Thứ hai 06/05/2024 05:58

Hát karaoke gây ồn ào ngày Tết có thể bị phạt hàng trăm triệu đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với nhiều người, dịp Tết Nguyên đán không chỉ là ngày tụ họp gia đình, dòng họ mà nó còn là những ngày nghỉ lễ ấm áp bên gia đình, người thân sau cả năm dài làm việc. Tuy nhiên, ở các khu đông đúc, nhất là các khu chung cư thì câu chuyện hát karaoke của nhiều người lại khiến những ngày nghỉ lễ trở nên mệt mỏi.
Hát karaoke gây ồn ào ngày Tết có thể bị phạt hàng trăm  triệu đồng
Hát karaoke ồn ào ngày Tết có thể bị phạt hàng triệu đồng

Năm nào cũng vậy, cứ hễ đến ngày Tết là chị N.N.B (Long Biên) lại thấy sợ câu chuyện hát karaoke của hàng xóm. Chị kể, 3 năm chị ở tại một khu chung cư tại phường Thạch Bàn là 3 năm chị “nghe đủ” các “giọng ca vàng” của hàng xóm. “Năm ngoái mới sáng mùng 1, gia đình tôi còn chưa kịp dậy vì đêm thức đón giao thừa đến 2, 3 giờ mới ngủ thì đã bật dậy vì tiếng nhạc chat chúa vang lên từ căn hộ hàng xóm. Khu chung cư vốn cách âm không tốt nên cứ ngỡ họ đang hát ngay trong nhà mình. Mà hát hay thì còn đỡ, đăng này nhạc một đằng lời một nẻo…” – chị B. kể.

Không chỉ buổi sáng, chị B. cho biết, có ngày còn giữa trưa vẫn nhiệt tình hát hò. Theo chị, hàng xóm vốn có nhiều khách khứa đến chúc Tết, ăn uống. Ăn xong là… hát. Nhà có con nhỏ, trưa muốn dỗ cho con bé ngủ một chút cũng không được vì ầm ĩ. “Ngày Tết nên ngại nhắc nhở. Chẳng lẽ có vài ngày Tết, người ta vui vẻ mình lại sang cạu cọ thì cũng không hay lắm. Có lẽ cùng ý nghĩ như tôi nên các căn hộ bên cạnh cũng chẳng thấy động tĩnh gì mặc dù tôi tin chắc họ cũng nghe rõ mồn một như nhà tôi.” – chị B. biện bạch.

Không khá hơn nhà chị B. bao nhiêu, chị T.T.H (Gia Lâm) cho biết, nhà chị vốn ở một xã ăn nên làm ra. Ngày Tết ngoài việc nghe bọn trẻ đi xe gầm rú ầm ĩ còn là chuyện nhà cuối ngõ bật nhạc remix, nhà đầu xóm bật nhạc vàng ảo não. “Nhiều lúc bọn trẻ ở nhà còn ầm ĩ karaoke. Mà hát cứ phải bật nhạc thật to, thật vang vọng mới chịu được.” – chị H. khó chịu.

Câu chuyện hát karaoke ngày Tết cũng là chủ đề khá nóng trên mạng xã hội. Ở một nhóm trên facebook với chủ đề trút giận, có đến 3, 4 chủ đề về việc tiếng ồn của việc hát karaoke ngày Tết, mỗi bài đăng có hàng vài trăm bình luận về câu chuyện trên. Tài khoản N.H đùa vui: “Tôi có một vài người hàng xóm tuy họ hát không hay nhưng được cái họ hát rất khỏe. Đến bây giờ ngủ tôi vẫn thấy họ đang hát.”. Còn tài khoản N.T.H lại biến câu chuyện khó chịu này thành vui vẻ, chị viết: “Tôi với em gái tôi còn nằm nghe xem giọng này giọng ai, đoạn mới có lên được hay lại gẫy”. Tài khoản P.P cũng hài hước: “Hàng xóm của tôi rất tốt bụng, họ hát cho mọi người xung quanh nghe free từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, khỏi cần nghỉ trưa ăn uống gì. Thế mà không đi thi ca sĩ.”…

Và câu chuyện karaoke hoặc gây tiếng ồn mặc dù chỉ diễn ra ngày Tết cũng đã được quy định trong các Nghị định, Thông tư cũng như các bộ Luật.

Theo đó, trong bộ Luật bảo vệ Môi trường 2020, Điều 89 quy định rất rõ về hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và Điều 163 luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về tố cáo về hành vi gây ô nhiễm môi trường như sau: Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Còn tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình cũng đã nâng mức xử phạt về hành vi gây tiếng ồn.

Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ghi rõ, nếu hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng được thực hiện trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo quy định, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào mức tiếng ồn (vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn), cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 160 triệu đồng.

Về thẩm quyền xử phạt, căn cứ theo điều 68 và điều 69 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP là Chủ tịch UBND các cấp hoặc Công an nhân dân tại địa phương.

Cũng theo quy định của pháp luật, khi phát hiện hành vi ca hát karaoke gây mất trật tự, người dân có thể báo cho UBND hoặc Công an nhân dân gần nhất để các cơ quan này tiếp nhận và giải quyết một cách nhanh chóng, ngăn chặn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động