Thứ bảy 23/11/2024 12:10

Nữ Thầy thuốc ưu tú với niềm vui được cống hiến hết mình cho công việc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhìn đồng nghiệp được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, chị Nhàn thầm nghĩ “Có lẽ cả đời mình không bao giờ được nhận vì tiêu chí cao”. Và một ngày chị hạnh phúc khi chính mình được vinh danh bởi những kết quả xuất sắc trong công việc. Chị chia sẻ: “Khi làm việc tôi không nghĩ làm để được bao nhiêu tiền mà thấy có hiệu quả thì rất vui. Cứ cho đi thì sẽ được nhận lại thôi”.

Là phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế-sức khỏe, tôi đã có dịp biết Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nhàn-Thầy thuốc ưu tú, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) qua những lần chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch không khói thuốc. Thế nhưng khi trò chuyện, chia sẻ với chị về những suy nghĩ khi làm việc, cống hiến tôi càng thêm hiểu lý do để một người làm công việc thầm lặng như chị được tôn vinh.

Thầm lặng, miệt mài với công việc y tế dự phòng

Tốt nghiệp chuyên khoa Y tế dự phòng tại Đại học Y Hà Nội, ThS-Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nhàn, SN 1973, đã trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội; Phòng Nghiệp vụ y-Sở Y tế Hà Nội; Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm và điểm dừng chân hiện nay là Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm.

Trong khi bạn bè cùng lớp làm bác sỹ khám bệnh trực tiếp, nhiều người thành đạt làm lãnh đạo cấp Cục, nhưng suốt 24 năm công tác (từ năm 1997) chị Nhàn luôn vui với công việc thầm lặng của mình. Chị chia sẻ, khi làm thấy công việc của mình có hiệu quả thì rất vui. “Mọi người cứ nghĩ làm nhiều thì có nhiều tiền nhưng thực tế công việc của tôi không nhiều tiền nhưng tôi thấy công việc của mình không vô ích nên yêu thích”.

Đó là vào năm 2010, lúc đó nghiên cứu khoa học của Sở Y tế còn tản mạn ở các BV mà không có định hướng ngành phát triển, chị Nhàn đã tham mưu cho lãnh đạo Sở quy tụ về 1 mối để xác định mũi nhọn. Sau đó mọi công việc được triển khai, đề tài được duyệt ở cấp Sở, rồi hội nghị nghiên cứu khoa học được tổ chức… Mọi việc rất bài bản. “Tôi thấy việc mình làm nhỏ như con kiến xây từng viên gạch nhưng ảnh hưởng đến toàn ngành nên rất thích chứ không phải vì tiền. Nay công việc cũng thế, mình làm thấy có hiệu quả, thấy thay đổi thì rất vui, thích chứ không phải làm để được bao nhiêu tiền”, Chị Nhàn bộc bạch.

Với niềm vui được cống hiến hết mình cho công việc vì hiệu quả chung đó, trong 9 năm làm ở Sở Y tế chị Nhàn đã làm việc không ngừng nghỉ. “Thời gian đó hầu như tôi không nghỉ phép, không có Thứ Bảy, Chủ nhật. Tất cả mọi anh chị em đều như thế. Nhất là năm 2008 khi thực hiện quy hoạch sáp nhập Hà Tây với Hà Nội phải đi hướng dẫn cơ sở thực hiện chuẩn quốc gia y tế. Diện tích rộng hơn nhiều nên có những ngày chúng tôi đi Ba Vì buổi sáng, trưa về Sơn Tây tối quay về cơ quan giải quyết nốt công việc”.

Nữ Thầy thuốc ưu tú với niềm vui được cống hiến hết mình cho công việc

ThS-Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nhàn dự Hội nghị của Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) tháng 11-2019 để chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch không khói thuốc tại quận Hoàn Kiếm (ảnh NVCC).

