Thứ sáu 26/04/2024 08:31
Hướng đến một Hà Nội đáng sống:

Kỳ cuối: Phát triển không gian công cộng một cách bền vững, đi cùng sự phát triển chung của đô thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để không gian công cộng (KGCC) đáp ứng nhu cầu của người dân, trước hết chính quyền các đô thị cần phải xây dựng chiến lược phát triển KGCC với những chính sách phát triển được đưa vào trong các quy hoạch tổng thể của thành phố.
Kỳ cuối: Phát triển không gian công cộng một cách bền vững, đi cùng sự phát triển chung của đô thị
Các loại hình nghệ thuật xuống phố tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Huy

KGCC là chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị

Theo PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, thiết kế đô thị là lĩnh vực chủ yếu tập trung vào chất lượng môi trường không gian đô thị, phục vụ con người và KGCC là chủ đề trọng tâm của thiết kế đô thị. Trong đó, KGCC phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho đời sống của con người. Khi so sánh về không gian xanh của Hà Nội so với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị thì đều thấp hơn khá nhiều.

Để tăng quỹ không gian xanh, PGS.TS Phạm Thúy Loan cho rằng, đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, chúng ta cần phát huy tối đa, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu vào đó. Bên cạnh đó, sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng nữa, đặc biệt là nhà máy đã được di dời thì chúng ta cần ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và KGCC để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần.

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, một trong 19 chỉ tiêu cụ thể được xác định là cải tạo nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có và đầu tư xây dựng mới 5 công viên, vườn hoa… Để cụ thể hóa, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát thực trạng công tác quản lý, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa trên địa bàn TPố Hà Nội.

Các giải pháp về đầu tư, quản lý sau đầu tư trong thời gian tới. Kế hoạch, danh mục công viên, vườn hoa cụ thể đề xuất đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2021 - 2025. Thực trạng công tác trồng, chăm sóc, duy tu duy trì cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch, đề xuất trồng mới, thay thế trên tuyến phố cũ và trồng mới trên các tuyến đường, tuyến phố mới mở giai đoạn 2021 - 2025... Như vậy, trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có nhiều hơn KGCC cho người dân Thủ đô.

Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TPHà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại khu vực nội đô thành phố sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, đồng thời cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có. Hà Nội cũng sẽ có 7 khu công viên đặc thù. Duy trì và phát triển hệ thống cây xanh hiện có trên cơ sở khai thác những lợi thế và tiềm năng sẵn có; phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa Hà Nội trở thành TP xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Với đô thị lõi, TP sẽ phải đảm bảo nguyên tắc “có đường là có cây xanh” và bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm sẵn có, tạo dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố như Lò Đúc, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng. Cùng với đó Hà Nội trồng cây trên các tuyến đường mới mở, phủ xanh các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị.

Thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã phối hợp với Viện PRX – Đại diện vùng Ile-de-France (Pháp) tại Việt Nam và đơn vị tư vấn DE-SO (Pháp) nghiên cứu xây dựng Dự án quy hoạch KGCC và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm, hướng đến phát triển các không gian xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, kết hợp mở rộng các không gian cho người đi bộ, tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị trong phạm vi dự án, gắn với việc tu bổ công trình và chiếu sáng cảnh quan.

Mục tiêu dự án đặt ra là cải thiện chất lượng KGCC bằng cách chú trọng đến việc đưa thiên nhiên hòa quyện vào không gian đô thị. Từ đó góp phần ngăn chặn các tác động của hiện tượng đảo nhiệt trong nội đô và phát huy các KGCC có bóng cây che phủ.

Đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án cải tạo cảnh quan ba trục chính, tác động phát triển thương mại du lịch tại quận Hoàn Kiếm gồm tượng đài Vua Lý Thái Tổ với quảng trường Ngân hàng Nhà nước, vườn hoa Diên Hồng với công trình nhà khách Chính Phủ và quảng trường Nhà hát lớn, gắn với tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, hồ Hoàn Kiếm.

Nghiên cứu này dựa trên nguyên tắc khôi phục lại những không gian dành cho người đi bộ trong khu vực. Theo các chuyên gia Pháp, tình trạng khai thác điểm đỗ xe chưa được tổ chức bài bản khiến cho nhiều diện tích dành cho người đi bộ đang bị chiếm dụng. Nguyên tắc thứ hai của dự án là củng cố và tăng cường sự hiện diện của không gian xanh để ứng phó tốt hơn với những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí mà thành phố Hà Nội đang ngày càng phải đối mặt.

