Thứ sáu 26/04/2024 17:14

Chuyện về giấy sở hữu ruộng đất cấp sau chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ít ai ngờ được rằng một Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất (CNQSHRĐ) cấp năm 1955 vẫn được chủ nhân của nó giữ nguyên vẹn như thủa ban đầu. Giấy này không chỉ có ý nghĩa về mặt sở hữu tài sản mà nó còn có giá trị lịch sử, đánh dấu sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính Phủ Việt Nam với cuộc sống người dân ngay trong những năm kháng chiến.
1.	Giấy CNQSHRĐ đứng tên Ni cô Đàm Thắng			 Ảnh: K.H
Giấy CNQSHRĐ đứng tên Ni cô Đàm Thắng. Ảnh: K.H

Giấy CNQSHRĐ mang giá trị lịch sử

Chùa Đại Điền thuộc thôn 6, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bao năm vẫn giữ được vẻ trầm mặc, tĩnh lặng cho dù vị trí ở ngay chợ trung tâm và cũng là nơi buôn bán sầm uất nhất xã Tam Hiệp. Trụ trì chùa là sư Thích Đàm Muộn luôn tay bao sái cho sạch lớp bụi phủ trên mấy pho tượng ở gian tam bảo: “Một thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chùa được chính quyền xã nhắc nhở không đón khách tới lễ Phật, vãn cảnh. Nay dịch bệnh tạm ổn, khách thập phương tới chùa, dấu hiệu của sự bình yên đang trở lại khiến ai cũng hoan hỉ trong lòng”, sư Đàm Muộn nói.

Tiếng chuông cuối ngày ngân lên như nhắc tôi nhớ duyên tới chùa hôm nay không chỉ đơn thuần là vãn cảnh. Biết được ý của khách, sư Thích Đàm Muộn đi vào gian buồng nhỏ, lúc sau quay lại, trên tay cầm tấm giấy được ép palastic cẩn thận. Nhìn ra vệt nắng đang nhạt dần trên nền sân gạch, giọng sư Đàm Muộn như lạc về quá khứ: “Đây là Giấy CNQSHRĐ được Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây trước đây cấp cho thày của tôi là Đàm Thắng từ ngày 23/12/1955, đến nay đã được 67 năm. Từ số ruộng đất được cấp đã nuôi sống không chỉ thày tôi cùng gia đình mà còn góp phần duy trì sự tồn tại của chùa cho đến ngày nay”.

67 năm trôi qua nhưng dòng chữ: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” màu mực vẫn còn đỏ tươi như thủa ban đầu. Nội dung trong giấy thể hiện, ngày 23/12/1955, Ni sư Đàm Thắng được Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 18, vào sổ địa bạ số 463. Giấy chứng nhận có nội dung: “Theo điều 31 trong luật cải cách ruộng đất của Chính phủ Trung ương đã được Quốc Hội Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thông qua, người được chia ruộng đất có quyền sở hữu ruộng đất đó và được tự do sử dụng số ruộng ấy như chia gia tài, cầm, bán, cho, v.v… Chứng nhận cho Ni cô Đàm Thắng, gia đình có 2 nhân khẩu, thuộc xã Tam Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây…”.

Về diện tích đất được cấp ghi rõ: “Ruộng và đất màu gồm có: 4 thửa; diện tích 0 mẫu 6 sào 9 thước. Đất đặc biệt gồm có: 2 thửa; diện tích 0 mẫu 2 sào 5 thước. Kể từ ngày nhận những ruộng đất trên đây Ni cô Đàm Thắng được chính quyền cấp phát giấy này làm bằng chứng”.

Về vị trí đất cũng được ghi rõ tại xứ đồng Kim Hoa, Gốc gạo, Gốc táo, Đồng Xương, Bắc Lũng. Các vị trí đất được cấp đều ghi rõ loại đất, mốc giới, các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc giáp nhà ai, mốc giới nào…

Có thể nói, Giấy CNQSHRĐ này không chỉ xác định được chủ sở hữu ruộng đất mà nó còn như một tài liệu có giá trị lịch sử chứng minh Đảng, Quốc hội, Chính phủ những ngày đầu thành lập đã quan tâm đến đời sống của người dân bằng việc cấp đất để người dân an cư sinh sống và lâp nghiệp.

