Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo từ các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó nạn nhân bị lừa gần 16 tỷ đồng từ các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán. Ảnh: M.P |
Có nạn nhân bị lừa gần 16 tỷ đồng từ các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán
Đầu tháng 10/2023, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của các nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản từ các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán, đáng chú ý có nạn nhân bị lừa gần 16 tỷ đồng.
Cụ thể, anh H (trú tại Hà Nội) là một người thường xuyên cập nhật các thông tin, cũng như đọc các cảnh báo của cơ quan Công an về việc bị lừa đảo khi tham gia các quỹ đầu tư tài chính, vàng, dầu thô... Chính vì lý do đó nên khi nhận được điện thoại của một người phụ nữ lạ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán anh H đã từ chối.
Tuy nhiên, khi người phụ nữ kia đề nghị kết bạn qua Zalo và mời anh H vào nhóm với cái tên “Chia sẻ giao lưu Quỹ SeQuoia Capital VN” anh H đã chấp nhận. Cũng vì tò mò, anh H đã đọc tin nhắn và theo dõi các hoạt động trong nhóm. Khi thấy các mã chứng khoán được tư vấn tăng tốt, đầu tư có hiệu quả, anh H đã tham gia.
Anh H được đối tượng hướng dẫn cài app “Smart SQV” mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Số tiền anh H đã đầu tư mua mã chứng khoán là 14 tỷ đồng và giá trị sau khi tăng “ảo” là hơn 30 tỷ đồng.
Nhưng sau đó, anh H nhận được các thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về. Để rút được tiền anh H phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận là 1,6 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 332 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành những yêu cầu, anh H không liên lạc được với quỹ đầu tư chứng khoán trên. Lúc này anh mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Tương tự như vậy, anh A (trú tại Hà Nội) cũng được “dụ dỗ” đầu tư qua Quỹ đầu tư SeQuoia VN trong 1 nhóm trên zalo. Anh A đã giao dịch với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng nhưng khi bán mã cổ phiếu đã mua thì nhận được thông báo: “Đóng băng vị thế!”, không bán được.
Mặc dù các đối tượng tiếp tục thuyết phục anh A bằng các thông báo đợi thêm. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh A đã đến cơ quan Công an trình báo.
Trước tình trạng trên, để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác với các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán online. Không làm theo những hướng dẫn, “dẫn dụ”, “mời chào” của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram... không xác thực danh tính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán
Mới đây, Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán.
Theo đó, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng. Cụ thể, các đối tượng sẽ lợi dụng yếu tố tâm lý về lợi nhuận, sự thiếu hiểu biết của người dân và một số nhà đầu tư, các đối tượng tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán có tên tuổi, thực hiện cuộc gọi đến và mời người dân tham gia các hội nhóm (Group chat), các khóa học online về đầu tư chứng khoán.
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Bộ Công an |
Khi các nạn nhân đồng ý tham gia các nhóm chat, hội nhóm kín, các đối tượng tiếp tục giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, được mua các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá thấp hơn giá đang giao dịch trên thị trường. Để nhận được các ưu đãi trên, các đối tượng đã hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link website hoặc cài đặt các app ứng dụng trên thiết bị di động, do chúng cung cấp.
Nắm bắt tâm lý nhà đầu tư, khi nạn nhân đăng ký tài khoản vào các website, app trên điện thoại, các đối tượng tiếp tục lôi kéo nạn nhân tham gia vào các nhóm đầu tư trực tuyến theo từng mã cổ phiếu đang có tiềm năng trên thị trường chứng khoán. Tại đây, nạn nhân được các đối tượng giải thích do các Quỹ đầu tư tài chính có tên tuổi, hợp pháp đã liên kết với các công ty chứng khoán nên được hỗ trợ và có ưu đãi cao; hoặc là doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu cho người lao động và mời chào nạn nhân mua lại suất cổ phiếu của cán bộ công nhân viên đó với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường…
Nhằm tạo niềm tin, các đối tượng đã cung cấp cho nạn nhân các giấy tờ pháp lý của Quỹ đầu tư như: Giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, giấy phép kinh doanh hoạt động, Giấy chứng nhận của ngân hàng giám sát… và tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng mang tên tài khoản công ty, Quỹ đầu tư với những lời hứa hẹn lãi suất cao, nếu thua lỗ thì sẽ được đền bù và giá mua các mã cổ phiếu qua các Quỹ đầu tư sẽ có ưu đãi từ 15%-30% so với giá đang giao dịch. Những thông tin mà các đối tượng đưa ra, các nạn nhân dễ dàng tra cứu, tìm thấy thông tin trùng khớp trên mạng internet và ngay lập tức tin tưởng vào những giấy tờ pháp lý mà các đối tượng đưa ra.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, đã có nhiều nạn nhân tin vào những hứa hẹn của các đối tượng, nạp tiền vào ứng dụng và liên tục có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận gấp nhiều lần trong một vài phiên giao dịch đầu tiên. Các nhà đầu tư cũng được xem nhiều tài khoản có lợi nhuận của các nhà đầu tư khác (là nick ảo do chúng tạo lập). Thực tế, đây là thủ đoạn tạo các giao dịch ảo để tạo niềm tin, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân gửi thêm tiền vào tài khoản đầu tư.
Tuy nhiên, khi nạn nhân muốn rút tiền thì ứng dụng báo lỗi hoặc báo chưa đủ hạn mức đối ứng của Quỹ. Lúc này, các đối tượng sẽ không ngừng dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng với các lý do như: nộp sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận được, nộp các khoản thuế, phí để được rút tiền… Nhiều nạn nhân do đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản nên rất dễ bị thao túng tâm lý, phải chuyển thêm tiền nếu không sẽ bị mất số tiền đã nộp trước đó.
Khi thấy các nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân hoặc khiến cho tài khoản của nạn nhân không đăng nhập được nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển vào App. Khi phát hiện ra bị lừa đảo thì các đối tượng đã xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm trên mạng xã hội và chặn liên lạc với nạn nhân. Công tác xác minh, truy tìm hiện nay gặp nhiều khó khăn do hầu hết các group chat đều có địa chỉ ở ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam.
Trước các thủ đoạn trên, theo Trung tướng Tô Ân Xô, người dân tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán. Tuyệt đối không tham gia vào các group chat, không đầu tư vào các website, App khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản.
Người dân cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là các nguồn thông tin chính thống như: trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; các trang thông tin điện tử về tài chính, ngân hàng… Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động…
Trường hợp nghi vấn các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân và nhà đầu tư cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời…
Thị trường chứng khoán 3/5: có lúc giằng co rồi tiếp tục bứt tốc | |
Công an Hải Phòng cảnh báo lừa đảo thông qua các hội nhóm đầu tư chứng khoán |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại