Thứ ba 07/05/2024 00:09

Xử phạt hành vi đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Cạnh nhà tôi có hộ kinh doanh tôm quy mô nhỏ, gần đây qua quan sát tôi nhận thấy có tình trạng họ cố ý bơm tạp chất vào tôm để làm tăng trọng lượng và “làm đẹp” cho tôm. Đây là hành vi gian lận và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Xin hỏi việc bơm tạp chất vào tôm là vi phạm quy định nào của pháp luật? Và sẽ bị xử lý vi phạm thế nào?  

(Lê Thu Oanh, trú tại Thanh Trì, Hà Nội)

xu phat hanh vi dua tap chat vao thuy san nham muc dich gian lan thuong mai
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 7 Luật Thủy sản quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản như sau:

“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản

1. Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

2. Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.

3. Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển.

4. Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển.

5. Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng.

6. Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại.

7. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

8. Sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.

9. Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.

10. Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại....”

Việc bơm tạp chất vào tôm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản theo quy định tại Khoản 10 Điều 7 Luật Thủy sản “Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại”. Hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cụ thể:

“Điều 11. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thủy sản

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi bảo quản, vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, sơ chế các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chế biến thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

5. Phạt tiền đối với hành vi đưa tạp chất vào thủy sản; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào hoặc có chất bảo quản cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm;

...

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 04 tháng đến 06 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5, điểm d khoản 6 Điều này;

c) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này.”

Như vậy hành vi đưa tạp chất vào tôm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm a Khoản 5 Điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với hộ kinh doanh có hành vi hành vi đưa tạp chất vào tôm là 4.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Ngoài ra, hộ kinh doanh có hành vi hành vi đưa tạp chất vào tôm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP “Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng”; và điểm c khoản 8 Điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP “ Tịch thu tang vật”. Và còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 9 Điều 11 Nghị định 115/2018/NĐ-CP “Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này.”

Mặt khác, hành vi bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, người thực hiện hành vi này còn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau:

“Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

...

d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;”

Đỗ Hưng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động