Rồi đợt lũ lịch sử năm 2008 với dịch bệnh đau mắt đỏ hoành hành; tiếp đó là dịch tả kéo dài tháng rưỡi, chị Nhàn cùng đồng nghiệp phải ăn uống ngay tại cơ quan, quay cuồng với việc làm văn bản, tổng hợp báo cáo… Giữa rối bời công việc, chị Nhàn đã bố trí việc chăm con, đưa đón con đi học bằng cách mỗi tuần đi chợ 1 lần, về sơ chế/chia sẵn các bữa ăn đóng hộp cất tủ lạnh. Buổi sáng chị lại dậy sớm nấu nướng sẵn, chiều đón con từ trường đưa đến lớp học thêm, còn mình lại quay về cơ quan làm việc. Tối đến khoảng 20-21g, chị lại đón con về nhà ăn tối… Cứ như vậy chị bảo “không biết ngày ấy xoay xở thế nào rồi cũng qua, nhưng cứ vào guồng làm là cứ làm chứ không nghĩ làm sẽ được gì”.

Quá trình làm việc miệt mài của chị đã được ghi nhận, chị được nhận rất nhiều Bằng khen của UBND TP Hà Nội và Bộ Y tế về lĩnh vực đảm bảo ATTP, mô hình nhà hàng không khói thuốc, phòng dịch Covid-19… Những thành tích này đã giúp chị “tích cóp thành vốn” để đủ điều kiện phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú-một danh hiệu mà chị “không bao giờ nghĩ sẽ có được vì tiêu chí cao”. Nhưng với chị, làm việc để cống hiến và vui vì hiệu quả chứ không phải làm để được các danh hiệu đó. “Khi vào việc thì cứ cuốn vào làm, tôi không nghĩ sẽ nhận được gì. Cứ cho đi thì sẽ được nhận lại thôi”, chị Nhàn bộc bạch.

Sáng kiến trong thực hiện mô hình nhà hàng, khách sạn không khói thuốc

Một trong những kết quả đột phá mà Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nhàn tạo nên chính là triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch không khói thuốc; chấn chỉnh, cải thiện và đưa vào nề nếp trong quản lý vấn đề ATTP trên địa bàn.

Năm 2018 khi tiếp nhận vị trí Trưởng Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, chị được lãnh đạo quận giao nhiệm vụ phải nâng cao chất lượng quản lý vấn đề ATTP lên vì Hoàn Kiếm là quận có thu nhập chính từ dịch vụ du lịch nên vấn đề ATTP phải đặt lên hàng đầu. Bắt tay vào công việc, chị đã nhìn ra những vấn đề còn thiếu và chưa hoàn thiện. Chị đã huy động chính quyền các phường vào cuộc thông qua phong trào thi đua. Với đơn vị nào thực hiện tốt, ngay lập tức chị đề xuất lãnh đạo quận khen thưởng. Sau 1 năm quyết liệt thì quận Hoàn Kiếm từ vị trí thứ 16/30 quận huyện đã vượt lên đứng thứ 2/30 quận huyện trong các tiêu chí chấm điểm ATTP (cấp giấy, xử phạt, khám sức khỏe…). Khi đã tạo được bứt phá, chị lại đề xuất UBND quận khen thưởng với các phường làm tốt, chỉ khen đại diện 1-2 đơn vị.

“Sau một năm, công tác khen thưởng bắt đầu đi vào nề nếp, tạo nên phong trào thi đua mạnh mẽ giữa các đơn vị. Đơn vị nào được khen thì lại tính điểm cho lãnh đạo địa bàn nên các phường vào cuộc tích cực, quyết liệt”, chị Nhàn tiết lộ bí quyết.

Tuy nhiên, khi nói về thành công đó, chị Nhàn khiêm tốn: Những kết quả đó nhờ lãnh đạo quan tâm thì mới làm, mới triển khai được, bên cạnh đó là các phường cũng phối hợp nên mình mới hoàn thành nhiệm vụ.

Luôn đề cao vai trò phối hợp của các lực lượng trong công việc chung, chị Nhàn cho biết, để mô hình Nhà hàng, khách sạn không khói thuốc trên địa bàn trở thành mô hình điểm, được Bộ Y tế đánh giá cao cũng không phải chỉ bởi vai trò của cá nhân mình. “Ngoài việc cơ quan chuyên môn nhiệt tình thì lãnh đạo quyết liệt, các ngành khác vào cùng”.

