Chủ nhật 05/05/2024 19:30

“Thủ lĩnh” chương trình “Vì nạn nhân da cam” truyền lửa đến giới trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Phạm Văn Tới được biết đến là “thủ lĩnh” của hàng loạt chương trình ấn tượng “Chung tay vì nạn nhân da cam”. Với 4 lần tổ chức, chương trình đã thu hút hàng nghìn tình nguyện viên tham gia.

Chương trình cũng từng xác lập kỷ lục Guinness: “Chương trình đạp xe Vì nạn nhân da cam có số người tham gia đông nhất Việt Nam”. Và đằng sau vai trò “đại sứ màu áo da cam” còn là một chàng trai 8X căng hết mình với các hoạt động vì cộng đồng.

“Đại sứ” thiện nguyện

Giữa tháng 8, để có cuộc hẹn gặp với “thủ lĩnh” Phạm Văn Tới thật khó. Chẳng phải anh mắc “bệnh ngôi sao” mà đơn giản anh bận đến kín cả lịch. Bận đến nỗi, hẹn gặp được anh cũng phải tranh thủ khoảng thời gian rảnh nhất là sau bữa cơm chiều. Lúc này, anh dành thời gian uống cà phê, đồng thời tranh thủ trả lời thông tin các bạn sinh viên đăng ký tham gia buổi phỏng vấn cho đợt tuyển thêm thành viên của CLB Từ thiện quốc gia (NCC). Anh bảo, đợt này, CLB Từ thiện quốc gia dự kiến tuyển thêm 100 thành viên mới nhằm phát triển CLB và thêm hoạt động cũng như quản lý tốt hơn các phân nhánh từ các địa phương, các trường. Với yêu cầu và trách nhiệm của một tình nguyện viên từ cộng đồng, anh mong muốn các thành viên mặc chiếc áo hồng của CLB Từ thiện quốc gia sẽ thực sự có tâm và nhiệt huyết được cống hiến sức trẻ, bởi trách nhiệm làm từ thiện là vô cùng khó khăn và gian khổ.

Giữ vai trò Chủ tịch CLB Từ thiện quốc gia, đến nay CLB đã có 250 thành viên, hoạt động tích cực nhiều dự án vì cộng đồng như: “Chung tay Vì nạn nhân da cam”, dự án “Chủ nhật Xanh”, công tác từ thiện,… Trong đó, dự án “Vì nạn nhân da cam” được tổ chức thường niên từ năm 2016 là dự án gây tiếng vang nhất. Từ chương trình thiết thực nhằm kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, chia sẻ khó khăn với người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, quỹ “Tết Vì nạn nhân da cam” cũng được thành lập. Số tiền quyên góp, ủng hộ nạn nhân da cam/đi-ô-xin từ các chương trình do anh tổ chức hiện đã lên tới hàng tỷ đồng. Số tiền này được anh sử dụng để trao quà, tặng tiền mặt, tặng bò, sửa nhà giúp các nạn nhân.

Nhắc đến Phạm Văn Tới, ngoài biệt danh “Đại sứ màu áo da cam”, còn được gọi là Thạc sĩ “bốc rác”. Đó là dự án “Chủ nhật Xanh” được anh khởi động và đồng hành cùng NCC ra quân 2 ngày chủ nhật mỗi tháng để dọn rác trên địa bàn Hà Nội. Tới nay, dự án đã triển khai 8 đợt ra quân “Chủ nhật Xanh” và thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tình nguyện viên tham gia. Có thể kể đến, đợt ra quân lần 5 “Dọn rác sông Tô Lịch” thu hút 1.000 tình nguyện viên áo xanh cùng với sự tham gia của “ông Tây nhặt rác” James Joseph Kendall đã tạo được hiệu ứng cao tới cộng đồng.

Anh Phạm Văn Tới
“Thủ lĩnh” Phạm Văn Tới. Ảnh: Vi Giáng



“Làm từ thiện để trả ơn”

