà Cuối mong muốn HTX sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý sẽ thuê thêm đất để trồng dâu tây, cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng. Đồng thời xây dựng mô hình nông trại kết hợp du lịch sinh thái cho các gia đình và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hiện tại khó khăn về vốn đang kìm hãm sự phát triển của HTX. Bà Cuối bày tỏ, Liên minh HTX các cấp và chính quyền địa phương nhìn nhận về tính hiệu quả của mô hình và tiếp sức cho HTX phát triển.
Tấm gương điển hình của bà Đặng Thị Cuối đã viết tiếp câu chuyện về người “nông dân mới”, về khát vọng cống hiến, tiếp nối truyền thống phụ nữ “3 đảm đang” – danh hiệu Bác Hồ đã phong tặng cho phụ nữ Đan Phượng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với nhiều thành tích tiêu biểu, bà Đặng Thị Cuối đã được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen năm 2017; Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen năm 2018; Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020. Vinh dự là Đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” toàn quốc. Đạt danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020; Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại