Hơn 6.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP HCM
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênRiêng trong ngày26 và 27-7 đã có gần 150 thầy thuốc tinh nhuệ ở các bệnh viện trung ương như Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản... đã lên đường vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Cụ thể: đợt 1, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 3.671 người, gồm: 612 bác sĩ, 1362 điều dưỡng, 68 kĩ thuật viên và 1.629 sinh viên.
Đợt 2, TP tiếp nhận 289 người, gồm: 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kĩ thuật viên.
Số nhân lực này, hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc: điều trị bệnh nhân Covid nặng, các bệnh viện thu dung dã chiến và các địa phương phục vụ công tác truy quét, xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ngoài lực lượng chi viện trên, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng kí và đang chờ lệnh, sẵn sàng có mặt tại TP Hồ Chí Minh sớm nhất có thể.
Đối với đối tượng đăng kí tham gia tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hôm nay con số lên tới 2.154 người (tăng 76 người so với ngày 26-7). Lực lượng này cũng đang được Sở y tế kịp thời sắp xếp, phân bổ về các địa phương có nhu cầu để cấp tốc hỗ trợ các quận, huyện trong hoạt động phòng, chống dịch.
Trong ngày 26 và 27-7, gần 150 y, bác sĩ, kỹ thuật viên của 5 bệnh viện tuyến Trung ương gồm các BV: E, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Da liễu Trung ương và Phụ sản Trung ương lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp sức đồng đội điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nhận quyết định của BV E cử tham gia đội chi viện TP Hồ Chí Minh, BS. Trần Nam Chung- Phó Trưởng khoa cơ xương khớp, cho hay anh cũng giống như nhiều thầy thuốc trong bệnh viện, anh đã chuẩn bị kiến thức y khoa, cập nhật và bổ sung quy định, phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 thông qua các buổi tập huấn của bệnh viện, Bộ Y tế.
Cùng với BS. Chung, có 45 y, bác sĩ (gồm 15 bác sĩ và 30 điều dưỡng viên) của Bệnh viện E. Họ sẽ lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp sức chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức… Các thầy thuốc này hiện đang công tác tại nhiều khoa như tim mạch, gây mê hồi sức, gây mê hồi sức tích cực, ngoại tim mạch...
Đoàn công tác của BV Nội tiết Trung ương đã tổ chức lễ xuất quân tiễn 33 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên lên đường vào hỗ trợ BV Dã chiến TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 trong chiều 26-7 và ngày 27-7 cả đoàn lên đường "Nam tiến". Tất cả các thành viên trong đoàn đều đã được tiêm vắc-xin Covid-19.
Tối 26-7, đoàn công tác của BV Nhi Trung ương gồm 15 thành viên (5 bác sĩ và 10 điều dưỡng viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực) đã lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Đây là đội quân tinh nhuệ của bệnh viện, đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 từ 2 tuần trước. Lãnh đạo bệnh viện cho biết, theo phân công, đoàn sẽ vào tiếp sức điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường (đặt tại BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2).
Cùng đó, 33 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên của 16 đơn vị thuộc BV Phụ sản Trung ương ngày 26-7 đã chuẩn bị hành trang, sẵn sàng lên đường tiến vào miền Nam góp sức hỗ trợ y bác sĩ nơi đầu chiến tuyến TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng thời gian này, BV Da liễu Trung ương đã cử đoàn công tác gồm 17 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và trang thiết bị vật tư lên đường vào TP Hồ Chí Minh. Đoàn ra quân lần này của BV Da liễu Trung ương có 17 cán bộ, trong đó có 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng viên và 2 kỹ thuật viên. Toàn bộ thành viên trong đoàn đã được tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Như vậy, đến hôm nay TP Hồ Chí Minh đã nhận hơn 6.000 nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch cho toàn địa bàn. Con số chi viện này sẽ còn tiếp tục tăng và vẫn rất cần sự hỗ trợ về nhân lực và vật lực trong thời gian tới giúp TP sớm ổn định cuộc sống trở lại.
Đoàn cán bộ, nhân viên y tế của BV E xuất phát đi hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch (ảnh: Thanh Xuân) |
Cùng với các bệnh viện công lập ở phía Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn, nhiều bệnh viện tư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như BV Hoàn Mỹ Thủ Đức, BV Triều An, BV Xuyên Á, BV Nam Sài Gòn đã đăng ký chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Hiệp Lợi tham gia tiêm chủng. Tất cả bệnh viện tham gia điều trị đều đủ năng lực để tham gia ở tầng 3 trong hệ thống điều trị 5 tầng của TP.
Trong đó, BV Hoàn Mỹ Thủ Đức đăng ký chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện với quy mô ban đầu là 100 giường và có thể nâng lên 200 giường khi cần. Hiện bệnh viện đang khẩn trương lắp đặt thêm bồn oxy lỏng để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 trong vài ngày tới. Đây là một bệnh viện có cơ sở hạ tầng hiện đại, vừa đưa vào sử dụng chỉ hơn 4 tháng.
BV Triều An đăng ký hoạt động theo mô hình “bệnh viện phân đôi” với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19. Trong thời gian qua, BV Triểu An đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp COVID-19 có triệu chứng tại khu cách ly của bệnh viện.
Tại BV Xuyên Á, mặc dù bệnh nhân nội trú vẫn còn rất đông với nhiều trường hợp nặng cần cần can thiệp phẫu thuật BV vẫn đăng ký tham gia điều trị Covid-19 theo mô hình “bệnh viện phân đôi” với quy mô 125 giường. Lãnh đạo bệnh viện cam kết sẽ thiết kế và triển khai xây dựng theo mô hình bệnh viện dã chiến tách rời hẵn khỏi cơ sở hiện nay của bệnh viện.
