Bảo đảm thuốc, thiết bị y tế tại các bệnh viện: đòi hỏi chính sách căn cơ lâu dài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân chờ mua thuốc tại Nhà thuốc bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Hùng |
Từng bước gỡ vướng trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn kể từ sau giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Để giải quyết các vấn đề về đấu thầu, mua sắm tại cơ sở y tế, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị quyết 30-NQ/CP, Nghị định 07-NĐ/CP, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế… Những chính sách này đã tháo gỡ cơ bản khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
Đơn cử, tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã có thêm hàng loạt hệ thống thiết bị y tế gồm 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp CT, 19 dàn nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi... Toàn bộ số thiết bị này được mua sắm trong thời gian cuối năm 2023, sau khi có Nghị quyết 30, Thông tư 14-TT/BYT và Nghị định 07, tổng trị giá trên 200 tỷ đồng.
Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, BV Bạch Mai có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động, bệnh nhân có chỉ định về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải đợi chờ.
Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, Quốc hội đã thông qua gói ngân sách đầu tư cho một số BV, trong đó, BV Bạch Mai được thụ hưởng 2 dự án đầu tư của Nhà nước để mua thiết bị y tế.
Một dự án mua sắm thiết bị y tế bằng nguồn phục hồi kinh tế với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước cấp 200 tỷ đồng, 40 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp). Một dự án đầu tư thiết bị y tế bằng nguồn tăng thu ngân sách T.Ư với tổng mức đầu tư 790 tỷ đồng.
Trong khi đó, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức Dương Đức Hùng cho hay, trung bình mỗi năm đơn vị thực hiện tới 75.000 ca phẫu thuật. Thời gian qua, có những lúc đơn vị thiếu thuốc, vật tư, tuy nhiên “đó là những lúc thiếu trong tổng thể thiếu chung”.
Mới đây, BV đã có kết quả gói mua sắm theo hình thức áp kết quả thầu quy mô hơn 400 tỷ đồng. Gói thầu này là một "góc nhỏ" trong tổng gói thầu lớn và cũng chỉ có thể phục vụ được nhu cầu phẫu thuật trong hơn 2 tháng. Số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới, cơ sở khác đến rất đông, ảnh hưởng đến dự trù vật tư, tuy nhiên, hoạt động mổ cấp cứu và ghép tạng vẫn đảm bảo đủ thuốc và vật tư.
Hiện BV đang rất nỗ lực, đảm bảo phục vụ cấp cứu cho người bệnh, trung bình thực hiện 30-40 ca phẫu thuật cấp cứu/ngày. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng thuốc của đơn vị không quá lớn, chủ yếu dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, gây mê... nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Mặc dù vậy, sau khi Nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành vào ngày 31/12/2023 vẫn có không ít các BV bày tỏ lo lắng về các biện pháp giải quyết vướng mắc. Dù Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này khiến các cơ sở y tế gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Chờ đợi thông tư hướng dẫn
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngày 27/2/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP với nhiều điểm mới gỡ vướng cho các BV trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Đây là tháo gỡ cần thiết để các BV thực hiện việc mua sắm.
Theo nhận định của nhiều lãnh đạo BV, Nghị định 24 ban hành để việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập trên cả nước kịp thời, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB). Giám đốc BV Phụ sản T.Ư Nguyễn Duy Ánh cho rằng, Nghị định 24 đã đưa ra những giải pháp để các BV bảo đảm có đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB.
Đây cũng là hành lang pháp lý để các BV thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguồn hàng phục vụ người bệnh từ 1 - 2 năm, không phải mua hàng theo kiểu ngắn hạn, bị động và nhỏ giọt như thời gian qua.
Đồng quan điểm, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, đơn vị đã khẩn trương vận dụng các quy định tại Nghị định 24 để mua sắm thuốc, vật tư phục vụ việc KCB tại cơ sở. Hiện bệnh viện cơ bản bảo đảm vật tư, hóa chất, thuốc để KCB.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức bày tỏ, sau khi Nghị quyết 30 của Chính phủ hết hiệu lực, nhiều lãnh đạo BV công lập kỳ vọng vào Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024 và Nghị định 24 của Chính phủ sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong mua sắm.
