Thứ năm 09/05/2024 09:14

Cần chính sách để NLĐ làm ít giờ nhưng lương, thu nhập tăng lên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Nếu hỏi công nhân có nhu cầu làm thêm giờ không tôi nghĩ rằng không. Nhưng nếu hỏi công nhân cần làm thêm không thì câu trả lời là công nhân cần. Cần để có thêm thu nhập, vì đồng lương, thu nhập hiện nay so với trang trải, nhu cầu cuộc sống tối thiểu còn quá khó khăn, eo hẹp, thiếu thốn".

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu khi góp ý về việc mở rộng khung giờ làm thêm trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Theo Ban soạn thảo Dự án sửa đổi Luật Lao động, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của DN và nhu cầu của một bộ phận người lao động (NLĐ). Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu DN; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của NLĐ. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ và có thể gây ra thiếu việc làm do DN không muốn tuyển lao động mới mà huy động NLĐ hiện có làm thêm giờ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho NLĐ, Dự thảo Bộ luật quy đinh: Nguyên tắc tự nguyện: chỉ khi người lao động đồng ý thì DN mới được huy động làm thêm giờ; Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ; Trả lương cao hơn: ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết. Ngoài ra, Dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của DN cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của NLĐ và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng DN.

Cùng với đó, Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ sẽ quy định 3 nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ. Đó là: DN phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; Không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho NLĐ khi làm thêm giờ; Quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày...) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, bất kỳ NLĐ nào cũng có quyền làm thêm giờ, làm thêm việc để có thêm thu thập cho gia đình và xây dựng xã hội tốt hơn.

Tuy nhiên theo đại biểu, cần đưa ra quy định rõ ràng với một số nghề nghiệp gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay... có thể không cho tăng thêm giờ. Thậm chí nên có quy định riêng sau một số giờ làm việc nhất định phải nghỉ để bảo đảm sức khỏe, sự tỉnh táo, không gây tai nạn giao thông.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cũng đề cập đến vấn đề, “xã hội hiện nay có những trường hợp không muốn tăng thêm giờ nhưng vẫn phải làm thêm giờ. Đó là câu chuyện 400.000 cán bộ y tế”.

“Nếu tính trung bình 1 cán bộ y tế trong 1 tháng trực từ 5-8 buổi trừ đi 8 tiếng làm việc bình thường thì họ làm thêm 16 giờ trong ngày trực, trong 1 tháng tính trung bình chỉ 5 ngày trực thôi họ làm thêm 80 giờ, và và 1 năm họ làm thêm 1.000 giờ.

Nếu các đơn vị thiếu người, đặc biệt là đơn vị y tế công lập mà bác sĩ nhảy ra ngoài làm tư nhân thì thời gian họ trực nhiều hơn và thời gian làm thêm của họ là 1.500- 2.000 giờ. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là tiền trực quá thấp. Cụ thể, nếu trực suốt ngày suốt đêm như vậy được thêm 115.000 đồng ở đơn vị y tế loại 1. Đơn vị y tế loại 2 được 95.000 đồng và số tiền phụ cấp này không đủ để tái tạo sức lao động”.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng “đặt vấn đề làm thêm giờ mà chỉ nhìn ở góc độ thuận lợi cho NLĐ trong việc tăng thu nhập, đứng ở một góc độ nào đó xem xét chúng ta nêu như vậy có vẻ như chúng ta quan tâm đến lợi ích của NLĐ.

Mặt khác, đối với người sử dụng lao động, nếu chúng ta đưa ra khung pháp lý như vậy thì muốn sử dụng NLĐ phải thỏa thuận để NLĐ đồng ý làm thêm giờ và có một khung khá rộng so với trước đây để NLĐ và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận được nhằm đáp ứng đơn hàng, đáp ứng nhu cầu cần thiết, cấp bách của một doanh nghiệp trong quá trình sản xuất”.

