Cần ứng xử văn minh trong tình yêu và cuộc sống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhan Thanh Hoàng bị khống chế ngay sau khi gây án |
CQ CSĐT - CA tỉnh Bắc Ninh đang tạm giữ hình sự đối với Phan Thanh Hoàng, SN 2003, quê ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để điều tra hành vi giết người. Hoàng là nghi phạm sát hại chị Nguyễn Thị B, SN 2003, trú ở TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, bạn gái cũ của Hoàng và đâm trọng thương anh Hoàng Xuân D, quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, người yêu mới của chị B.
Cũng trong ngày 24/10, do mâu thuẫn tình cảm, nghi phạm T.H.H (37 tuổi, trú thôn Vân Tra, xã An Đồng, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã nổ súng sát hại chị L.T.L.D, SN 1993, có một con chung với H, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngày 10/10, Phan Trung Hòa, SN 1996, trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội dùng dao đâm bạn gái là chị L.T.N, SN 1996, quê tỉnh Sơn La khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó, đối tượng dùng dao tự tử bất thành và được chuyển lên BVĐK tỉnh Hải Dương cấp cứu, điều trị vết thương vùng bụng, cổ.
Trước đó, ngày 11/8, một người phụ nữ bị sát hại ngay trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khiến nhiều người bàng hoàng. Nghi phạm Mai Xuân Thái (40 tuổi, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) được xác định gây án vì ghen tuông do có quan hệ tình cảm với nạn nhân trước đó.
Tựu trung các vụ án đều xuất phát từ tình cảm yêu đương mù quáng đã khiến các hung thủ ra tay tàn độc, theo kiểu "không ăn được thì đạp đổ". Hậu quả để lại rất nặng nề, người chết, kẻ vướng vòng tù tội.
Dưới góc độ tâm lý học, TS Nguyễn Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) phân tích, khi ghen, người ta sẽ dễ dàng bị chuyển đổi từ trạng thái tâm lý giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng. Nếu người đó nhận thức và đạo đức kém, việc họ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người họ yêu, người cùng chung sống với họ rất dễ xảy ra.
“Những vụ án mạng thương tâm xảy ra thời gian qua do ghen tuông, mâu thuẫn tình cảm là nỗi nhức nhối của xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đã đến lúc cần có những đánh giá lại về vi phạm trật tự, đạo đức xã hội, chúng ta cũng cần nhìn lại công tác giáo dục của các tổ chức, đoàn thể để kịp thời ngăn chặn tình trạng này”, TS Nguyễn Kim Quý nói.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ án do ghen tuông. Trong các loại mâu thuẫn xảy ra trong đời sống thì mâu thuẫn tình cảm (nhất là ghen tuông) thường dẫn đến những hành vi rất quyết liệt. Bởi lẽ, trong mâu thuẫn về tình cảm thường tích tụ rất nhiều trạng thái tâm lý như nhục nhã, thất vọng, ích kỷ, lo sợ, uất ức, cay cú… cùng với sự tác động của các yếu tố khác như sự kích động từ bên ngoài, môi trường sống, sự căng thẳng và áp lực trong việc xử lý các mối quan hệ… Trong nhiều trường hợp do sự căng thẳng, sự kích động, hận thù, uất ức… dẫn đến đối tượng phạm tội hành động rất quyết liệt, mất kiểm soát hành vi, phạm tội đến cùng nên hậu quả thường đặc biệt nghiêm trọng.
Trong nhiều trường hợp gây án do mâu thuẫn tình ái, dấu hiệu có sự chuẩn bị thực hiện tội phạm không có tính điển hình, hoặc không kéo dài. Phần lớn những vụ phạm tội mang tính nhất thời, bột phát. Có thể do các mâu thuẫn kéo dài không được hóa giải, do những người trong cuộc không có kỹ năng xử lý đúng đắn hoặc không kiểm soát được cảm xúc; do sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật của thủ phạm không cao.
Bên cạnh đó, có một yếu tố rất quan trọng đó là từ phía nạn nhân. Rất nhiều vụ án nghiêm trọng có một phần nguyên nhân do nạn nhân thiếu kiềm chế, kích động, thách thức, nhục mạ, không có thiện chí hoặc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn. Điều này rất dễ thúc đẩy đối tượng ra tay thực hiện hành vi phạm tội. Đây cũng là một đặc điểm có tính điển hình trong các vụ án ghen tuông tình ái. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, nhiều đối tượng gây án tỏ ra suy sụp, lo sợ, ân hận, day dứt,… mong được tha thứ, mong được chuộc lại lỗi lầm.
Để giảm thiểu những vụ án trong giới trẻ hiện nay, các chuyên gia tâm lý cho rằng, vấn đề đầu tiên là cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết mâu thuẫn.
Về lâu dài, cần phải đổi mới phương pháp giáo dục, đề cao giáo dục đạo đức, xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội để con người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết sẻ chia, hy sinh và giảm bớt cái tôi ích kỷ cá nhân.
Phương pháp giáo dục, môi trường giáo dục, những tác động xung quanh là những yếu tố quan trọng để phát triển và hình thành nhân cách của mỗi con người. Do đó, cần phải có định hướng giáo dục đúng đắn, có môi trường giáo dục lành mạnh, có phương pháp giáo dục tiên tiến, văn minh mới đạt được hiệu quả giáo dục.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại