Thứ bảy 27/04/2024 11:33
Hướng đến một Hà Nội đáng sống:

Kỳ 1: “Khát” không gian công cộng?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội khá hạn chế. Trung bình người dân chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Riêng khu vực Hoàn Kiếm có khoảng 13 vườn hoa, với diện tích chia theo đầu người thì mỗi người dân ở đây chỉ có khoảng 0,1m2.
Kỳ 1: “Khát” không gian công cộng?
Các không gian công cộng đóng vai trò quan trọng cho sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên, cho sự lưu giữ các ký ức chung và việc tạo dựng nên các biểu tượng gắn với một thành phố. Ảnh: Vi Giáng

Không gian công cộng là những khu vực chung mà mọi người đều có thể thoải mái tiếp cận, không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, sắc tộc, tôn giáo.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương- Viện nghiên cứu Văn hoá nhấn mạnh không gian công cộng có vai trò rất quan trọng đối với một thành phố, bởi vì không gian công cộng được biết đến như là một “phòng khách” của một đô thị.

Theo TS Phạm Quỳnh Phương, không gian công cộng là nơi con người đối mặt với nhau và có thể nhận thức được sự tồn tại của nhau. Đó còn là nơi mà ai cũng có thể tiếp cận được mà không phải trả bất cứ khoản phí nào. Ngoài ra, không gian công cộng không của riêng cá nhân nào, mà nó là tài sản chung của tất cả mọi người. Chính vì thế, các không gian công cộng đóng vai trò tối quan trọng cho sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên, cho sự lưu giữ các ký ức chung và việc tạo dựng nên các biểu tượng gắn với một thành phố.

Hiện nay, không gian công cộng tồn tại dưới 3 loại hình chủ yếu gồm: Không gian công cộng chính thống (quảng trường, công viên, phố đi bộ, vườn hoa...), không gian công cộng phi chính thống (vỉa hè, siêu thị...) và không gian cộng đồng (làng trong phố, khu tập thể cũ, khu đô thị mới...).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, những công trình hiện đại liên tiếp được xây dựng kéo theo không gian công cộng tại Hà Nội ngày càng bị thu hẹp. Tại nhiều khu vực, người dân thiếu sân chơi, sân tập luyện thể thao, thậm chí phải tận dụng vỉa hè, lòng đường để chơi thể thao, dẫn đến những nguy hiểm khó lường do va chạm giao thông,…Không ít vỉa hè còn được tận dụng làm bãi đỗ xe, bán hàng quán khiến ngay cả việc đi lại của người dân cũng gặp khó khăn.

Chỉ xét riêng về mật độ cây xanh, trung bình người dân ở Hà Nội chỉ được cung cấp khoảng 3 m2 mảng xanh, thấp hơn rất nhiều so với con số 9m2/ người mà WHO khuyến cáo là cần thiết để được sống khoẻ mạnh và cân bằng.

Trong khi đó, đa phần các đô thị lớn trên thế giới đều đảm bảo mỗi người dân có trên 20 m2/ mảng xanh, con số này ở Singapore và Seul lần lượt là 30.3/m2/người và 41/m2/người. Ở Vienna (Thủ đô của nước Áo), số liệu còn được ghi nhận lên tới 120/m2/người.

Theo thống kê của tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, khu vực quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 13 vườn hoa. Nếu chia theo đầu người, người dân khu vực này chỉ có 0,1m2 không gian công cộng. Đặc biệt, ở khu phố cổ dân số khoảng 7 vạn dân chỉ có duy nhất vườn hoa Đường Thành diện tích gần 1000m2.

Không phủ nhận sự thay đổi diện mạo của Thủ đô Hà Nội trong 5 năm trở lại đây khi thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2015. Diện tích đất đô thị dành cho giao thông tăng gần 1,5%. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư hiện đại góp phần nâng cao chất lượng, mức độ dịch vụ.

Tuy nhiên, sự đổi mới, hiện đại đô thị vẫn chưa theo cách người dân mong muốn khi những nhu cầu thiết yếu như không khí sạch để hít thở, không gian công cộng để vui chơi giải trí lại chưa được đáp ứng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mong muốn khu vực nơi mình sống có những khu vui chơi, sân tập để mọi người, đặc biệt là trẻ em được vui chơi, luyện tập thể thao thỏa thích. Có nhiều hôm, con tôi muốn chơi thể thao nhưng không biết chơi ở đâu, đành phải ra ngoài vỉa hè, thậm chí xuống lòng đường chơi. Tuy nhiên, ở đó mọi người đi lại nhiều, sợ va chạm giao thông, hai mẹ con lại phải vào nhà. Cháu bảo chán và lại xin mẹ xem điện thoại".

Thời gian gần đây, Hà Nội cũng đã có những sự quan tâm nhất định đến không gian công cộng như diện tích trồng cây xanh được mở rộng, số lượng các công viên nhiều hơn, tổ chức các tuyến phố đi bộ. Tiêu biểu như trong 5 năm qua, quận Hoàn Kiếm dù có diện tích chật hẹp nhưng đã sáng tạo và lập ra 13 không gian công cộng, điển hình như không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố nghệ thuật Phùng Hưng, không gian công cộng ven sông Hồng tại phường Phúc Tân….Có điều, diện tích cho không gian công cộng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Ở Hà Nội, trừ Quảng trường Ba Đình lịch sử thì các quảng trường trong thành phố như Quảng trường Cách mạng Tháng 8 trước Nhà hát Lớn, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm hay Quảng trường 1/5 trước Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô cũng trở thành những đảo giao thông, hiếm khi diễn ra những hoạt động cộng đồng.

Nhiều nơi tập trung dân cư đông đúc nhưng đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Một số công viên lớn như Thủ Lệ, Thống Nhất, Indira Gandhi, Tuổi trẻ… lại chưa được chú trọng đầu tư, duy tu sửa chữa thường xuyên nên dần xuống cấp, không thu hút người dân tham quan, sinh hoạt.

Theo Kiên trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Thủ đô đang đứng trước một giai đoạn phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì Hà Nội không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải TP giàu nhất nhưng là TP vì con người nhiều nhất.

(Còn nữa)

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động