Thứ ba 07/05/2024 20:12

Chuyện ở “xóm trên sông” - Kỳ 4: Những mảnh đời ghép lại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khó khăn, thiếu thốn trăm bề… thế nhưng, với những người sống ven bờ sông Hồng này, tình thương yêu dành cho nhau vẫn không thể thiếu.
Anh Đường, chị Hiếu trên chiếc thuyền “câu cơm”
Anh Đường, chị Hiếu trên chiếc thuyền “câu cơm”.

Xong việc rẫy cỏ buổi sáng, anh Nguyễn Văn Đường, SN 1974, tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, vội vàng ra bãi sông để lên thuyền thả lưới với chị Nguyễn Thị Hiếu, SN 1985. Chiếc thuyền nhỏ thuần thục chạy vòng quanh những chiếc nhà phao dập dềnh trên bến sông, chị khéo léo lách chiếc thuyền còn anh chầm chậm thả lưới. Nét sương gió còn in nguyên trên khuôn mặt chị Hiếu, nhưng nụ cười vẫn nở mỗi khi trò chuyện cùng anh Đường.

Rải lưới xong, anh Đường vui vẻ bảo chị chèo vào bờ rồi kể chuyện. Gia đình anh Đường vốn là dân gốc làng Phú Thượng. Trước đây, gia đình anh cũng có mái nhà bên cạnh bãi sông, công việc cũng quanh quẩn rẫy cỏ, trồng rau hoặc làm thuê khi người ta mướn. Nhưng đến một lần bãi lở, ngôi nhà anh bị nước cuốn trôi, nhà đất chẳng còn, cực chẳng đã anh phải cố “tậu” lấy chiếc thuyền để neo đậu trên bãi sông này. Cuộc sống độc thân cũng chẳng có gì là khó, bởi kiếm ít ăn ít, kiếm được nhiều ăn nhiều, lại có một mình không phải lo lắng cho ai nên cũng dễ thở hơn.

Sống mãi ở chiếc thuyền dưới sông cũng bấp bênh, cá tôm cũng không còn dồi dào đều đặn. May mắn, anh được người dân trồng đào thuê anh hàng ngày rẫy cỏ và trông vườn cho họ. Lương họ trả 3 triệu đồng/tháng và cho ở luôn trên túp lều dựng trên chính mảnh ruộng trồng đào ấy. Cuộc sống cũng không sung túc, nhưng ít nhất với anh, cùng còn đỡ hơn rất nhiều khi lênh đênh với chiếc thuyền nhỏ trên sông.

Và run rủi thế nào anh lại gặp và thương cảnh ngộ của chị Hiếu. Anh bảo thấy chị ấy một nách hai con nhỏ, thân đàn bà hàng ngày chài lưới kéo cá, bắt tôm chẳng kiếm được bao nhiêu, hai đứa con lại đang tuổi ăn tuổi học cũng không đỡ đần sinh nhai được cho mẹ. Cứ thế rồi anh bảo chị về “góp gạo thổi cơm chung”, sống túm tụm lại để dễ bề chăm sóc nhau.

“Người lớn còn đỡ, chứ trẻ nhỏ mỗi lần mưa bão hoặc con nước lên lênh đênh trên thuyền không an toàn chút nào. Vậy nên tôi bàn tính với cô ấy đưa hai con lên bờ, mưa gió, bão bùng nhỏ thì tá túc trong căn lều ở giữa vườn đào, còn nếu bão to quá thì cũng tiện bề gửi các cháu lên các nhà cao tầng bên trong bãi”, anh Đường kể.

Anh Đường hào hứng kể chuyện về những đứa trẻ, như thể kể về chính những đứa con ruột thịt của mình. Bởi vì hai đứa trẻ cũng biết thương mẹ, biết hoàn cảnh của mình nên cũng chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn bảo ban nhau. Anh cũng mừng vì các con được hội phụ huynh lớp và thầy, cô giáo chủ nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ tiền học phí cũng như trang thiết bị học tập nên anh và chị Hiếu cũng nhẹ gánh phần nào khi lo cho các con.