Sau thời gian tạm ngưng hoạt động, Bệnh viện Nam Sài Gòn đã đăng ký hoạt động trở lại để tham gia công tác điều trị Covid-19 của TP.
Cùng với hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thì Bình Dương cũng là điểm nóng cần chi viện, trong ngày 27-7, đã có 52 cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Phú Thọ lên đường vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch. Trước đó, các “chiến sĩ” áo trắng đã tham gia đoàn công tác chi viện cho tâm dịch Bắc Giang và thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ gồm 15 bác sĩ, 31 điều dưỡng, 6 kỹ thuật viên xét nghiệm của các Bệnh viện, Trung tâm y tế các huyện, thị, thành trong tỉnh. Đây đều là những cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét nghiệm, truy vết, chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Với hành trang mang theo là tri thức, kinh nghiệm cùng ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, các y bác sĩ lên đường làm nhiệm vụ lần này sẽ phát huy hết năng lực chuyên môn giúp Bình Dương vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đồng Nai bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà
Bắt đầu từ ngày 27-7, TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Theo thống kê sơ bộ của TP Biên Hòa, có khoảng 4.000 người thuộc diện F1 phải thực hiện cách ly. Tuy nhiên, số cơ sở cách ly của TP cũng như của các phường, xã đã bắt đầu quá tải.
BS. Nguyễn Xuân Hùng, Phó Trưởng phòng Y tế TP Biên Hòa cho biết, đáp ứng nhu cầu của người dân được cách ly tại nhà đối với những gia đình đủ điều kiện, UBND của 30 phường, xã của thành phố được giao quyền kiểm tra, giám sát và ra quyết định thực hiện cách ly tại nhà cho những người đủ khả năng và đúng quy định của Bộ Y tế.
BS Hà Quang Cường, Trưởng trạm y tế phường Hố Nai, TP Biên Hòa cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận 139 người nhiễm Covid-19, số người thuộc diện cách ly hơn 200 người. 2 trường phổ thông trên địa bàn phường được sử dụng làm nơi cách ly tập trung đã không đủ chỗ cho người thuộc diện cách ly. Vì vậy, khi được cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, lãnh đạo phường đã trực tiếp cùng với ngành y tế đi khảo sát, đánh giá, kiểm tra kỹ lưỡng từng gia đình, đảm bảo đủ các tiêu chí để được cách ly F1 tại nhà.
Hình ảnh thí điểm cách ly y tế tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (ảnh Anh Văn) |
TS. Phạm Xuân Thành, Phó trưởng phòng quản lý sức khỏe lao động- Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) đánh giá cao TP Biên Hòa đã chủ động thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Đồng thời nhắc nhở các gia đình tự theo dõi sức khỏe, tuyệt đối không được ra ngoài đường khi chưa được phép, thường xuyên mở cửa nhà lưu thông gió, lau chùi nền nhà, tay nắm cửa bằng dung dịch sát khuẩn…
Đồng thời, Trạm Y tế phường phải phân công người thường xuyên vào nhắc nhở, kiểm tra, giám sát, ghi nhận các diễn biến sức khỏe của những người đang cách ly.
TP Biên Hòa yêu cầu tăng cường trách nhiệm của tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng, tổ chức quản lý, giám sát nghiêm việc cách ly y tế tại nhà, không để người được cách ly đi ra khỏi phòng cách ly. Giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly.
Ghi nhận gần 8.000 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 27-7 Tính từ 6g đến 19g ngày 27-7 có 5.149 ca ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (4.469), Đồng Nai (120), Long An (75), Bình Dương (79), Đồng Tháp (154), Cần Thơ (54), Bình Thuận (45), Đà Nẵng (26), Phú Yên (23), Sóc Trăng (22), Hà Nội (19), Ninh Thuận (13), Vĩnh Phúc (11), Gia Lai (5), Đắk Nông (5), Bình Định (4), Huế (4), Quảng Nam (3), Hậu Giang (3), Quảng Ngãi (3), Kon Tum (2), Lạng Sơn (2), Kiên Giang (2), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Hà Tĩnh (1), Đắk Lắk (1) trong đó có 525 ca trong cộng đồng. Trong ngày 27-7 có 7.913 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 7.911 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (6318), Đồng Tháp (303), Đồng Nai (239), Bình Dương (166), Tây Ninh (144), Long An (75), Vĩnh Long (73), Cần Thơ (71), Tiền Giang (63), Bến Tre (60), Phú Yên (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (52), Bình Thuận (45), An Giang (43), Khánh Hoà (26), Đà Nẵng (26), Hà Nội (23), Sóc Trăng (22), Kiên Giang (13), Ninh Thuận (13), Đắk Lắk (12), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Bình Định (8 ), Huế (6), Gia Lai (5), Đắk Nông (5), Trà Vinh (3), Quảng Nam (3), Quảng Ngãi (3), Kon Tum (2), Lạng Sơn (2)Cà Mau (1), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Hà Tĩnh (1) trong đó có 1.063 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 27-7, Việt Nam có tổng 114.260 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 110.487 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định. Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Về tình hình điều trị: Có 1.602 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 27-7. - Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca. - Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca. - Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca. Trong 24 giờ qua đã thực hiện 107.978 xét nghiệm cho 419.491 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện 5.472.418 mẫu cho 15.848.029 lượt người. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.746.642 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.323.571 liều, tiêm mũi 2 là 423.071 liều. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại