Thứ sáu 26/04/2024 19:15

Tăng cường giáo dục đạo đức để giảm thiểu vi phạm pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Bên cạnh các giải pháp về mặt pháp lý, thời gian tới Quốc hội, Chính phủ cũng quan tâm định hình để ra được những nghị quyết về việc tăng cường công tác giáo dục về mặt đạo đức, về truyền thống gia đình đến với mọi người, đến mọi nhà”.    

Tăng cường giáo dục đạo đức

Đây là đề nghị của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về các báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đồng tình cao với Báo cáo của Ủy ban Tư pháp với nhận định công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đều đạt được kết quả tích cực và có những chuyển biến, trong đó có nhiều cách làm, những mô hình rất mới.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về tình hình tội phạm đối với trẻ em, nhất là tội phạm hiếp dâm, trong nhóm các tội xâm phạm tình dục lại tăng đáng kể. Theo báo cáo thì tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng lên đến hơn 30% và chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số các tội phạm hiếp dâm nói chung. Bên cạnh hiếp dâm, các hành vi như là cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em cũng có dấu hiệu tăng.

“Đây là con số rất đáng suy nghĩ, hành vi này không chỉ xâm phạm về an ninh trật tự mà trước hết là đến sự phát triển bình thường của trẻ em rồi đến tương lai của một thế hệ mới sẽ ảnh hưởng chung đến tâm lý của xã hội. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm trong thời gian tới”, đại biểu nói.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bày tỏ bức xúc trước một số vấn đề xã hội khác như vụ con gái đánh rồi đổ rác lên đầu mẹ, rồi vụ con trai và con dâu ánh bà mẹ đã 88 tuổi... Theo đại biểu, những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, vi phạm pháp chế, mà còn thể hiện sự băng hoại đạo đức, những vấn đề về quan hệ gia đình.

“Bên cạnh các giải pháp về mặt pháp lý, tôi cho rằng thời gian tới Quốc hội, Chính phủ cũng quan tâm định hình để ra được những nghị quyết về việc tăng cường công tác giáo dục về mặt đạo đức, về truyền thống gia đình đến với mọi người, đến mọi nhà.

Chúng ta có thể đạt được rất nhiều những thành tựu kinh tế, nhưng khi những giá trị đạo đức, giá trị gia đình, hồn cốt Việt Nam tiếp tục không được bảo vệ, không được phát huy thì đấy là điều rất đáng suy nghĩ”, đại biểu bày tỏ.

Theo đại biểu, cần có các giải pháp chung của toàn xã hội trong việc kêu gọi lương tri, trách nhiệm, tuyên truyền, giải thích pháp luật… để cho mọi người hiểu và cùng đồng hành, cùng trách nhiệm để chung tay bảo vệ giá trị gia đình Việt Nam, trước hết là bảo vệ trẻ em và người già.

tang cuong giao duc dao duc de giam thieu vi pham phap luat
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị tăng cường giáo dục đạo đức để giảm thiểu vi phạm pháp luật

Nêu gương tốt để tránh xa cái xấu!

Cùng băn khoăn về một số lĩnh vực cụ thể tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội nghiêm trọng ở một bộ phận trong xã hội.

Theo đại biểu, đó là tình trạng lợi dụng dịch COVID-19 bùng phát, một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đã cấu kết với kẻ xấu ngoài xã hội có hành vi trục lợi, như vu khống, các vụ nâng khống thiết bị y tế ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Một số người cũng đã có hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất hàng giả là hàng hóa trang thiết bị phục vụ công tác phòng bệnh, thu gom vật tư y tế đã qua sử dụng để tái chế. Một số người cũng đã kê khai không đúng đối tượng để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh đó, việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật, phát tin giả gây nhiễu loạn xã hội cũng làm mất trật tự an ninh… cho thấy công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực như quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn còn có mặt hạn chế và bất cập.

Từ thực tế trên, đại biểu Hà Thị Lan cho rằng, cần có giải pháp, biện pháp kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt để chặn đứng sự gia tăng không bình thường một số loại tội phạm. Trong đó, tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, các hoạt động của các mạng xã hội, đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an ninh mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như là tin giả lên mạng, truyền tải những hành vi đồi trụy, kích động bạo lực...

“Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là giới trẻ và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó cần phải nêu gương tốt, người tốt, để nhằm làm cho mọi người, nhất là đối với giới trẻ nhận thức được đầy đủ hơn về pháp luật, tránh xa những cái xấu và nhiệt tình tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện và có ích cho xã hội cũng như cho cộng đồng”, đại biểu Hà Thị Lan nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ... Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc...
Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động