Chị Hiếu sau một hồi nghe anh nói chuyện cũng góp chuyện, chị bảo giờ có anh đỡ đần nên cuộc sống cũng không còn bấp bênh như trước. Gần 40 tuổi, nhưng chị đã sống hơn 20 năm dưới thuyền. Công việc chính là đánh bắt cá hoặc làm thuê, làm mướn nếu có ai cần. Cứ như thế, mỗi tháng chị kiếm được khoảng 4 triệu, thế nhưng lại tốn bao nhiêu chi phí để sinh hoạt, để nuôi hai con ăn học. Chị bảo, những ngày có người thuê thì còn đỡ, chứ trông vào tấm lưới bắt cá cũng khó nói. Chị chỉ vào đám cá đang giãy trong lòng thuyền bảo: “Như ngày hôm nay, từ sáng đến 11h trưa kéo cá bán chắc được tầm 4 – 500 nghìn đồng. Nhưng 5 ngày mới có 1 ngày kiếm được như thế”.

Có anh Đường phụ giúp, chị đưa các con lên cùng sống với anh ở túp lều anh được người ta cho ở nhờ để tiện công việc chăm sóc vườn đào. Hai người sống trong túp lều ở vườn tuy chật nhưng cũng tươm tất hơn nhiều khi sống trên thuyền. “Có mưa, nắng cũng không phải lo… Nhất là từ khi có anh phụ giúp, chuyện sinh nhai dù vất vả nhưng cũng thấy nhẹ nhàng, vui vẻ hơn” - chị Hiếu cho biết.

Bởi cuộc sống bấp bênh, có hộ khẩu nhưng cũng chẳng có nơi trú chân nên anh chị cũng chẳng tính chuyện kết hôn. Anh nghĩ đơn giản, việc thương nhau, muốn đỡ đần nhau và để nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống thì chuyện có hay không cũng không thay đổi được thứ nghĩa tình ấy.

Ông Hùng vui vẻ kể chuyện cuộc đời mình
Ông Hùng vui vẻ kể chuyện cuộc đời mình

Cũng giống như anh Đường, ông Nguyễn Văn Hùng, SN 1959, ở xóm Phao, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, sau bao nhiêu năm bôn ba, rồi bập bềnh một mình trên ngôi nhà phao, ông cũng đã tìm thấy niềm vui cho tuổi xế chiều của mình. Không chỉ người dân ở cái xóm này, mà câu chuyện của ông Hùng thường gắn với bà Đinh Thị Mai, SN 1954, là điều ai cũng biết.

Cũng thương người phụ nữ bần hàn vất vả bao nhiêu năm nuôi con mà lang thang khắp ngõ ngách ở đất Hà Nội để nhặt nhạnh sinh nhai, ông đã đến với bà để chia sẻ với bà những niềm vui, nỗi buồn… Câu chuyện của ông bà không trẻ trung, cũng chẳng sôi nổi như lứa trẻ, nhưng cứ dí dỏm, nhẹ nhàng… Cái cách thể hiện cũng đơn giản như cái cách ông Hùng trêu bà, hoặc ngồi cạnh bà nhẩn nha câu chuyện. Ông cũng xót thương mỗi lần trái gió trở trời khiến cánh tay vốn bị gãy trước kia do không biết cách giữ gìn mà chệch khớp, ông cũng muốn chia sẻ với bà những nhọc nhằn mỗi lần bà ra phố đội nắng, đội gió để nhặt từng tấm giấy vụn, mảnh sắt nhỏ…

Cuộc sống ở những nơi này tuy khó khăn, vất vả cùng bấp bênh mưu sinh, nhưng giữa những khốn khó lại có những trái tim đồng cảm tìm đến nhau. Họ đến để đồng cam cộng khổ, để yên lặng chia ngọt sẻ bùi, và để nương tựa động viên nhau những khi trái gió trở trời. Và cho dù cuộc sống trên sông có nguy hiểm, khắc nghiệt, thì trên mỗi chiếc thuyền lênh đênh, mỗi căn nhà bé nhỏ trên sông đều ấm áp những tình yêu thương người ta dành cho nhau…

(Còn nữa)

Chuyện ở "xóm trên sông": Kỳ 1: Sống cảnh "ba không"
Kỳ 2: Bấp bênh tương lai của những đứa trẻ dưới bến sông
Chuyện ở “xóm trên sông” - Kỳ 3: Ước mơ ngoài tầm với
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động