Tuy nhiên, thời điểm này, không ít BV vẫn chưa thể thực hiện được việc này vì chưa có thông tư hướng dẫn. Vị lãnh đạo này cũng băn khoăn về hành lang pháp lý đã đủ để các đơn vị tổ chức mua sắm được chưa, bởi ngoài luật còn có các văn bản dưới luật, như nghị định, thông tư hướng dẫn.
Chung quan điểm, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) Nguyễn Văn Thường cho rằng, Nghị định 24 giúp BV giải quyết khá nhiều vấn đề thực tế. Về mặt nguyên tắc, Nghị định 24 đã tương đối rõ ràng.
Tuy nhiên, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường băn khoăn, trong thực tế làm việc cần có những quy định rõ ràng hơn, nhất là về phân nhóm mặt hàng, cần cụ thể hơn mặt hàng nào T.Ư đấu thầu, mặt hàng nào thuộc diện đấu thầu tập trung cấp địa phương và mặt hàng nào các BV trực tiếp được phép đấu thầu tại cơ sở. Như vậy, vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn.
Ngoài ra, một số BV cũng lo lắng về tính trung thực và chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các doanh nghiệp (DN) đưa ra. BV lo ngại mua phải giá cao, sau này khi thanh tra sẽ thành thất thoát tài sản.
Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT Hoàng Cương khẳng định, Nghị định 24 là cơ sở để các BV triển khai ngay việc mua sắm mà không cần chờ sự ra đời của những thông tư hướng dẫn. Nghị định 24 có những điểm rất mới (có thể mua sắm trực tuyến trên mạng) “gỡ khó” cho nhiều BV, có thể xác định giá gói thầu theo báo giá.
Kể cả trường hợp có 1 báo giá thì cũng lấy báo giá đó làm giá dự kiến cho gói thầu, hoặc có nhiều báo giá thì có thể lấy giá dự kiến từ gói thầu giá cao nhất. “Các BV cũng có thể áp dụng tùy chọn, mua thêm tối đa 30% gói thầu mua sắm trước đó.
Quy định mới cũng giao quyền cho chủ đầu tư, nhận diện được những khó khăn vướng mắc trước đây để gỡ khó” - ông Hoàng Cương cho hay. Cũng theo đại diện Bộ KH&ĐT, nhiều BV vẫn chưa mua sắm được và vẫn thiếu thuốc, vật tư phục vụ KCB là do trách nhiệm của các chủ đầu tư. Bởi các quy định hiện hành đã đủ căn cứ pháp lý để BV mua sắm, đấu thầu.
Có thể thấy, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ra đời như “đánh tan những cục máu đông” trong đấu thầu, mua sắm y tế nhưng trước những bất cập trên, thiết nghĩ, về lâu dài cần có những chính sách căn cơ hơn, đặc biệt là việc cấp bách bảo đảm thuốc, thiết bị cứu người.
Ngoài yếu tố chủ quan liên quan đến vấn đề đấu thầu thì vấn đề khách quan là nguồn cung ứng. Có những thuốc, vật tư không có phải tìm nguồn thay thế. Luật Đấu thầu (sửa đổi) chính thức hiệu lực từ tháng 1/2024 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, nhất là trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua. Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa |
Luật Ðấu thầu và Nghị định 24/2024/NÐ-CP đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Nhưng các BV còn khá băn khoăn về tính chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các DN đưa ra. Thực tế đã có những DN thành lập nhiều công ty, các công ty trúng thầu, chủ đầu tư rơi vào tình cảnh mua phải giá đắt và khi kiểm toán lại sai phạm… Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ |
Lần đầu tiên thực hiện thành công ca lấy đa tạng từ người cho chết não tại một bệnh viện tuyến tỉnh | |
Hàng nghìn suất cháo, sữa tặng bệnh nhân tại Bệnh viện 19-8 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại