Thứ bảy 23/11/2024 01:01
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất để giải quyết các thách thức trong hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường đầu tư và nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, tạo liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và DN, cải thiện quản lý và chính sách, nâng cao ý thức và nhận thức của giáo viên, sinh viên và cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Đào tạo nguồn nhân lực chưa được như kì vọng

Phát biểu tại Hội thảo: "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức chiều ngày 25/4. Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, ngày nay, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của mỗi quốc gia và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, sự đầu tư vào nguồn nhân lực đã trở thành một yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Xét trên góc độ vi mô, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp mà người sử dụng lao động áp dụng để thích nghi với sự thay đổi thị trường cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh.

Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo cho biết thêm, hiện nay, hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức và vấn đề. Đó là: tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhóm cơ cấu việc làm vẫn còn thấp; kết quả đào tạo nhân lực cao còn hạn chế, thể hiện ở tỷ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật không cao; kết nối cung cầu trong thị trường lao động giữa người lao động chuyên môn cao và yêu cầu việc làm chưa cân bằng; Nhà nước đã thể hiện mối quan tâm về việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực cao ở các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI, XII và gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII. Các tỉnh đều ban hành chính sách hỗ trợ, tài trợ người lao động, thu hút nhân lực trình độ cao trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả các chính sách này vẫn chưa đạt được như kì vọng.

Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo chỉ ra một số nguyên nhân như sự thiếu đầu tư cho giáo dục và sự mất cân bằng giữa nguồn nhân lực được đào tạo và nhu cầu thị trường còn xuất phát từ chính sách thiếu gắn kết các cơ sở giáo dục và người sử dụng lao động. Theo ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia tuyển sinh hướng nghiệp, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực thì cơ sở giáo dục chỉ chú trọng tuyển sinh và đào tạo những ngành hút thí sinh và bỏ rơi những ngành không được thí sinh chuộng và đòi hỏi sự đầu tư nhiều lâu dần đã dẫn đến sự mất cân đối trong đào tạo nhân lực. Thực tế minh chứng nhiều trường dù có tới 15-20 mã ngành đào tạo nhưng chỉ chú trọng tuyển sinh 5-7 mã ngành hút người học. Điều này làm mất cân đối của thị trường lao động về lâu dài.

Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực

Góp ý về giải quyết các thách thức trong hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, Tiến sĩ Lại Thị Phương Thảo đề xuất có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường đầu tư và nguồn lực cho giáo dục và đào tạo: Chính phủ cần tăng cường đầu tư và cung cấp nguồn lực đủ cho hệ thống giáo dục và đào tạo. Điều này bao gồm việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho giáo viên và nhân viên trong ngành.

Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Người lao động, đơn vị tuyển dụng tham gia "Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất năm 2024". Ảnh: Công Phương

Đồng thời, tạo liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và DN: thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và DN để đảm bảo rằng chương trình đào tạo phản ánh đúng nhu cầu của thị trường lao động và cung cấp kỹ năng cần thiết cho sinh viên và người lao động.

Về cải thiện quản lý và chính sách: Chính phủ cần tăng cường quản lý và thúc đẩy việc thực thi chính sách trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Điều này bao gồm việc xây dựng các chính sách linh hoạt và cập nhật để phản ánh các thay đổi trong nhu cầu của thị trường lao động và xã hội.

Tăng cường ý thức và nhận thức: cần tổ chức các chương trình và chiến dịch để nâng cao ý thức và nhận thức của giáo viên, sinh viên và cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng giáo dục và đào tạo. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp đào tạo và hướng dẫn, cũng như thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục.

Các quy định mới về thu hút nhân tài cần chú trọng hơn đến sáng chế, sản phẩm có tính thực tiễn
Toàn cảnh hội thảo “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”
"Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)"
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động