Thứ ba 07/05/2024 01:30

Xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Bác hàng xóm nhà tôi thường sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Tôi thấy đó là việc làm gây hại cho nguồn lợi thủy sản. Tôi đã khuyên bảo bác nhưng bác không nghe. Tôi đang muốn tìm hiểu quy định của pháp luật về việc sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản để phân tích cho bác dừng việc làm của mình. Tôi xin hỏi hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản của bác là vi phạm quy định nào của pháp luật và sẽ bị xử lý như thế nào?  

(Nguyễn Văn Đăng, trú tại Quốc Oai, Hà Nội)

xu phat hanh vi su dung cong cu kich dien de khai thac thuy san
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản 2017 có quy định:

"Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản

7. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản."

Việc sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản chính là dùng xung điện, dòng điện để khai thác nguồn lợi thủy sản. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản 2017. Khi thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể:

“Điều 28. Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:

a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”

Như vậy, với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với người có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản là 4.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản còn phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ”.

Mặt khác, nếu người có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản gây thiệt hại lớn cho nguồn lợi thủy sản thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự khi trước đó đã phạt hành chính về hành vi này và vẫn tiếp tục tái phạm theo quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau:

“Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;”

Thu Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động