Việc phát huy giá trị các tầm nhìn bao quát hướng về các công trình di sản được nghiên cứu một cách có hệ thống trong các hạng mục quy hoạch và kết hợp với chiếu sáng nghệ thuật. Nguyên tắc chiếu sáng cần làm nổi bật các công trình trọng điểm trên địa bàn quận.

Ngoài ra, dự án còn cung cấp cho thành phố Hà Nội các công cụ thiết kế KGCC mang tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội, cụ thể là đặc điểm của Khu phố Pháp. Các chuyên gia Pháp cũng đề xuất chỉnh trang nâng cấp tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền, nhằm nâng cao giá trị kiến trúc tuyến phố, cùng với đó là khai thác bên trong các cửa hàng tạo một trục thương mại sầm uất, tạo một tuyến đường đi dạo kết nối với không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm tới Nhà hát lớn.

Các nội dung nghiên cứu sẽ tập trung vào việc đánh giá lại ngôn ngữ kiến trúc, sắp đặt và chỉnh trang lại vỉa hè, làm tăng giá trị các mặt tiền, có quy định cụ thể về quản lý các công trình trên phố, về ánh sáng, về phủ xanh trên tuyến phố.

Xây dựng các không gian sáng tạo văn hóa

Kỳ cuối: Phát triển không gian công cộng một cách bền vững, đi cùng sự phát triển chung của đô thị
KGCC đóng vai trò tối quan trọng cho sự tương tác của con người với con người

Dự án “Tái thiết di sản công nghiệp” nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa các thành viên Viện Văn hoá Quốc gia châu Âu (EUNIC) và các đối tác Việt Nam trong việc chuyển đổi các di sản công nghiệp thành các không gian văn hóa và sáng tạo tại Hà Nội. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào tiến trình bảo tồn các nhà máy cũ như là di sản công nghiệp của thành phố, chuyển đổi chúng thành các không gian văn hóa, sáng tạo nhằm góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống khẳng định, đây là việc cần thiết nhằm cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị. Hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang được di dời khỏi nội thành Hà Nội từ 2019, trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử xứng đáng được giữ lại làm di tích kiêm không gian văn hóa sống động.

Việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa, là nơi ươm các start-up của giới làm sáng tạo. Các không gian sáng tạo chuyển đổi từ các khu công nghiệp có diện tích lớn, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, Nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho sự chuyển đổi, đầu tư vào việc chuyển đổi, và có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia vào việc chuyển đổi này.

Hiện nay, Hà Nội đã và đang hình thành nhiều không gian sáng tạo văn hóa, trong đó quận Hoàn Kiếm với các không gian tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ phố cổ Hà Nội, không gian bích họa Phùng Hưng và không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân.

Tại quận Tây Hồ, phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng là một địa chỉ văn hóa cuối tuần ấn tượng. Cùng với đó là hàng loạt các không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, Hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, phố sách 19/12… Các không gian văn hóa cộng đồng đã tạo đòn bẩy cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng, trở thành đặc sản của mỗi du khách gần xa.

Trong đó, phải kể tới không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Được triển khai thực hiện từ năm 2014, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành “điểm hẹn văn hóa” của mỗi người dân vào dịp cuối tuần. Bên cạnh hoạt động vui chơi, tại đây còn tái hiện nhiều trò chơi dân gian xuống phố, gắn với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu.

Hà Nội là Thủ đô của đất nước nên không có lý do gì Hà Nội không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng Hà Nội dù không phải là TP giàu nhất nhưng là TP vì con người nhiều nhất.

Kỳ 2: Không gian công cộng - “trái tim” của thành phố Kỳ 2: Không gian công cộng - “trái tim” của thành phố

Khi nhắc về hình ảnh đặc trưng của một đô thị, không gian công cộng (KGCC) là một trong những nơi được mọi người liên ...

Kỳ 1: “Khát” không gian công cộng? Kỳ 1: “Khát” không gian công cộng?

Hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội khá hạn chế. Trung bình người dân chỉ có 3m2 diện tích không gian ...

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động