2.	Trụ trì Chùa Đại Điền Thích Đàm Muộn			 Ảnh: K.H
Trụ trì Chùa Đại Điền Thích Đàm Muộn. Ảnh: K.H

Một bộ luật ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Ngược dòng thời gian, ngày 4/12/1953, Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà chính thức thông qua Luật Cải cách ruộng đất. Thời điểm này ta đang dồn lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Việc thông qua luật thể hiện cho tầm nhìn xa của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… về một cuộc kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi.

Điều 31 được đề cập trong Giấy CNQSHRĐ của Ni cô Đàm Thắng thuộc Chương III, Mục 4 về: “Quyền của người được chia”. Chương này bắt đầu từ Điều 21 đến Điều 31 hướng dẫn: “Cách chia ruộng đất”. Nội dung Điều 31 ghi: “Người được chia ruộng đất có quyền sở hữu ruộng đất đó và không phải trả cho địa chủ hay chính quyền bất cứ một khoản nào. Chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ấy cho người được chia. Mọi khế ước cũ đều huỷ bỏ. Người được chia có quyền chia gia tài, cầm, bán, cho, v.v... ruộng đất được chia”.

Hệ thống lại cho thấy, Luật Cải cách ruộng đất gồm năm đạo luật quy định việc tịch thu, trưng thu, thu mua ruộng đất; cách chia ruộng đất; xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.

Việc xác lập chủ sở hữu rõ là thế, đáng tiếc đã có lúc Giấy CNQSHRĐ này lại bị chính UBND xã Tam Hiệp phủ nhận. Đây cũng là câu chuyện mà sư Thích Đàm Muộn muốn trao đổi với PV. Chuyện rằng, cuối năm 2020, đầu năm 2021, UBND huyện Phúc Thọ giao cho UBND xã Tam Hiệp làm chủ đầu tư dự án xây Nhà văn hóa xã. Mọi gia đình có đất thuộc diện thu hồi cho dự án đều được UBND xã thông báo và áp giá đền bù.

Chùa Đại Điền cũng bị thu hồi 113m2 đất nhưng phía UBND xã không thông báo, đồng thời cho máy móc tiến hành san ủi, tạo mặt bằng trên đất chùa. Phần san gạt này cũng chính là một phần diện tích nằm trong Giấy CNQSHRĐ. Sư Thích Đàm Muộn có tới UBND xã thắc mắc thì được Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính giải thích 113m2 nằm trong dự án không được bồi thường vì là đất do Nhà nước quản lý. Lãnh đạo xã này còn cho rằng Giấy CNQSHRĐ không có giá trị pháp lý.

Sau khi PV tới làm việc với Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp thì ngay ngày hôm sau sư Thích Đàm Muộn báo tin vui, chính quyền chấp nhận trả tiền đền bù cho nhà chùa như quy định hiện hành đang áp dụng cho các hộ dân khác: “Giấy chứng nhận đã được các cấp của huyện thừa nhận, một phần đất chùa được sử dụng vào mục đích vì cộng đồng. Đây là điều nhà chùa rất vui”, sư Thích Đàm Muộn nói.

Giấy CNQSHRĐ đi cùng với đó là Luật Cải cách ruộng đất ra đời ngay trong thời điểm kháng chiến chống Pháp đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ… về một cuộc kháng chiến vệ quốc nhất định thắng lợi, về một chế độ luôn đặt quyền lợi, đời sống người dân làm đầu.

Luật Cải cách ruộng đất gồm 5 chương, 38 điều. Điều 1, Chương I nói đến: “Mục đích và ý nghĩa của cải cách ruộng đất là: Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ; Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân; Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát triển; Để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến; Để đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phòng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc…”.
Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động