Ở Hoàn Kiếm có công an, Trung tâm Y tế đi cùng thường xuyên. Khi đi thi hành pháp luật, thấy bóng dáng công an thì hiệu quả hơn, có người chống đối không nộp phạt, hiệu quả không cao thì lúc đó công an vào cuộc đôn đốc. Từ quận xuống phường, với các trường hợp không tuân thủ thì lực lượng công an đều phối hợp giám sát chặt chẽ tại cơ sở vi phạm đó. Nhờ vậy hiệu quả công việc cao.

“Không phải tự mình hay, mình giỏi mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, đơn vị nên Hoàn Kiếm đã thắng lợi trong mô hình này. Đặc biệt, khi bên công an kiểm tra phát hiện sai phạm liên quan đến lĩnh vực y tế gọi điện sang thì chúng tôi cũng hỗ trợ nhiệt tình. Trong công việc chung cần hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ mang lại hiệu quả lâu dài”, bác sỹ Nhàn bày tỏ.

Nữ Thầy thuốc ưu tú với niềm vui được cống hiến hết mình cho công việc
Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nhàn (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn kiểm tra làm việc tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn về thực hiện mô hình không khói thuốc (ảnh N.H)

Khiêm nhường là vậy nhưng để mô hình Nhà hàng, khách sạn không khói thuốc mang lại hiệu quả, thành công như vậy cũng không thể không nói đến cách làm sáng tạo của người đứng đầu. Bí quyết của bác sỹ Nhàn chính là đánh vào lợi ích của các cơ sở kinh doanh.

Thời gian đầu cùng với việc tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, mời chủ một số nhà hàng, khách sạn đến dự và vận động họ ký cam kết. “Lúc đầu hơn 180 cơ sở được mời lên nhưng chưa đến 1 nửa ký cam kết. Sau khi ký cam kết, chúng tôi đã hỗ trợ cung cấp các tấm pano, biển cấm hút thuốc… cho đơn vị đó, đồng thời đi kiểm tra nơi khác và xử phạt thật nghiêm. Đầu tiên sử dụng chế tài luật ra bắt buộc phải làm nhưng sau họ thấy khách ủng hộ đó là hành vi văn minh thì dần dần hình thành thói quen”.

Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức gắn biển “không hút thuốc” với chứng nhận ATTP cho nhà hàng, treo biển đẹp tại cổng đón tiếp cả tiếng Anh và tiếng Việt. “Người nước ngoài đến thấy cơ sở này đã được chứng nhận nên khách rất thích vì thấy cửa hàng có uy tín. Việc này gắn liền với lợi ích nên các chủ cơ sở thích và tham gia hiệu quả. Nếu chỉ chứng nhận khói thuốc sẽ gây ra sự đối phó nhưng kèm theo chứng minh về sạch sẽ, TP an toàn thì họ sẽ tham gia”, chị Nhàn tiết lộ.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, khi mọi thứ trở thành ý thức, thành thói quen thì sẽ có sự lan tỏa. Cho đến nay, đã có hơn 90% nhà hàng, khách sạn trên địa bàn ký cam kết thực hiện “không khói thuốc” và chấp hành thực hiện. Thậm chí quận chỉ tổ chức ký cam kết với cơ sở sản xuất lớn (nhà hàng từ 50 khách trở lên và khách sạn 3 sao trở lên) nhưng các quán cà phê nhỏ hiện cũng cũng thực hiện, yêu cầu khách hút thuốc ra ngoài. Trong dịch Covid-19, nhiều khách sạn đóng cửa nhưng cơ sở nào mở cửa vẫn duy trì tốt không khói thuốc. Điều này cho thấy việc thực hiện đã trở thành thói quen, thành ý thức tự thân của các chủ cơ sở.

Câu chuyện với nữ bác sỹ này mỗi lúc thêm thú vị khi tôi được nghe chị chia sẻ về cách làm việc, về quan niệm làm việc của chị. Ở chị tôi luôn thầy nguồn năng lượng tích cực, sự cống hiến miệt mài cho công việc mà không đòi hỏi “để được gì”. Những điều chị đã trải qua và gặt hái ngày hôm nay khiến tôi nhớ đến câu danh ngôn: “Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp”.

Đúng vậy, trong cuộc sống khi chúng ta làm việc hết mình, cống hiến hết mình thì mọi điều tốt đẹp sẽ tìm đến!. Đó là cũng là quy luật nhân-quả thông thường trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động