Thứ bảy 27/04/2024 15:10

Xét xử vụ án sai phạm tại Công ty Tân Hoàng Minh: các bị cáo khai lý do phát hành trái phiếu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trả lời tại tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh cho biết, thời điểm năm 2021, nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh tăng cao, nên đã chỉ đạo Đỗ Hoàng Việt tìm thêm các nguồn khác ngoài nguồn vốn vay từ ngân hàng…
Xét xử vụ án sai phạm tại Công ty Tân Hoàng Minh: các bị cáo khai lý do phát hành trái phiếu
Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh. Ảnh: Hồng Nguyên

Phát hành trái phiếu như một nguồn huy động vốn khác ngoài vốn vay ngân hàng

Chiều 19/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) tiếp tục với phần xét hỏi.

Là bị cáo cuối xuất hiện trên bục xét hỏi, bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh “tôn trọng những kết luận của VKSND”.

Trả lời chủ tọa, bị cáo Đỗ Anh Dũng cho biết, chủ trương phát hành trái phiếu là của mình, và bị cáo đã giao cho Đỗ Hoàng Việt – Phó Tổng giám đốc Tài chính Công ty Tân Hoàng Minh thực hiện.

Theo bị cáo Dũng, năm 2021 do nhu cầu vốn của công ty tăng cao, bị cáo đã chỉ đạo Đỗ Hoàng Việt tìm những nguồn huy động vốn khác, ngoài nguồn vốn vay của ngân hàng.

Tại tòa, bị cáo Dũng cũng thừa nhận, mình đã biết kênh phát hành trái phiếu từ trước đó, và ông cho rằng “tại thời điểm đó, phát hành trái phiếu là kênh huy động hiệu quả”.

Bị cáo Dũng thừa nhận trách nhiệm cao nhất trong vụ án, tuy nhiên, khi tòa hỏi ông có biết hành vi của mình là sai phạm không, bị cáo Dũng trả lời: “Ngay từ khi phát hành trái phiếu, trong thâm tâm tôi không có ý định chiếm đoạt mà đây chỉ là một hình thức huy động vốn vì nhu cầu về vốn là có thực.”

Về kết luận của cơ quan điều tra, với nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức hóa điều kiện, hồ sơ phát hành… từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu của Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền hơn 8,6 nghìn tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, bị cáo Dũng thừa nhận.

Về khắc phục hậu quả, bị cáo Dũng cho biết, khi bị tạm giữ, bắt giam, các cán bộ đã giải thích sai phạm nên đã chủ động nộp hết toàn bộ số tiền hơn 8,6 nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Xét xử vụ án sai phạm tại Công ty Tân Hoàng Minh: các bị cáo khai lý do phát hành trái phiếu
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên

Thừa nhận các hành vi gian dối

Trước đó, trong buổi sáng 19/3, sau khi công bố bản cáo trạng, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh là người đầu tiên lên bục xét hỏi đầu tiên. Bị cáo Đỗ Hoàng Việt khai nhận, bị cáo giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, phụ trách tài chính kế toán, lên kế hoạch tài chính của năm, quản lý toàn bộ dòng tiền.

Tại tòa, bị cáo Việt khai nhận, do năm 2021, COVID-19 xảy ra, khó khăn về tín dụng, Tân Hoàng Minh có nhiều khoản nợ đến hạn, không vay được tiếp nên không đáo hạn được. Mặt khác, các tài sản của Tân Hoàng Minh không đủ điều kiện để vay tiếp nên đã lấy 3 công ty trên để phát hành trái phiếu.

Theo lời khai của bị cáo Việt, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu để huy động vốn. Trong cuộc họp riêng tại phòng làm việc của Chủ tịch Tân Hoàng Minh, bị cáo Dũng chỉ đạo bị cáo và bị cáo Phùng Thế Tính (cựu Giám đốc Trung tâm Tài chính – Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính – Kế toán Công ty Tân Hoàng Minh, Kế toán trưởng Công ty Solei) lên kế hoạch để sắp tới công ty phát hành trái phiếu.

Sau khi nhận chỉ đạo của chủ tịch, bị cáo Việt triệu tập cuộc họp, chỉ đạo cấp dưới liên hệ với cơ quan kiểm toán để kiểm toán tài chính toàn phần. Còn bị cáo Lê Thị Mai (cựu Phó Ban Nguồn vốn, Công ty Tân Hoàng Minh) và bị cáo Vũ Lê Vân Anh (Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn, Công ty Tân Hoàng Minh) lên phương án phát hành trái phiếu, tổ chức tư vấn phát hành và đảm bảo tài sản, liên hệ các công ty thẩm định giá.

Việt khai, về ký kết các hợp đồng trên thực tế không có thật, bản chất phương án các bị cáo đề ra là phương án tạo dựng, vì một số dự án chưa đủ điều kiện, chưa đủ pháp lý.

Tại tòa, bị cáo Việt cũng thừa nhận khi mua gói trái phiếu, Tân Hoàng Minh “thực tế chưa đủ” tiền để trả hết các gói.

Cũng theo bị cáo Việt, để “làm cho đủ”, sau khi họp, phát hành trái phiếu xong, phòng tài chính trình lên phương án chạy dòng tiền sang các công ty con để huy động dòng tiền. Sau đó, Tân Hoàng Minh mua lại các gói trái phiếu đó để lấy thương hiệu của Tân Hoàng Minh, bán lại cho các nhà đầu tư.

Tại tòa, bị cáo Việt cũng thừa nhận việc Tân Hoàng Minh tạo dòng tiền ảo chạy lòng vòng bán cho các nhà đầu tư để huy động vốn là hành vi gian dối.

Cũng tại tòa, các bị cáo khác cũng thừa nhận tội trạng như cáo trạng truy tố.

Theo cáo trạng truy tố, do gặp khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị can đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty (Ngôi sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa đông) phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng trị giá phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tân Hoàng Minh.

Để phát hành được trái phiếu, các bị can đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu: ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng cách ký hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc tập đoàn; thông đồng với các bị can thuộc các đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để hợp thức các công ty này có đủ điều kiện phát hành, ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư; tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu, hợp thức trái chủ cho Công ty Tân Hoàng Minh.

Ngoài ra, các bị can sử dụng tài sản của chính các hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu, từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu của Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền hơn 8,6 nghìn tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành.

TAND TP Hà Nội dựng rạp cho hàng nghìn bị hại tham dự phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh TAND TP Hà Nội dựng rạp cho hàng nghìn bị hại tham dự phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh
Đông đảo bị hại tham dự phiên tòa xét xử vụ án Công ty Tân Hoàng Minh Đông đảo bị hại tham dự phiên tòa xét xử vụ án Công ty Tân Hoàng Minh
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động