Tuy nhiên, “nhìn vào bản chất vấn đề và sự tiến bộ của xã hội thì rõ ràng nếu chúng ta đặt ra vấn đề làm thêm giờ có vẻ như đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

can chinh sach de nld lam it gio nhung luong thu nhap tang len
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Không phải không tăng giờ là không quan tâm đến NLĐ nhưng chúng ta quan tâm đến NLĐ theo một chính sách khác sẽ ưu việt, thỏa đáng hơn". Ảnh: Quochoi.vn

“Chúng ta thử tính một năm, NLĐ làm bao nhiêu giờ, NLĐ có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, phục vụ cho các nhu cầu khác ngoài lao động như học tập, giải trí; phục vụ cho việc xây dựng gia đình, con cái… Không thể nghĩ vắt kiệt sức NLĐ mới tốt và người công nhân có nhu cầu làm thêm. Nhu cầu là cái gì đó tự thân, tự giác nhưng cái này không phải tự giác mà như một sự bức thiết, không làm thêm thì thu nhập thấp, không trang trải được cuộc sống”.

“Không phải không tăng giờ là không quan tâm đến NLĐ nhưng chúng ta quan tâm đến NLĐ theo một chính sách khác sẽ ưu việt, thỏa đáng hơn. Do đó, Quốc hội nên bàn theo hướng đưa chính sách gì vào Bộ luật Lao động để cải thiện thu nhập NLĐ, để người công nhân làm ít giờ nhưng lương, thu nhập tăng lên. Tôi nghĩ phải xét trên góc độ đó để NLĐ đủ sức tái tạo sức lao động, để làm việc tốt hơn, vừa có lợi cho người công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động sẽ có công nhân có đủ sức khỏe, tinh thần sảng khoái, tình cảm tốt thì năng suất lao động, chất lượng làm việc mới tăng lên”, đại biểu Quyết Tâm đề xuất.

Về người sử dụng lao động, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nếu cần thiết phải làm thêm, cấp bách để đảm bảo đơn hàng có cách thỏa thuận khác với công nhân và mỗi giờ làm thêm sau đó phải có lũy tiến tính tiền lương để đảm bảo sức khỏe cho công nhân.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nên xây dựng phương án trả lương lũy tiến để bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ góc độ của công đoàn không hề mong muốn NLĐ phải làm thêm giờ để có thời gian tái tạo sức sản xuất lao động, tìm bạn đời, chăm sóc gia đình, con cái. Tuy nhiên tiền lương của NLĐ hiện rất thấp, nếu không làm thêm NLĐ sẽ không có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Chưa kể trên thực tế khảo sát tại nhiều DN, NLĐ cũng đang làm thêm 500-600 giờ”.

“Do đó, nếu NLĐ làm thêm giờ thì cần xây dựng phương án trả lương lũy tiến, các giờ làm việc sau mức lương cần cao hơn. Bởi lẽ càng làm thêm nhiều giờ thì nguy cơ bị tai nạn ngày càng cao”.

Cùng quan điểm, Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết việc làm thêm giờ là nhu cầu có thực xuất từ cả hai phía DN và NLĐ. “Doanh nghiệp muốn NLĐ làm thêm giờ nhiều để giải quyết đơn hàng, nhất là lĩnh vực gia công, hàng xuất khẩu, giảm bớt tuyển dụng lao động, và thu được lợi nhuận. Còn với NLĐ, mục đích đầu tiên và cũng là cuối cùng là tăng thu nhập để đảm bảo đời sống”.

Do vậy, theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Luật cần bảo vệ quyền lợi và tiền lương của NLĐ như mục tiêu xây dựng điều khoản này. “Luật tăng lên thêm 100 giờ làm thêm mà giữ nguyên mức tính lương như cũ thì không thể nói là bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Vì vậy tăng làm thêm thì phải tăng tiền lương làm thêm cho NLĐ. Hoặc tăng lương lũy tiến: 2 tiếng đầu tăng một mức thì tiếng thứ 3, 4 phải tăng lên so với mức tăng ban đầu đó”.

Theo kết quả khảo sát được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp dịch vụ, đại diện cho các loại hình DN và vùng lương trong năm 2018 thì có đến 44% NLĐ được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5% giờ (cao nhất là 50 giờ) với số tiền nhận được trung bình 832 nghìn đồng/người/tháng.
“NLĐ buộc phải làm thêm chứ không thích thú gì. Bởi lương thực tế còn thấp. Khoản tiền làm thêm đóng góp phần đáng kể trong tổng thu nhập của NLĐ. Đặc biệt, dịp lễ, tết thì càng muốn làm thêm nhiều để có tiền đem về gia đình”, Viên trưởng Viện Công nhân công đoàn Vũ Quang Thọ nhận định.
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động