Tôi hỏi, anh từng chia sẻ làm việc 20 giờ mỗi ngày, đam mê công việc từ thiện, anh tạo khoảng riêng nào cho bản thân? Anh thật thà, anh đang chạy đua với thời gian, cũng bởi vì nhiệt huyết của tuổi trẻ đã khiến anh từng nhận bài học đắt giá. “Tự làm, tự chi, tự chịu”, anh đã mất rất nhiều, thậm chí thời điểm này còn rơi vào cảnh nợ nần. Nhưng, chưa khi nào anh nghĩ sẽ từ bỏ. Bởi lẽ, anh yêu công việc truyền cảm hứng đến cộng đồng và anh không muốn mất thêm một khoảng thời gian nào sống ngoài đam mê đó. Cứ im lặng và tiếp tục bước đi, anh luôn khởi lấp sự cô đơn bằng việc lên các ý tưởng táo bạo. Và sắp tới đây, đợt tuyển 5.000 tình nguyện viên đi bộ chống bạo hành phụ nữ là chương trình anh dành tâm huyết rất lớn. Anh nói, đó có thể là chương trình ấn tượng của tôi trong năm 2017. Nếu năm 2016, mọi người biết đến Phạm Văn Tới là thủ lĩnh chương trình “Vì nạn nhân da cam”, giành được kỷ lục Guinness Việt Nam thì chương trình đi bộ “Chống bạo hành phụ nữ” vào sáng ngày 15-10-2017 tại Tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chương trình đầu tiên tại Việt Nam có số lượng người tham gia lớn nhất. Đây cũng là chương trình ý nghĩa khi tổ chức đúng dịp kỷ niệm 87 năm Ngày phụ nữ Việt Nam (1930-2017). Anh cho biết, đó sẽ là chương trình được tổ chức quy mô và trang trọng. Chỉ một ngày đăng tải thông tin phát động chương trình tuyển 5.000 tình nguyện viên tham gia chương trình đi bộ “Chống bạo hành Phụ nữ”, trang facebook của anh Tới đã thu hút hơn 4.000 người đăng ký tham gia. Cuối tháng 8 này, anh Tới và những người cộng sự NCC tiếp tục triển khai chương trình CLB Hỗ trợ sinh viên Việt Nam nhằm nâng cao kỹ năng cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có một khởi đầu thuận lợi, hòa nhập cuộc sống.

Tích cực với các hoạt động vì cộng đồng năm 2017, khi những nợ nần vẫn đeo đẳng, nhưng với Phạm Văn Tới, anh không nghĩ khó khăn theo một cách tiêu cực mà luôn đặt những câu hỏi cho bản thân và sự nghiệp rồi đi tìm câu trả lời. Có những gạch đầu dòng của các dự án anh vẫn chưa thực hiện như mục tiêu ban đầu, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ sẽ từ bỏ. Đằng sau anh là một lực lượng các bạn trẻ nhiệt huyết, đòi hỏi một thủ lĩnh phải “chân cứng đá mềm” trước mọi sóng gió của cuộc đời.

Với quan điểm riêng của bản thân “Làm từ thiện để trả ơn”, đó là mục tiêu của một người trẻ như anh Tới được may mắn sinh ra trong thời bình, thế nên anh thấu cảm được những nỗi đau hiện hữu từ di chứng chất độc màu da cam để lại trong cuộc sống gia đình người Việt Nam. Bởi thế, lúc nào anh cũng mong muốn được làm từ thiện, giúp đỡ thật nhiều những hoàn cảnh khó khăn.

Có những chuyến đi, rồi khi trở về, anh Tới luôn trăn trở, suy nghĩ mình phải làm gì để giúp đỡ họ vơi đi khó khăn trong cuộc sống. Mới đây, trong đợt trao quà cho các nạn nhân da cam khó khăn, anh kể về trường hợp một gia đình tại Bình Xuyên – Vĩnh Phúc “5 người con thì 4 người mắc bệnh thận nặng và nhiều bệnh khác’” khiến anh không thể cầm lòng được. Thấu cảm nỗi khó khăn của gia đình, anh Tới đăng tải thông tin kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng và nhận được số tiền hỗ trợ từ những tấm lòng hảo tâm. “Của cho không bằng cách cho, hiện tại cuộc sống của mình cũng còn nhiều khó khăn về tài chính bởi các hoạt động cộng đồng của mình. Nhưng, tôi sẽ cố gắng mỗi tháng gửi hỗ trợ 1 triệu đồng và quà. Số tiền này không thấm vào đâu nhưng tôi còn nhiều việc cộng đồng khác, hàng triệu nạn nhân khác chờ tôi”, anh Tới nói.

Chính niềm tin từ người “thủ lĩnh” với phương châm “nói là làm” đã trở thành động lực, lan tỏa và truyền cảm hứng tới những bạn trẻ để hướng đến một xã hội nhân văn và tốt đẹp.

Vi Giáng / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động